Bàn tay ta làm nên tất cả... 

05:58, 19/10/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bằng sự cần cù, chịu khó, nhiều phụ nữ ở huyện Sơn Tịnh đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Nhìn cơ ngơi hiện nay của gia đình chị Bùi Thị Mười, ở thôn Minh Mỹ, xã Tịnh Bắc (Sơn Tịnh), ít ai biết cách đây hơn chục năm, gia đình chị từng là hộ cận nghèo. Chị Mười cho biết, khi mới lập nghiệp, vợ chồng tôi được cha mẹ cho mấy sào đất để sản xuất nông nghiệp. Lúc đầu, do thiếu kiến thức nên việc chăn nuôi không hiệu quả, kinh tế gia đình khó khăn. Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng tôi quyết tâm vươn lên, vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư xây chuồng trại, phát triển chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, làm đến đâu chắc đến đó, việc chăn nuôi heo, bò lai của gia đình tôi thuận lợi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Gia đình chị Đào Thị Vân, ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông có cuộc sống ổn định nhờ đầu tư vườn ươm keo giâm hom.
Gia đình chị Đào Thị Vân, ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông có cuộc sống ổn định nhờ đầu tư vườn ươm keo giâm hom.

Hiện tại, gia đình chị Mười nuôi 4 con bò lai, trong đó có 2 con bò sinh sản; nuôi 4 con heo nái, trung bình mỗi năm xuất bán hơn 100 con heo thịt. Tận dụng diện tích đất rộng, vợ chồng chị Mười trồng cỏ để nuôi bò và xung quanh vườn trồng gần 200 cây cau. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, chồng chị Mười làm thợ hồ, còn chị tham gia đội cắt cành thuê cho các vườn keo. “Vợ chồng tôi động viên nhau nỗ lực lao động. Cả hai bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc vào lúc tối muộn, dù vất vả nhưng bù lại kinh tế gia đình ổn định hơn", chị Mười chia sẻ.

Từ hai bàn tay trắng, phải đi làm thuê để chạy ăn từng bữa, thế nhưng với sự cần cù, dám nghĩ, dám làm, gia đình chị Đào Thị Vân, ở thôn Hương Nhượng Nam, xã Tịnh Đông đã có cuộc sống khấm khá. Chị Vân từng đi làm thuê ở các vườn keo giâm hom, thấy mô hình này có triển vọng, chị vừa làm thuê, vừa tìm hiểu về nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc keo giâm hom. Năm 2010, chị Vân mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển mô hình trồng keo giâm hom. “Những ngày đầu bắt tay vào làm vườn ươm keo, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ khó về nguồn vốn mà còn về kỹ thuật, keo bị chết nhiều. Dù vậy, tôi vẫn kiên trì theo đuổi, tìm cách khắc phục khó khăn và đã thành công. Từ vườn ươm nhỏ, mỗi năm tôi mở rộng thêm diện tích. Đến nay, vườn ươm của gia đình tôi có diện tích hơn 10 nghìn mét vuông, với khoảng 30 nghìn cây giống”, chị Vân cho hay. 

Nhiều năm qua, vườn ươm keo của chị Vân tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ ở địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng; tạo việc làm thời vụ cho khoảng 15 lao động. Mỗi năm, vườn ươm keo giâm hom của gia đình chị Vân đem lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng. 

Bài, ảnh: KHẢI NAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 05:58, 19/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.