Tư Nghĩa triển khai nhiều giải pháp để giảm nghèo

06:04, 19/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các cấp ủy, chính quyền ở huyện Tư Nghĩa luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững bằng nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả quan trọng. 

Bà Nguyễn Thị Cho (86 tuổi), ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), luôn được địa phương quan tâm hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Cho (86 tuổi), ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), luôn được địa phương quan tâm hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống.

Tập trung giảm nghèo
Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Đoàn Việt Vân cho biết, Tư Nghĩa là huyện có tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chiếm hơn 90%. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm gần 5%. Trong đó, số hộ nghèo phần lớn là người cao tuổi, tật nguyền, mắc bệnh nan y, hộ nghèo neo đơn... Vì vậy, công tác giảm nghèo của địa phương gặp nhiều khó khăn. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,65%.

Từ năm 2022 đến nay, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, huyện chú trọng hỗ trợ các phương thức sản xuất giúp người dân vươn lên thoát nghèo; đặc biệt là hỗ trợ nguồn kinh phí cho người dân có điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Tổng nguồn vốn hỗ trợ trong năm 2022 và năm 2023 cho Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ gần 7,5 tỷ đồng, vốn người dân tham gia đóng góp gần 3 tỷ đồng. Kết quả, hơn 200 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo chăn nuôi bò, heo sinh sản, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Vẫn còn khó khăn, bất cập
Ông Đoàn Việt Vân cho biết, theo quy định đến cuối năm 2023, địa phương phải tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,45%. Trong khi đó, huyện chỉ còn 577 hộ nghèo, chủ yếu là người già, neo đơn, người mắc bệnh nan y nên rất khó trong việc giảm nghèo. Trước mắt, địa phương phân loại đối tượng hộ nghèo. Những đối tượng có khả năng thoát nghèo sẽ được ưu tiên hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định đời sống; đồng thời ưu tiên cho vay vốn, hỗ trợ sinh kế phát triển kinh tế gia đình. Riêng những hộ già, neo đơn, người mắc bệnh nan y thì chăm sóc theo kênh chính sách an sinh xã hội như ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ những suất quà duy trì đời sống...

Chị Nguyễn Thị Bình - Công chức Văn hóa xã hội thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) chia sẻ, hiện nay, thị trấn La Hà còn 40 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, số hộ già, neo đơn, mắc bệnh nan y chiếm khoảng 70%. Vì vậy, địa phương gặp khó khăn trong công tác giảm nghèo.

Bà Nguyễn Thị Cho (86 tuổi), ở tổ dân phố 4, thị trấn La Hà thuộc diện hộ nghèo neo đơn, không có nhà ở nên ở nhờ nhà người em ruột. Tháng 6/2023, bà Cho bị tai nạn, nên UBND thị trấn La Hà đưa bà vào diện người cao tuổi khuyết tật và được hưởng chế độ 900 nghìn đồng/tháng; đồng thời hỗ trợ chế độ nuôi dưỡng 360 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, hay khi có đoàn từ thiện, bà được quan tâm hỗ trợ quà... Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội, nên cuộc sống của bà Cho được đảm bảo. 

Trên thực tế, hộ nghèo là người già neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo không đủ điều kiện vay vốn vì không có khả năng trả nợ. Vì vậy, UBND thị trấn La Hà luôn ưu tiên hỗ trợ đáp ứng nhu cầu tại chỗ như mì tôm, gạo và các nhu yếu phẩm khác thông qua các hoạt động văn nghệ quyên góp từ thiện, hay khi các đoàn từ thiện về hỗ trợ... giúp hộ nghèo thuộc diện người già neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo cuộc sống.  

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 06:04, 19/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.