Vang mãi những chiến công

03:04, 30/04/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, nghe các cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 huyện Sơn Tịnh kể chuyện thời kháng chiến, chúng tôi càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.
 
Năm tháng hào hùng
 
Trưởng ban Liên lạc truyền thống Đại đội 289 Trần Thanh Ba, nguyên Chính trị viên Đại đội 289, cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ, để củng cố và tăng cường lực lượng cho bộ đội địa phương, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huyện Sơn Tịnh thành lập Đại đội bộ binh “Ba Gia Quyết thắng 1” (sau này gọi là Đại đội 289) tại Rừng Sằm, thôn Phú Thành, xã Tịnh Trà vào ngày 28/9/1971. Buổi đầu thành lập, đại đội có 74 đồng chí, biên chế thành 3 trung đội bộ binh, 1 trung đội hỏa lực, các tổ hậu cần, trinh sát, liên lạc và Ban chỉ huy đại đội. 
 
Cán bộ, chiến sĩ đại đội khi ấy tuổi đời còn rất trẻ, từ 14 - 20 tuổi. Anh em quyết tâm chiến đấu tiêu diệt quân thù, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Qua gần 4 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đại đội 289 vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh, du kích và đội công tác các xã khu tây Sơn Tịnh tổ chức đánh 150 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

 

Ban Liên lạc truyền thống C289 đến thăm, tặng quà cho bà Phan Thị Bông, xã Tịnh Hiệp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ban Liên lạc truyền thống C289 đến thăm, tặng quà cho bà Phan Thị Bông, xã Tịnh Hiệp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ông Bùi Văn Trừ, cựu chiến binh Đại đội 289, hiện sống ở xã Tịnh Sơn kể, với quyết tâm đã ra quân là chiến thắng, sau gần 2 tháng huấn luyện, được sự chỉ đạo của Huyện ủy và Huyện đội Sơn Tịnh, Ban chỉ huy Đại đội 289 quyết định chọn mục tiêu đánh trận đầu tiên tiêu diệt địch ở chốt điểm cầu Bồ Đề. Sau một thời gian nghiên cứu địa hình, mục tiêu, nắm rõ tình hình địch, 14 chiến sĩ được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh địch, chia thành 2 mũi. Tôi cùng với 3 đồng chí Quyền, Hồng, Định lội qua dòng kênh để tấn công đầu cầu phía nam. Đúng 1 giờ sáng ngày 21/11/1971, các chiến sĩ đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, quân địch không kịp chống cự. Chưa đầy 7 phút, quân ta tiêu diệt hoàn toàn 1 trung đội địch, thu 20 súng các loại. “Tham gia Đại đội 289, lúc đó tôi 17 tuổi. Anh em trong đơn vị quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lúc nào cũng trong tư thế chiến đấu kiên cường, không hề run sợ”, ông Trừ nhớ lại.  
 
Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, ông Nguyễn Thanh Tùng, ở xã Tịnh Bắc như sống lại những năm tháng cùng với đồng đội ở Đại đội 289 dũng cảm chiến đấu để giành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc. Ông Tùng cho biết, tham gia nhiều trận đánh nhưng tôi nhớ nhất là trận đánh tại chốt điểm núi Nhàn, núi Chợ, xã Tịnh Sơn. Đúng 11 giờ trưa, ngày 15/7/1974, lúc địch tập trung ăn cơm, các chiến sĩ trong đơn vị đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, ném thủ pháo phủ đầu quân địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch không kịp trở tay. Sau gần 10 phút chiến đấu, ta tiêu diệt 2 đại đội của địch.   
 
Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 kiên cường, mưu lược, dũng cảm trong chiến đấu và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Trần Thanh Ba cho hay, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 được tặng 4 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất, 6 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 12 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba. Năm 1973, đại đội được Quân khu 5 tặng Cờ đơn vị Quyết thắng; 10 chiến sĩ được Tỉnh đội tặng Danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng…
 
 Nghĩa tình đồng đội
 
Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 nhiệt tình tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Ban Liên lạc truyền thống C289 thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ các cựu chiến binh có đời sống khó khăn, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.

 

Các cựu chiến binh là cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Các cựu chiến binh là cán bộ, chiến sĩ Đại đội 289 thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh.
Bà Phan Thị Bông (68 tuổi), thương binh hạng 3, ở thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp, vết thương thời chiến tái phát dẫn đến mù 2 mắt, đời sống khó khăn. Các cựu chiến binh Đại đội 289 thường xuyên đến động viên, tặng quà giúp bà Bông có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. “Trong kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ trong Đại đội 289 thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Ngày hòa bình, anh em thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hơn 10 năm qua, tôi bị bệnh, đồng đội vẫn luôn đến thăm, giúp đỡ, tôi rất xúc động", bà Bông xúc động nói.
 
Ban Liên lạc truyền thống Đại đội 289 đã thành lập Quỹ nghĩa tình đồng đội.  Từ nguồn đóng góp của anh em trong đại đội, ban liên lạc đã trao hàng trăm suất quà cho các đồng đội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi suất quà trị giá từ 300 - 500 nghìn đồng; hỗ trợ 10 triệu đồng xây dựng nhà ở cho một đồng đội bị bệnh hiểm nghèo; thường xuyên thăm hỏi, tặng quà gia đình là người thân của chiến sĩ trong đơn vị đã hy sinh…
 
                                                            TH.PHƯỢNG - K.CÚC
 
 
 
 

.