Gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

14:29, 28/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng gia đình “no ấm, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh” nhằm “giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” là nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) của Đảng.

1. Trong Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước thế giới về quyền bình đẳng, quyền được hưởng tự do và độc lập của dân tộc và con người Việt Nam. Ngay sau đó, Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: Chính trị, kinh tế, văn hoá”; “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”; “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện".

Từ các giá trị cơ bản về quyền con người ấy, trên con đường xây dựng nước Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc, các gia đình Việt đã sản sinh ra những người con đủ tình yêu với quê hương, đất nước, đủ trí thông minh, lòng dũng cảm và đức hy sinh, góp phần vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991) của Đảng khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người”.

Hiến pháp năm 2013 cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau”; “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Điều 36). “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”; “Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân”; “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Điều 37). “Nhà nước, xã hội tạo môi trường xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc” (Điều 60).

Bà Huỳnh Thị Hà, ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), vui vầy bên con cháu.     Ảnh: H.Thu
Bà Huỳnh Thị Hà, ở tổ dân phố 6, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), vui vầy bên con cháu.     Ảnh: H.Thu

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 xác định nguyên tắc: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”; “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con”; “Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình” (Điều 2).

2. Ngày nay, bên cạnh những giá trị nhân văn truyền thống được giữ gìn và phát huy, không ít gia đình Việt đang gặp phải những vấn đề tiêu cực, xung đột. Ly hôn, bạo lực gia đình diễn ra không chỉ ở gia đình trẻ mà cả những cặp đôi từng gắn bó hàng chục năm, không chỉ ở một vài nhóm cư dân mà có ở nhiều nhóm, thành phần xã hội. Vợ chồng không đồng thuận, làm những việc trái pháp luật, sa vào tệ nạn, dẫn đến con cái bất hiếu, hư hỏng, anh em mâu thuẫn, tranh chấp của cải, đùn đẩy trách nhiệm. Kinh tế thị trường với những mặt trái của nó khiến đồng tiền quá được coi trọng, hình mẫu gia đình “một túp lều tranh hai trái tim vàng” khó bền vững. Quan niệm truyền thống “tam tòng”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” xung đột với tư tưởng hiện đại về bình đẳng giới, hôn nhân tự do, bảo vệ quyền trẻ em. Sự thay đổi hệ giá trị gia đình tạo nên những cú “sốc” tâm lý dẫn đến những phản ứng, hành vi trái ngược đạo lý.

Mặt khác, sự hình thành các gia đình trẻ, với hôn nhân tự do, tự nguyện, tính độc lập cao, vị thế phụ nữ tăng lên đã tạo nên những chuyển đổi sang những giá trị và phong cách theo xu hướng mới. Phụ nữ đơn thân có con xem như không phải chịu sức ép của dư luận như trước. Ly thân, ly hôn không còn là vấn đề bị nhòm ngó như xưa. Tuổi kết hôn tăng lên. Những chủ nhân gia đình trẻ với tính độc lập cao (cả trong tư duy và điều kiện tài chính) sẽ chủ động lựa chọn các giá trị cho gia đình mình. Những gia đình quy mô nhỏ song song tồn tại với các gia đình truyền thống nhiều thế hệ.

Tất cả những thay đổi đó dẫn đến một thực tế phổ biến đan xen cái mới chưa hoàn thiện và cái cũ vẫn còn ý nghĩa và chưa thể mất; cùng lúc tồn tại các mức độ khác nhau của các giá trị gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Trong khi đó, công tác xây dựng gia đình chưa được nhận thức một cách thực sự đầy đủ ở một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình... Các công cụ pháp lý và bộ máy nhà nước chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong điều chỉnh, xử lý các vấn đề tiêu cực của gia đình.

3. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) thông qua tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”; “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. Để các nhiệm vụ, mục tiêu đó thành hiện thực, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện các giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mỗi người dân về vai trò của gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình mới. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Theo đó, cần “đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ tiêu chí gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”. Đó phải là mẫu hình gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tuân thủ hương ước, quy ước cộng đồng, có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết với người dân lối xóm, khu dân cư. Là gia đình có văn hóa, tôn trọng, bình đẳng, yêu thương và chia sẻ. Giữa vợ chồng phải chung thủy, nghĩa tình; giữa cha mẹ, ông bà với con, cháu phải gương mẫu, yêu thương; con, cháu với cha mẹ, ông bà phải hiếu thảo, lễ phép; anh, chị, em với nhau phải hòa thuận, chia sẻ.

Ba là, tổ chức các hình thức hoạt động xã hội có ý nghĩa và tác dụng tôn vinh gia đình với các giá trị truyền thống và hiện đại. Tôn vinh các gia đình hạnh phúc, tiến bộ, vợ chồng bình đẳng, sẻ chia, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, no ấm, vượt khó đi lên; gia đình văn minh trong ứng xử, hiện đại trong lối sống, lành mạnh trong suy nghĩ, biết chia sẻ khó khăn cùng nhau và với cộng đồng làng xóm, biết góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo; vừa duy trì những giá trị truyền thống tốt đẹp đang được bảo lưu, vừa tăng cường đưa tiến bộ của khoa học công nghệ đến với các buôn, làng để đồng bào tiếp cận và thụ hưởng những giá trị của nền văn minh nhân loại.

Bốn là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác gia đình. Nhanh chóng đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 06-CT/TW vào chương trình hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để điều chỉnh nội dung, phương thức lãnh đạo công tác gia đình phù hợp với tình hình thực tế. Chú trọng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong xây dựng gia đình văn hóa. Tăng cường lãnh đạo các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp trong rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em, phát triển kinh tế hộ gia đình, phổ cập giáo dục, chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống tệ nạn, bạo lực gia đình. Phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là các cấp hội phụ nữ, các tổ chức tự quản ở khu dân cư trong việc theo dõi, giáo dục, hòa giải, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, mâu thuẫn trong mỗi gia đình.

BẠCH YẾN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 


Ý kiến bạn đọc


.