Sức bật từ nguồn vốn Chương trình 30a ở các huyện miền núi

11:10, 08/10/2010
.

(QNg)- Chương trình 30a được triển khai ở 6 huyện miền núi Quảng Ngãi nằm trong diện 61 huyện nghèo cả nước, nhằm xóa nghèo nhanh và bền vững cho người dân. Gần hai năm triển khai, nhiều công trình trên các huyện miền núi đã được xây dựng, bước đầu đem lại hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều việc phải bàn…
 
TIN LIÊN QUAN


* Những công trình của lòng dân
Nếu như trước đây về các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi của tỉnh, nghe người dân nói nhiều về những công trình, dự án từ Chương trình 135, 134 và các chính sách miền núi đem lại những đổi thay, thì nay người dân lại bàn nhiều về chuyện Chương trình 30a. Đây là chương trình có số vốn lớn nhất đầu tư cho những huyện nghèo trên nhiều lĩnh vực, với mục tiêu là giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2009 tỉnh đã ứng trước kinh phí kế hoạch của năm 2010 là 155,1 tỷ đồng, để đầu tư 106 công trình cơ sở hạ tầng cho 6 huyện miền núi. Đến nay đã có 47 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong năm 2010 tỉnh đã phân khai qua chương trình này là 120 tỷ đồng, để tiếp tục đầu tư 70 công trình chuyển tiếp, trả nợ 6 công trình và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư 48 công trình.

Tại huyện miền núi Ba Tơ đã xây dựng hoàn thành 1.932/2.190 nhà ở, tạo điều kiện cho những hộ nghèo có chỗ ở ổn định.

 Ông Phạm Văn Hoi - Chủ tịch UBND xã Ba Nam, cho biết: Địa phương xây được 21 nhà ở cho người nghèo thuộc Chương 167 của Chính phủ là đáp ứng nguyện vọng của bà con vùng hưởng lợi. Bởi bao quanh những cánh đồng lúa hẹp là đất núi dựng đứng nên việc làm nương, làm đồng của nhân dân đều khó khăn. Cái ăn còn bấp bênh, nên nhiều hộ cả đời vẫn chưa làm được nhà ở. Chương trình đã kịp thời giúp dân làm nhà ở ổn định, tập trung sản xuất là phù hợp với lòng dân.
 
Các huyện miền núi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình từ nguồn vốn 30a.
Các huyện miền núi đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình từ nguồn vốn 30a.

Khi triển khai thi công các công trình, xây dựng nhà ở cho dân, huyện Ba Tơ đã tập trung, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; hỗ trợ phát triển sản xuất... Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình trụ sở làm việc, giao thông, thủy lợi thiết yếu, đáp ứng nhu cầu đi lại, hỗ trợ phát triển dân sinh trong vùng.

Rời huyện Ba Tơ, ngược đường lên huyện miền núi Sơn Tây, chúng tôi đến xã Sơn Mùa. Ở đây công trình Phòng khám đa khoa khu vực Trung tâm cụm xã được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho dân ở xã Sơn Mùa và các xã lân cận Trung tâm được xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí 30a hỗ trợ hơn 1,9 tỷ đồng, nguồn còn lại do vốn Trung tâm cụm xã. Trụ sở xây dựng mới hoàn toàn trên diện tích 270m2, gồm có 12 phòng đáp ứng cho việc khám bệnh và điều trị nội trú cho bệnh nhân.

Ông Phạm Tấn Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây bộc bạch: Chương trình 30a mà Chính phủ dành cho các huyện nghèo với số vốn rất lớn, nên huyện tập trung triển khai ngay từ đầu. Huyện xác định: Muốn xóa nghèo nhanh và bền vững thì trước hết phải sớm giải quyết chỗ ở ổn định cho dân. Huyện đã tập trung rà soát toàn bộ số hộ có nhà cửa còn tạm bợ, để đầu tư xây dựng. Trong tổng số 2.267 nhà được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ theo Chương trình 167, đến nay huyện Sơn Tây đã xây dựng hoàn thành 1.717 nhà ở cho hộ nghèo; số nhà còn lại đang thi công, đã giải ngân hơn 34,5 tỷ đồng (gần 64% tổng vốn).

 Các huyện miền núi Sơn Hà, Trà Bồng, Minh Long và Tây Trà cũng xem việc xây dựng nhà cho người nghèo là mục tiêu hàng đầu, để cuộc sống bà con ổn định. Theo các huyện rà soát, đã có 10.323 hộ nằm trong chỉ tiêu xây dựng nhà ở theo Chương trình 167, đến nay có hơn 9.300 nhà đã xây dựng, 242 nhà chưa triển khai và số nhà còn lại đang tập kết vật liệu xây dựng, với tổng vốn hơn 247,7 tỷ đồng, giải ngân được hơn 169,6 tỷ đồng, đạt hơn 68%. Mỗi ngôi nhà, mỗi công trình đưa vào sử dụng, đã góp phần cải thiện cuộc sống cho dân và là động lực phát triển kinh tế của các huyện miền núi trong tỉnh.

*Cần triển khai đồng bộ nguồn vốn 30a
Theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ triển khai trên các huyện miền núi, với mục đích là giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên thực hiện được điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ huyện về xã đến thôn phải đồng lòng thực hiện. Trên cơ sở rà soát trước khi triển khai các Chương trình 135, 134 và các chương trình chính sách miền núi khác, các địa phương đã cân nhắc để xây dựng những công trình 30a đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nhằm góp phần vào công cuộc xóa nghèo nhanh và bền vững như Nghị quyết đã đưa ra. Thực tế chương trình đã triển khai gần 2 năm, nhưng tiến độ giải ngân xây dựng các công trình nhiều nơi vẫn còn chậm.

Tại huyện Ba Tơ, việc giải ngân còn thấp nhiều so với kế hoạch.  Như nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã, huyện ứng trước 25 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2009 chỉ giải ngân được hơn 14,9 tỷ đồng (gần 60% kế hoạch). Nguồn vốn năm 2010 được tỉnh tiếp tục phân bổ 20 tỷ đồng để xây dựng các công trình, nhưng đến 30/8, huyện Ba Tơ cũng chỉ giải ngân được hơn 1,1 tỷ đồng (5,5% kế hoạch). Ngoài ra nguồn vốn sự nghiệp được đầu tư 2 năm hơn 14 tỷ đồng nhưng cũng chỉ giải ngân được hơn 6,6 tỷ đồng (hơn 47%).

Tại huyện miền núi Sơn Tây, tổng nguồn kinh phí tỉnh phân bổ cho huyện trong năm 2010 là: 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 17 công trình thì đến nay, mới chỉ giải ngân hơn 9,4 tỷ đồng. Nguồn vốn sự nghiệp được phân bổ hơn 5,7 tỷ đồng thực hiện 14 nội dung nhưng hầu hết các nội dung đều đang lập thủ tục hồ sơ triển khai...

Không chỉ huyện Ba Tơ và Sơn Tây giải ngân chậm, mà cả 6 huyện miền núi có tiến độ xây dựng chưa đạt so với yêu cầu. Trong 2 năm từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, 6 huyện miền núi trong tỉnh được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và vốn sự nghiệp hơn 343,7 tỷ đồng, nhưng đến nay chỉ giải ngân được 232,2 tỷ đồng (67,5% tổng vốn).

Bây giờ các huyện miền núi đã bước vào mùa mưa, nên những tháng còn lại cuối năm sẽ hạn chế nhiều việc tiếp tục thực hiện chương trình này. Theo chủ trương của TW, từ nguồn vốn 30a đầu tư xây dựng một hạng mục, một công trình, cây con giống mới, hướng dẫn cách làm ăn cho dân là nhằm giúp họ cải thiện cuộc sống và địa phương thoát khỏi diện huyện nghèo. Do vậy UBND các huyện miền núi cần nhanh chóng rút kinh nghiệm, hoặc linh hoạt từng thời điểm thuận lợi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung thi công các công trình. Đừng để nguồn kinh phí cuối năm không giải ngân hết phải trả lại cho trung ương hoặc phải xin chuyển sang năm tới…

MAI HẠ

.