KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Trung tướng Phạm Kiệt và Chiến thắng Điện Biên Phủ

14:53, 06/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 là một mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Người có những đóng góp quan trọng làm nên bản hùng ca bất tử ấy là Trung tướng Phạm Kiệt, một người con ưu tú của quê hương núi Ấn - sông Trà. Ông là người nêu ý kiến duy nhất với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về thay đổi cách đánh trong trận Điện Biên Phủ và đã mang lại thắng lợi vẻ vang.

Tầm nhìn của một vị tướng 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, đồng chí Phạm Kiệt đảm trách công tác bảo vệ. Khi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía đông bắc, ông đã nêu lên ý kiến của mình cho vị Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Để từ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình. Đó là thay đổi cách đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để giành thắng lợi cuối cùng trong trận Điện Biên Phủ.

Trung tướng Phạm Kiệt. 
Ảnh: TƯ LIỆU
Trung tướng Phạm Kiệt. Ảnh: TƯ LIỆU

Nói về vai trò của đồng chí Phạm Kiệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề ngày 19/1/1995, Đại tướng viết: “Tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía đông bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu qua điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.

“Lúc bấy giờ toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày 2 đêm. Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì như thế có thể bị cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc””.

Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, ngày 14/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến lệnh tác chiến bí mật với phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20/1/1954. Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày 2 đêm bằng tiến công ồ ạt, đồng loạt, thọc sâu.

Tuy nhiên, do một đơn vị trọng pháo của ta vào trận địa chậm nên ngày nổ súng được quyết định lùi lại ngày 25/1. Sau đó, tin về ngày nổ súng bị lộ, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ. Sáng 26/1, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập Đảng ủy Mặt trận quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Trong cuốn “Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, ông đã thuật lại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận như sau: “Đảng ủy gồm 4 người thì 3 người vẫn giữ ý kiến đánh nhanh. Đại tướng phải nói lại chỉ thị của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Cùng với đó là phân tích những bất lợi của ta nêu đánh nhanh thì không chắc thắng. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Lệnh rút quân, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương án đánh mới”.

Sau này, khi nhắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Lê Trọng Tấn - nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Điện Phủ khẳng định: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”. Còn Đại đoàn trưởng 308, tướng Vương Thừa Vũ thì nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lùi lại mươi năm”.

Vị tướng tài ba, đức độ

Trung tướng Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh năm 1910, quê ở làng An Phú, nay thuộc thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh). Ông tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên năm 1929, đến năm 1931 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tướng Phạm Kiệt là một trong những người tham gia thành lập Chi bộ Đảng tại Căng an trí Ba Tơ năm 1944, làm nhiệm vụ Tỉnh ủy lâm thời. Ông là Tỉnh ủy viên trực tiếp chịu trách nhiệm về quân sự. Là chỉ huy đội du kích Ba Tơ.

Đại diện cựu chiến binh, đoàn viên, thanh thiếu nhi của tỉnh tham quan Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt, 
tại xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.                                                                              Ảnh: TĐ
Đại diện cựu chiến binh, đoàn viên, thanh thiếu nhi của tỉnh tham quan Nhà lưu niệm Trung tướng Phạm Kiệt, tại xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TĐ

Tháng 8/1945, ông là Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa và lãnh đạo giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1946, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31 thuộc Khu 5. Cuối năm 1949, đầu 1950, từ chiến trường Nam Trung Bộ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 31, đồng chí Phạm Kiệt được điều ra Việt Bắc rồi tham gia các chiến dịch Biên Giới (1950), Hòa Bình (1951-1952) và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.

Trong kháng chiến chống Mỹ, tại vùng tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), đồng chí Phạm Kiệt là người đề xuất xây dựng địa đạo Vĩnh Mốc nổi tiếng. Ông được phong quân hàm đại tá năm 1958. Đầu năm 1960, Đại tá Phạm Kiệt sang nhận nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Tháng 4/1961, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và nhận nhiệm vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Tháng 4/1974, ông được thăng quân hàm Trung tướng.

Trong những năm công tác ngoài Bắc, đồng chí Phạm Kiệt vinh dự được làm việc và gặp Bác Hồ nhiều lần. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ cho gọi đồng chí Phạm Kiệt lên và tặng ông một chiếc đài radio. Bác nói: “Đây là chiếc đài mà Đờ Cát dùng suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Trong suốt cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Phạm Kiệt luôn được cấp trên và thuộc cấp tin yêu nể phục vì tài năng, đức độ của mình. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về ông: “Trọn đời cống hiến tận tâm, trọn vẹn cho đồng bào, đất nước, không bao giờ đòi hỏi, thu vén cho gia đình. Anh sống giản dị và chất phác, luôn chăm lo cho cấp dưới, cho mọi người với tất cả những gì có thể, ai từng công tác, tiếp xúc hay cấp dưới đều kính trọng, kính nể, kính phục và yêu quý anh Phạm Kiệt”.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.

X. THIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:53, 06/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.