Yêu thương sẽ đong đầy hạnh phúc

15:16, 26/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai tiếng gia đình như là hơi thở, cuộc sống của mỗi người. Gia đình hạnh phúc chính là điểm tựa yêu thương, là chốn đi về để mỗi người cảm thấy cuộc đời này thật ý nghĩa và là động lực để phấn đấu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có hạnh phúc gia đình.   

Chủ đề của ngày Gia đình Việt Nam (28/6) năm nay là "Gia đình hạnh phúc- Quốc gia thịnh vượng". Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, bởi hạt nhân của xã hội chính là gia đình. Mỗi gia đình phải là một mái ấm hạnh phúc, rộn tiếng cười vui, có vậy mới cùng nhau xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường.  

Thuận vợ thuận chồng, gia đình êm ấm

Đến với nhau bằng tình yêu chân thành nhưng để xây dựng được gia đình hạnh phúc, viên mãn như hôm nay, đó là cả một quá trình cùng nhau nỗ lực, vun đắp của anh Trần Văn Trung và chị Trương Thị Liên, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh). Năm 2005, anh Trung và chị Liên gặp và yêu nhau. Sau 3 năm hẹn hò, đến năm 2008, anh chị đăng ký kết hôn. Chuyện tình của anh chị gặp nhiều trở ngại vì vấp phải sự phản đối của gia đình anh Trung. Thế nhưng, bằng tình yêu, sự thấu hiểu và nỗ lực, anh chị đã cùng nhau vượt qua bao sóng gió.

Gia đình hạnh phúc là điểm tựa vững chắc để chắp cánh cho con trẻ những ước mơ.
Ảnh: Bean studio
Gia đình hạnh phúc là điểm tựa vững chắc để chắp cánh cho con trẻ những ước mơ. Ảnh: Bean studio

Chị Liên cho biết, vợ chồng tôi đều là công nhân. Tôi là thợ may, còn anh là thợ cơ khí. Những ngày đầu xây dựng cuộc sống hôn nhân đối với vợ chồng tôi thật sự khó khăn. Mọi việc, vợ chồng tôi đều phải tự lo mà không có sự hỗ trợ từ gia đình. Thế nhưng, hiểu tấm lòng của cha mẹ anh Trung chỉ vì lo lắng khi con trai lấy vợ ở xa quê, nên chị Liên không giận mà thay vào đó là cùng anh cố gắng lao động, chăm sóc, vun vén cho gia đình để thay đổi suy nghĩ của cha mẹ chồng. “Tôi quê ở Quảng Bình nên cha mẹ anh Trung sợ anh lấy vợ ở nơi xa. Hiểu điều đó nên tôi cứ cố gắng vun đắp cho tình yêu, hạnh phúc gia đình, chứ không phiền trách cha mẹ chồng. Sau nhiều năm cùng nhau phấn đấu, đến năm 2013, vợ chồng tôi cũng mua được căn nhà riêng nho nhỏ. Dù bận rộn với công việc nhưng vợ chồng tôi luôn sắp xếp thời gian để cùng nhau tập thể dục, chia sẻ chuyện nội trợ, dọn dẹp nhà cửa và nuôi dạy con cái. Hạnh phúc với gia đình tôi, đơn giản chính là sự bình an, các con khỏe mạnh, ý thức trong chuyện học tập, rèn luyện”, chị Liên bộc bạch.

“Chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau, thấu hiểu và luôn bên cạnh nhau thì mọi khó khăn, trắc trở đều có thể vượt qua. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt đó là động lực để chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các con”.
 
Anh VÕ VĂN PHƯỢNG, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa)

Còn đối với vợ chồng anh Võ Văn Phượng và chị Phạm Thị Hồng Thắm, ở thôn An Hội Bắc 2, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), chung sống hạnh phúc hơn 20 năm qua. Anh chị luôn thấu hiểu, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong công việc và cùng nhau chăm lo cho gia đình. Gia đình anh Phượng là một trong những gia đình gương mẫu, tiêu biểu ở địa phương.

Anh Phượng từng là kỹ sư cầu đường, hiện là Bí thư Chi bộ thôn An Hội Bắc 2. Còn chị Thắm làm kế toán doanh nghiệp. Hai người con của anh chị đều là học sinh giỏi nhiều năm liền, có thành tích cao trong học tập. Hiện cô con gái lớn đang là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Luật (Đại học Huế), còn con trai út là học sinh giỏi tiêu biểu. Trong năm học 2022-2023, cháu xuất sắc đạt giải nhất môn Hóa cấp huyện, tỉnh khối lớp 9. 

Anh Phượng chia sẻ, rung động rồi yêu nhau thì dễ, nhưng khi đi đến hôn nhân để hạnh phúc thì cần sự chia sẻ, cố gắng vun đắp, xây dựng từ cả vợ và chồng. “Hơn 20 năm kết hôn, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, vợ chồng tôi đều chia sẻ để tìm hướng đi, tiếng nói chung. Không có người nào có quyền áp đặt ý kiến, suy nghĩ của mình đối với người còn lại. Tôi nghĩ rằng, cuộc đời luôn có nhiều việc bất ngờ, đôi khi là biến cố không mong muốn xảy ra. Thế nhưng chỉ cần vợ chồng yêu thương nhau, thấu hiểu và luôn bên cạnh nhau thì mọi khó khăn, trắc trở đều có thể vượt qua. Gia đình chính là điểm tựa vững chắc cho mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt đó là động lực để chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các con”, anh Phượng bày tỏ.

Tôn trọng và yêu thương 

Mỗi năm, kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam là dịp để nhắc nhở mỗi người phải trân trọng, yêu thương và quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình. Hai tiếng "gia đình" thiêng liêng và cao quý nhất trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng, việc xây dựng gia đình hạnh phúc không phải là điều dễ dàng mà cần rất nhiều yếu tố.

Nhờ tình yêu thương và sẻ chia, vợ chồng chị Trương Thị Liên, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.
ẢNH: HIỀN THU
Nhờ tình yêu thương và sẻ chia, vợ chồng chị Trương Thị Liên, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. ẢNH: HIỀN THU

Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Thiều, giảng viên Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) chia sẻ, mỗi người sẽ có tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc riêng, nhưng nhìn chung đều bao gồm các yếu tố như tôn trọng, trách nhiệm, bình đẳng, chia sẻ, yêu thương. Trong đó, tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc hàng đầu, giúp duy trì cuộc hôn nhân bền vững. Cùng với đó là sự chia sẻ, cảm thông, động viên, khích lệ. Chia sẻ giúp mọi người hiểu rõ hơn về những vấn đề đang diễn ra trong gia đình, từ đó có được sự đồng cảm, thấu hiểu, giúp đỡ nhau để xây dựng gia đình trong ấm ngoài êm, thuận hòa hạnh phúc. Đặc biệt, để có một gia đình yêu thương và hạnh phúc, trước hết gia đình đó phải được xây dựng trên một nền tảng của tình yêu thương và sự hy sinh.

Khi có tình yêu, có sự hy sinh, chắc chắn sẽ vượt qua được  mọi sóng gió của cuộc đời. "Tình yêu thương là chất kết dính diệu kỳ của mỗi gia đình, là cội nguồn cho sức mạnh tình cảm sâu nặng và lòng thủy chung, gắn bó dài lâu. Nó là điều thiêng liêng cao cả không gì có thể sánh bằng, không gì có thể đánh đổi", thạc sĩ tâm lý Võ Thị Thiều nhận định.

HIỀN THU

 


Ý kiến bạn đọc


.