Thực hiện hỗ trợ sản xuất theo Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh: Chưa tới nơi tới chốn

10:06, 07/06/2010
.

(QNg) - HĐND tỉnh vừa có đợt giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững tại một số huyện miền núi của tỉnh. Qua giám sát, đoàn đã phát hiện nhiều địa phương thực thi việc hỗ trợ sản xuất cho người dân theo Nghị quyết chưa tới nơi tới chốn, dẫn đến hiệu quả chưa cao.
 
TIN LIÊN QUAN


Hỗ trợ cây, con giống: Nhiều bất cập!
Trong lần thị sát việc thực hiện hỗ trợ cây, con giống theo Nghị     quyết 30a tại xã Ba Bích (Ba Tơ), Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã hết sức "bất ngờ" khi nghe chính quyền địa phương xã này báo cáo: Có hơn 10 con bò, heo sau một vài ngày nuôi đã chết (trong tổng số 76 con giống hỗ trợ cho người dân theo chính sách của Nghị quyết). Theo ông Phạm Văn Múa - Chủ tịch UBND xã Ba Bích là do, chất lượng con giống không đảm bảo, cách thức chăm sóc không phù hợp… Việc con giống bị chết đã gây thiệt hại không nhỏ về tiền của, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch, niềm tin kỳ vọng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây về xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra việc hỗ trợ người dân xã Sơn Thành (Sơn Hà) làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế gia đình.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra việc hỗ trợ người dân xã Sơn Thành (Sơn Hà) làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, phát triển kinh tế gia đình.
Tại xã miền núi Sơn Thành (Sơn Hà), khi Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế tại thôn Gò Ra cũng phát hiện nhiều bất cập trong công tác hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong tổng số 76 con bò, heo được hỗ trợ, hiện đã chết 3 con. Số còn lại khi đi thực tế đến từng hộ gia đình, thì phát hiện số heo, bò được hỗ trợ phần lớn không có trong chuồng nuôi. Các hộ dân ở đây cho biết, do không có điều kiện chăn nuôi, nên họ "gửi" người khác nuôi dùm! Thực tế khi hỏi một số cán bộ thôn này, thì người dân sau khi được hỗ trợ con giống đã không giữ lại nuôi, mà bán lấy tiền. Ông Đinh Văn Hời - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: "Xã chưa có điều kiện để kiểm tra lại tình hình chăm sóc, nuôi dưỡng số bò, heo hỗ trợ cho người dân, nên không nắm được thực tế số con giống này phát triển như thế nào. Xã cũng có nghe thông tin người dân tự ý chuyển nhượng con giống được hỗ trợ và sẽ tổ chức đoàn kiểm tra về tận hộ dân rà soát, chấn chỉnh".

Hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng: Chưa phát huy hiệu quả
Hiện tại công tác hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng được Đoàn giám sát đánh giá chưa phát huy hiệu quả, do việc thực thi chưa tới nơi tới chốn của cơ quan chức năng. Thậm chí nhiều hộ dân ký hợp đồng nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã nhận tiền hỗ trợ nhưng thực tế không biết diện tích rừng do mình đảm nhận khoanh nuôi, bảo vệ ở đâu; có hộ biết nhưng chưa một lần đến thăm, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ.

Đoàn giám sát đã kiểm tra thực tế hộ ông Đinh Văn Hè (thôn Xà Ây, xã Sơn Cao) nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 19 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham. Ông Hè cho biết, đã nhận 800.000 đồng của Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ đầu nguồn vào năm 2009. Thế nhưng năm 2010 Ban Quản lý chưa ký kết lại hợp đồng, nên ông không biết mình có được giao bảo vệ tiếp hay không để chăm sóc diện tích rừng này.

Tại huyện Sơn Hà, Đoàn kiểm tra thực tế hộ ông Đinh Văn Trư (thôn Gò Ra, xã Sơn Thành). Ông Trư được giao khoanh nuôi bảo vệ hơn 6 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham, đã nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 30a. Tuy nhiên ông Trư cho biết, ông chỉ nhận biết khu rừng được giao bảo vệ, chứ chưa đến và thực hiện chăm sóc số diện tích rừng này. Như vậy hiệu quả chính sách hỗ trợ để góp phần bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham liệu có được phát huy?
Hỗ trợ xuất khẩu lao động: Nhiều nơi dân chưa tiếp cận!

Thời gian qua mặc dù chính quyền và ngành chức năng đã có nhiều giải pháp trong công tác XKLĐ, nhưng xem ra công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc, khiến người dân chưa tiếp cận được chính sách này.

Tại xã Ba Giang (Ba Tơ), lãnh đạo UBND xã báo cáo với Đoàn giám sát: Trong năm qua xã chưa vận động được người dân tham gia XKLĐ. Nguyên nhân người dân chưa hiểu, nên không mạnh dạn tham gia. Ngành chức năng và huyện cũng đã nhắc nhở, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Từ đầu năm đến nay và năm 2009 chưa có đối tượng nào đăng ký tham gia XKLĐ. Chúng tôi đã gặp gỡ một số thanh niên của xã Ba Giang trao đổi về vấn đề đăng ký XKLĐ thì được họ cho biết,  bản thân họ cũng muốn tham gia XKLĐ, nhưng chưa hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền lợi nên băn khoăn, do dự.

Trong khi đó cũng trên địa bàn huyện Ba Tơ, thời gian qua có một số xã thực hiện tốt công tác này như xã Ba Lế, Ba Khâm, Ba Trang… năm 2009 và những tháng đầu năm 2010 có hàng chục thanh niên được hỗ trợ vay vốn (24 triệu đồng/người) để tham gia XKLĐ. Đến nay đã có nhiều thanh niên trả xong tiền vay, đồng thời có tích cóp được một khoản tiền lớn giúp gia đình sửa lại nhà cửa, mua sắm máy móc đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Tại buổi làm việc với các xã Ba Giang, Ba Bích về thực hiện hỗ trợ xuất khẩu lao động, ông Phạm Viết Nho - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các xã này phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ XKLĐ, để họ mạnh dạn tham gia, tạo việc làm, thu nhập, giúp bản thân, gia đình vươn lên thoát nghèo, tiến đến làm giàu chính đáng.    
   
                      THANH NHỊ

.