Thăm lại chiến trường xưa

04:05, 02/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những cái ôm thật chặt, nước mắt chực trào, lời tâm tình không muốn dứt... là giây phút xúc động của những cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn Đề Thám sau 57 năm thăm lại chiến trường xưa tại xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh).
 
[links()]
 
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, đoàn CCB của Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, Quân khu 5 (Trung đoàn Đề Thám tỉnh Bắc Giang) về lại xã Tịnh Bình, chiến trường khốc liệt mà họ đã từng chiến đấu. Thăm chiến trường xưa lần này, đoàn CCB Trung đoàn Đề Thám từ Bắc Giang vào có 24 người và có 1 CCB của Trung đoàn hiện sống tại TX.Đức Phổ. Trong số ấy, người ít tuổi nhất đã 79, người cao tuổi nhất là 87 tuổi.
 
Viếng thăm đồng đội
 
Với nhiều CCB, đây là lần đầu tiên họ được trở lại mảnh đất gắn với tuổi thanh xuân của mình thời kháng chiến. Thời gian, tuổi tác đã thay đổi, nhưng những tình cảm, khí chất của người lính vẫn còn vẹn nguyên. Điểm đến đầu tiên của các CCB là Nghĩa trang liệt sĩ xã Tịnh Bình. Nơi đây, có nhiều phần mộ của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đề Thám được quy tập. Trong hàng ngũ chỉnh tề, đoàn CCB trang nghiêm làm lễ dâng hoa, thắp hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.
 
 Cựu chiến binh Trung đoàn Đề Thám thăm Di tích điểm cao 62, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh).                Ảnh: X.THIÊN
Cựu chiến binh Trung đoàn Đề Thám thăm Di tích điểm cao 62, ở thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). Ảnh: X.THIÊN
Không giấu được những giọt nước mắt trong ngày về thăm lại chiến trường xưa, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm - Trưởng ban liên lạc Trung đoàn Đề Thám, xúc động nói, đây là lần thứ ba tôi quay lại nơi này. Lần nào tôi cũng đến nghĩa trang để viếng đồng chí, đồng đội của mình. Quảng Ngãi là quê hương thứ hai của chúng tôi, là nơi chúng tôi vào sinh ra tử. Những phần mộ liệt sĩ được chính quyền và nhân dân nơi đây chăm lo tươm tất, chúng tôi thật sự ấm lòng.
 
Sau khi thắp hương tưởng nhớ đồng đội, các CCB Trung đoàn Đề Thám lên điểm cao 62 ở thôn Bình Bắc. Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của trung đoàn vào tháng 3/1966. Dù tuổi cao, sức yếu, việc lên đến điểm cao 62 là vô cùng vất vả, nhưng với tình cảm đặc biệt đối với đồng chí, đồng đội còn nằm lại nơi này và cũng là để ôn lại những ngày tháng hào hùng tại điểm cao 62, hơn 10 CCB đã lên đến đỉnh đồi. Tại đây, có bia di tích về trận đánh ngày  4 - 5/3/1966. 
 
Cựu chiến binh Trung đoàn Đề Thám thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: X.Thiên
Cựu chiến binh Trung đoàn Đề Thám thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Ảnh: X.Thiên
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Mão, lúc đó là chiến sĩ của Đại đội 6, Tiểu đoàn 22, Trung đoàn 21 trực tiếp đánh lên điểm cao 62 vào ngày 4 - 5/3/1966 cho biết, từ ngày rời chiến trường, nay mới có dịp quay lại nên tôi rất xúc động. Tôi lên đây để nhớ lại một thời oanh liệt của tuổi trẻ; thắp cho đồng chí, đồng đội còn nằm lại nơi đây nén hương tưởng nhớ...
 
Sâu nặng nghĩa tình
 
Rời điểm cao 62, CCB Trung đoàn  Đề Thám dành thời gian đến thăm một số gia đình ở thôn Bình Bắc đã cưu mang, đùm bọc, cứu chữa thương binh của đơn vị trong trận đánh điểm cao 62 năm xưa. Gặp lại ông Lê Văn Bình, lúc đó là "mũi trưởng" dẫn bộ đội của trung đoàn đánh điểm cao 62 năm 1966, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm mừng mừng, tủi tủi. Họ không có nhiều thời gian để kể hết những câu chuyện thời chiến tranh, mà chỉ tranh thủ hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, cuộc sống, tặng nhau món quà nhỏ rồi chia tay.  Đoàn còn đến thăm gia đình bà Huỳnh Thị Thuẫn, người đã từng nuôi giấu, cứu chữa nhiều thương binh của trung đoàn tại trận đánh điểm cao 62 năm xưa.
 

 

Giây phút xúc động khi gặp lại đồng đội trên chiến trường năm xưa. Ảnh: X.Thiên
Giây phút xúc động khi gặp lại đồng đội trên chiến trường năm xưa. Ảnh: X.Thiên
Nói chuyện tại buổi gặp mặt do tỉnh Quảng Ngãi tổ chức, Đại tá Nghiêm Xuân Nhậm bày tỏ, được về thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Ngãi, chúng tôi thật sự xúc động, tự hào vì đã góp một phần xương máu và tuổi thanh xuân của mình cho mảnh đất sâu nặng nghĩa tình này. Trong sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi luôn ghi nhớ, biết ơn đồng bào Quảng Ngãi đã chở che, đùm bọc, cứu chữa chúng tôi trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, góp phần làm nên khúc khải hoàn ngày chiến thắng, thống nhất non sông ngày 30/4/1975. Chúng tôi "Xin gửi lại đây một nửa trái tim hồng/ Bắc Giang - Quảng Ngãi mặn nồng sắt son".
 
Ngày 9/4/1965, tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Trung đoàn Đề Thám được thành lập, biên chế gồm 3 tiểu đoàn. Phần lớn là con em của nhân dân 2 tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) và Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương, Hưng Yên). Sau 3 tháng huấn luyện, tháng 7/1965, trung đoàn vinh dự mang tên Trung đoàn Đề Thám hành quân vào Nam và được biên chế cho Sư đoàn 2, Quân khu 5, với phiên hiệu Trung đoàn Bộ binh 21. Trong 10 năm chiến đấu, trung đoàn đã tham gia nhiều trận đánh lớn ở chiến trường Khu 5. Trong đó, có trận đánh ở điểm cao 62, huyện Sơn Tịnh vào tháng 3/1966. Ngày 4/3/1966, quân Mỹ điều một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ chiếm điểm cao 62. Theo lệnh cấp trên, đồng chí Trần Lương - Chính trị viên Đại đội 7 của trung đoàn, quê ở xã Liên Sơn (Tân Yên) dẫn đầu đại đội thực hiện nhiệm vụ. Bằng sự gan dạ, mưu trí, Đại đội 7 đã tiêu diệt gọn tiểu đoàn lính thủy đánh bộ của địch.
 
Trong năm 1967, trung đoàn tiếp tục được điều động để chiến đấu với lính Rồng Xanh - Nam Triều Tiên trên chiến trường bắc Quảng Ngãi. Trung đoàn giúp nhân dân các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh làm lại 44 nhà, sửa chữa 213 ngôi nhà khác; đào và sửa 280 hầm trú ẩn; giúp hơn 600 công sản xuất; cùng địa phương xây dựng và củng cố 26 thôn, xã chiến đấu...

 

XUÂN THIÊN
 
 
 
 
 

.