Tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

08:44, 29/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT đã được điều chỉnh tăng khoảng 10%, trong đó giá một lần khám tại bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I hơn 42 nghìn đồng, trạm y tế xã hơn 30 nghìn đồng.

Khoảng 2.000 dịch vụ y tế tăng giá

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 22/2023/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp. Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 17/11/2023.
Cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Hạ (Sơn Hà) khám bệnh cho người dân.
Cán bộ Trạm Y tế xã Sơn Hạ (Sơn Hà) khám bệnh cho người dân.

Theo Thông tư 22, có khoảng 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá. Cụ thể, giá khám bệnh BHYT tại bệnh viện hạng đặc biệt như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Trung ương Thái Nguyên, Trung ương Quân đội 108 tăng từ gần 39 nghìn đồng lên hơn 42 nghìn đồng/lượt khám. Trạm y tế xã thay đổi giá khám bệnh từ hơn 27 nghìn đồng lên hơn 30 nghìn đồng/lượt khám. Trung bình mức tăng ở các hạng bệnh viện từ 2.600 - 3.400 đồng/lượt khám, tức khoảng 10% so với giá cũ.

Trường hợp người bệnh có thẻ BHYT nhưng có sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thì người bệnh được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Thông tư này cũng hướng dẫn giá khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm; bổ sung ghi chú của một số dịch vụ kỹ thuật. Theo đó, giá giường bệnh BHYT cao nhất hơn 867 nghìn đồng/giường/ngày đối với bệnh viện hạng đặc biệt và thấp nhất là hơn 64 nghìn đồng/giường/ngày đối với trạm y tế xã. Giá siêu âm tăng từ gần 44 nghìn đồng lên hơn 49 nghìn đồng. Bên cạnh đó, chi phí chụp X-quang tăng 3.000 đồng, chụp CT Scanner 64 dãy đến 128 dãy có thuốc cản quang tăng 11 nghìn đồng/lượt.

Người dân nông thôn, miền núi lo lắng

Về tác động của điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế cho biết các nhóm có thẻ BHYT là người nghèo, dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội được BHYT thanh toán 100% nên không bị ảnh hưởng. Với các nhóm phải đồng chi trả 20% hay 5%, khoản tăng thêm không nhiều và họ có khả năng chi trả vì thu nhập tăng theo lương cơ sở.

Đến cuối tháng 10/2023, toàn tỉnh có trên 1,16 triệu người tham gia BHYT, đạt 98,54% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, tăng 2.067 người so với cùng kỳ năm trước, giảm 9.529 người so với cuối năm 2022. Đến ngày 31/10/2023, có trên 1,3 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2022; chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên 594 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nông dân và những người lao động tự do thì việc thay đổi giá dịch vụ này đã tạo thêm khó khăn cho họ, nhất là người dân ở miền núi. Ông Đinh Đòa, ở thôn Trường Khay, xã Sơn Hạ (Sơn Hà) chia sẻ, 2 năm nay người dân ở xã không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT nên gặp khó khăn trong khám, chữa bệnh. Vừa rồi mức đóng BHYT tăng lên, giờ giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cũng tăng khiến người dân khó càng thêm khó.

Theo thống kê của BHXH huyện Sơn Hà, xã Sơn Hạ hiện có khoảng 80% dân số đã tham gia BHYT. Từ khi xã Sơn Hạ về đích nông thôn mới vào năm 2021 đến nay, người dân trên địa bàn không thuộc diện Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT mà phải tự mua. Bác sĩ Đinh Cung - Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Hạ cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 - 5 người đến trạm y tế xã để khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, còn nhiều trường hợp do chưa có thẻ BHYT nên gặp khó khăn.

Xuất bản lúc: 08:44, 29/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.