Khi người trẻ kết hôn muộn

08:58, 05/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng kết hôn muộn để tập trung cho công việc và khám phá cuộc sống theo sở thích cá nhân.

Muôn vàn lý do 

Ngày càng có nhiều người trẻ “lười” yêu và trì hoãn việc kết hôn. Đối với họ, độ tuổi từ 22 - 30 là quãng thời gian “vàng” để họ tập trung phấn đấu trong công việc, học tập thêm nhiều kỹ năng mới và hưởng thụ cuộc sống bằng cách đi du lịch, khám phá thêm nhiều vùng đất mới.

Gần 8 năm qua, Nguyễn Trần Thu Hậu, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) luôn dành thời gian khám phá nhiều địa điểm tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.                                           Ảnh: Ý THU
Gần 8 năm qua, Nguyễn Trần Thu Hậu, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) luôn dành thời gian khám phá nhiều địa điểm tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.                                           Ảnh: Ý THU

Bước sang tuổi 33, Nguyễn Trần Thu Hậu, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) dành thời gian rảnh rỗi để đi du lịch. Với chị, bên cạnh niềm vui trong công việc, được đi du lịch đó đây, tham quan, khám phá vẻ đẹp của nhiều vùng đất mới, giúp cuộc sống của chị luôn tràn đầy năng lượng và hạnh phúc.

“Trong khi bạn bè cùng trang lứa vui vẻ bên chồng con, thì tôi cũng có niềm vui của riêng mình. Tôi tập trung cho công việc chuyên môn, làm tốt vai trò của một lương y và dành thời gian đi du lịch khắp nơi. Tôi đã đi khoảng 20 tỉnh, thành phố, biết thêm nhiều vùng đất mới và làm quen với nhiều bạn mới. Nhiều người quan niệm rằng, ở độ tuổi của tôi, nhất định phải đặt mục tiêu kết hôn lên hàng đầu. Nhưng tôi nghĩ rằng, cứ chờ người phù hợp rồi hẵn yêu, thà cưới chồng muộn, còn hơn vội vàng kết hôn với người không phù hợp để rồi không hạnh phúc”, chị Hậu bộc bạch. 

Chị Phạm Thị Như Ý (28 tuổi), ở xã Đức Phú (Mộ Đức) cho biết, thời gian qua, chị tạm thời gác chuyện yêu đương qua một bên để tập trung vào việc kinh doanh. Rời quê vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, chị Ý mạnh dạn vay mượn tiền, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở cửa hàng kinh doanh thực phẩm hỗ trợ sức khỏe.

Chia sẻ quan niệm về hôn nhân, chị Ý bảo, chứng kiến cuộc sống sau khi kết hôn của nhiều bạn bè cùng trang lứa, mình nhận ra hôn nhân không phải là câu chuyện toàn màu hồng của những người yêu nhau. Có bạn cùng tuổi Ý nhưng đã ly hôn 2 lần. Vì vậy, với Ý, hôn nhân muốn hạnh phúc thì 2 người phải cùng gầy dựng, vun đắp. Trong đó, nền tảng về tài chính đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, Ý muốn ổn định sự nghiệp, chuẩn bị nền tảng tài chính cho bản thân, để khi kết hôn, có đủ điều kiện lo cho bản thân và gia đình.

Ở tuổi 33, Hà My, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn trẻ trung, năng động.
        ẢNH: Ý THU
Ở tuổi 33, Hà My, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) vẫn luôn trẻ trung, năng động.         ẢNH: Ý THU

Dù đã bước sang tuổi 33, Hà My, ở xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) vẫn chưa vội kết hôn. “Với tôi, hôn nhân là một hành trình hạnh phúc, nên tôi chỉ kết hôn khi gặp được người phù hợp. Phù hợp ở đây là người tương đồng về nhân sinh quan và thái độ sống. Hôn nhân phải làm cho người ta sống hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, chứ không phải là một chiếc áo đồng phục để bất cứ ai khi đến tuổi dựng vợ gả chồng cũng đều phải khoác lên cho giống với người khác. Dù độc thân hay lập gia đình thì mình vẫn phải sống tốt, sống tích cực để tận hưởng giá trị của cuộc sống", My chia sẻ.

Anh N.V.L (38 tuổi), ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) bảo rằng, việc kết hôn chính là tìm một người bạn cùng chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Nếu không phù hợp, sẽ rất khó đi cùng nhau đến hết cuộc đời. Vì vậy, mình đâu thể chọn đại một người để cưới, như lời khuyên, lời thúc giục của mọi người.

Một xu hướng mới 

Ngày nay, việc kết hôn muộn đã trở thành xu hướng của nhiều người trẻ. Kết quả Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình phát hành năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, “bức tranh” xu hướng kết hôn với nhiều biến động lớn trong 30 năm trở lại đây. Theo đó, độ tuổi kết hôn trung bình của nam giới Việt Nam đã tăng từ 24,4 tuổi vào năm 1989 lên 27,9 tuổi vào năm 2020. Cũng theo Tổng cục Thống kê, tại Quảng Ngãi, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người dân đã tăng từ 24,5 tuổi (năm 2010), lên 25,55 tuổi (năm 2020). Còn tại một số thành phố lớn, như TP.Hồ Chí Minh, độ tuổi kết hôn trung bình của người dân đã xấp xỉ 28 tuổi (năm 2020)…

Nhiều người trẻ dành thời gian để đi du lịch, khám phá các vùng đất mới.   Ảnh: PV
Nhiều người trẻ dành thời gian để đi du lịch, khám phá các vùng đất mới.   Ảnh: PV

Phân tích về xu hướng kết hôn muộn của người trẻ, Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018, trung bình cả nước có trên 60 nghìn vụ ly hôn mỗi năm, chiếm 30% tổng số cặp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc, cứ 10 cặp kết hôn thì có đến 3 cặp ly hôn. Đối với nhiều cặp đôi trẻ, việc thiếu nền tảng tài chính, thiếu những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống hôn nhân là một trong các nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng của tỷ lệ ly hôn.

Trước thực tế trên, người trẻ khi chứng kiến sự đổ vỡ, áp lực trong cuộc sống hôn nhân từ mọi người xung quanh, đã khiến họ có xu hướng kết hôn muộn. Một bộ phận người trẻ muốn dành thời gian ổn định về sự nghiệp, chăm lo về tài chính để làm nền tảng cho hôn nhân. Một bộ phận người trẻ khác lại có xu hướng muốn tận hưởng cuộc sống tự do, vui chơi, hưởng thụ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Cùng với đó, yêu cầu của người trẻ về hôn nhân cũng ngày càng cao, họ yêu cầu người bạn đời phải có sự hòa hợp với họ về tâm hồn, phải có nền tảng tài chính, sự nghiệp... Những nguyên nhân này đang khiến người trẻ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn.

Tiến sĩ Ngô Thị Kim Ngọc cho rằng, kết hôn muộn giúp người trẻ chuẩn bị chu đáo hơn về tài chính cùng các kỹ năng cần thiết, làm nền tảng cho cuộc sống hôn nhân. Tuy nhiên, cũng có một số lo ngại khi các bạn trẻ kết hôn muộn. Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu: “Khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con. Phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi”. Bởi lẽ, sinh con sau tuổi 35, sức khỏe của người mẹ và trẻ em đều đối diện với nhiều nguy cơ hơn so với sinh con trước độ tuổi này.

Nỗi lòng của cha mẹ 
 
Nhiều người trẻ không vội kết hôn, kể cả khi đã ngoài 30 tuổi, trong khi đó các bậc cha mẹ thì lo lắng vì con cái chưa “thành gia lập thất”, sợ rằng sẽ qua độ tuổi đẹp nhất của đời người để yêu và kết hôn. Sốt ruột khi con gái bước sang tuổi 32 vẫn chưa kết hôn, ông N.Q, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) trầm ngâm kể: “Khi tôi hối thúc con sớm tìm người yêu và cưới chồng, con khó chịu và buồn bực ra mặt. Con cho rằng, tôi ấu trĩ, lạc hậu. Nhưng phải đến khi làm cha làm mẹ, con mới hiểu rằng, không phải bỗng dưng mà cha mẹ cứ muốn con cái kết hôn trước 30 tuổi. Bởi, cưới trễ và sinh con muộn kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con. Nhưng dường như con không hiểu điều đó, cứ nghĩ rằng cha mẹ áp đặt, hối thúc”.

 

Ý THU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 

 

Xuất bản lúc: 08:58, 05/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.