Nâng cao nhận thức cho người dân

09:04, 30/04/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Do nhu cầu cuộc sống nên nhiều người dân ở miền núi vẫn thường xuyên sử dụng phương tiện ghe, đò để di chuyển trên sông, suối, lòng hồ. Hoạt động này diễn tự phát; việc chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thủy của người dân và chủ ghe, đò chưa được thực nghiêm túc, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
 
[links()]
 
Nỗi lo từ những bến đò ngang 
 
Trong đợt mưa lớn diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, chúng tôi có dịp mục sở thị tại bến đò Chàm Rao, xã Sơn Nham (Sơn Hà). Ngày mưa, thượng nguồn sông Trà Khúc nước đục ngầu chảy xiết, nhưng các chủ đò ở bến đò này vẫn hoạt động chở người và phương tiện qua lại. Chỉ trong thời gian chừng 10 phút, đã có 5 lượt khách gồm cả phương tiện được chủ đò chở qua sông mà không ai mặc áo phao.
 
Nhìn mặt sông rộng vài chục mét, nước chảy xiết, chúng tôi rất lo lắng, bởi chỉ cần một chút sơ sẩy thì tai nạn có thể xảy ra. Đề cập tới việc mặc áo phao, một hành khách cho rằng, hằng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại bằng đò này nhưng có thấy ai mặc áo phao đâu, sang sông chỉ vài phút thôi mà!
 
Ngày mưa, nước sông ở thượng nguồn Trà Khúc dâng cao và chảy xiết nhưng các chủ đò vẫn hoạt động.
Ngày mưa, thượng nguồn sông Trà Khúc nước dâng cao nhưng các chủ đò vẫn hoạt động.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tại bến đò Chàm Rao có 2 phương tiện ghe máy hoạt động chở khách qua lại thường xuyên. Mỗi ngày có hàng trăm lượt hành khách là giáo viên, học sinh và người dân qua lại. “Tôi thấy đi đò qua sông khá tiện lợi, rút ngắn được thời gian di chuyển. Biết là nguy hiểm, nhất là những ngày mưa gió nhưng phải chấp nhận vì đi đường khác xa lắm”, ông Đinh Văn Lía, ở xã Sơn Nham cho biết. 
 
Theo thống kê của huyện Sơn Hà, hiện trên địa bàn huyện có 7 bến đò với 8 ghe máy hoạt động thường xuyên. Ngoài ra, tại Hồ chứa nước Nước Trong có hơn 90  ghe, đò hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của giáo viên, học sinh và người dân địa phương. 
 
Cả chủ đò và người dân đi trên đò đều rất chủ quan, không ai mặc áo phao.
Cả chủ đò và người dân đi trên đò đều không ai mặc áo phao.
Tại huyện Sơn Tây, kể từ khi lòng hồ thuỷ điện Đăkđrinh tích nước thì người dân ở khu vực lòng hồ sử dụng thuyền tôn chở hàng hoá và chở người khá phổ biến. Hiện tại, khu vực lòng hồ thuỷ điện Đăkđrinh ở địa phận huyện Sơn Tây có 16 chủ đò đang hoạt động tại 3 bến đò nằm ở thôn Đăk Lang (Sơn Dung), Ra Manh (Sơn Long) và xã Sơn Liên.
 
Tuy nhiên, cũng như các bến đò ở huyện Sơn Hà, những bến đò ở huyện Sơn Tây cũng hoạt động không phép. Đa phần các phương tiện ghe, đò đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông, thiếu dụng cụ cứu sinh; đồng thời, người điều khiển phương tiện chủ yếu là người dân địa phương không được tập huấn an toàn nên những con đò chở khách nơi này tiềm ẩn rất nhiều bất trắc.
 
Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Sơn Tây Đinh Văn Dương cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức các đợt ra quân kiểm tra, tuyên truyền cho người dân về việc an toàn đường thủy, các quy định về hoạt động thủy nội địa và đình chỉ hoạt động các phương tiện thủy nội địa không đảm bảo điều kiện an toàn. Song, do nhu cầu cuộc sống, đa số người dân có ghe, đò là người dân bản địa, ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy còn hạn chế, nên họ vẫn lén lút sử dụng phương tiện trên hoạt động trên lòng hồ để mưu sinh. Vì vậy, việc xử lý của chính quyền địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Cần có giải pháp đồng bộ
 
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh, có 10 tuyến thủy nội địa trên lòng hồ thủy điện Đăkđrinh nối liền giữa tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đã được công bố đưa vào khai thác. Ngoài ra, qua kiểm tra, ngành chức năng cũng đã phát hiện 18 điểm, bến thủy nội địa hoạt động tự phát nằm rải rác ở các địa phương phục vụ mục đích dân sinh, nhất là vào mùa mưa khi mực nước sông, hồ lên cao. Tại các bến này, mỗi ngày cũng có hàng trăm người qua lại để đi làm, lên rẫy lao động sản xuất hoặc chuyên chở hàng hóa…
 
Dù hoạt động đường thủy nội địa trên sông, lòng hồ còn tồn tại nhiều bất cập và sai phạm, tuy nhiên, theo ngành chức năng và chính quyền các địa phương việc lập biên bản xử lý, tạm giữ phương tiện thủy nội địa vi phạm còn gặp khó. Bởi, các phương tiện vận chuyển khách ngang sông đa phần là phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm (do sử dụng động cơ có công suất trên 5 sức ngựa), chủ phương tiện và người lái chủ yếu là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, sau khi lập biên bản đình chỉ hoạt động phương tiện thường cho chủ phương tiện cam kết tự chấp hành và giao cho chính quyền địa phương theo dõi, giám sát nhưng sau đó người dân vẫn còn lén lút hoạt động.
 
Từ khi hồ chứa nước Nước Trong tích nước, hoạt động giao thông đường thủy ở khu vực lòng hồ diễn ra khá sôi động.
Từ khi hồ chứa nước Nước Trong tích nước, hoạt động giao thông đường thủy ở khu vực lòng hồ diễn ra khá sôi động.
Theo Sở GTVT tỉnh, giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay mang tính tự phát, chủ yếu hoạt động vào mùa mưa, việc sử dụng phương tiện, khai thác vận tải phụ thuộc vào thói quen, tập quán; phương tiện hoạt động vận tải hành khách ngang sông đa phần là phương tiện cũ, có kích thước nhỏ, mẫu đò đóng theo kiểu dân gian của địa phương, có vỏ thường dùng là tôn, sắt, điara, gỗ; đa số phương tiện có công suất máy từ 5CV – 24CV, có trọng tải chở không quá 12 người không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật nên không đủ điều kiện để được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Vì vậy, công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy gặp nhiều khó khăn.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo đảm trậ tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, mới đây, qua kiểm tra, rà soát, Sở GTVT tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa theo hướng tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa. Có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi cho chủ phương tiện và các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa….
 
Các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Không thể phủ nhận vai trò của các bến đò đã giúp cho người dân đi lại thuận tiện, rút ngắn được khoảng cách di chuyển. Tuy nhiên, hoạt động của các bến đò hiện nay cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, cần được quan tâm. 
 
Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, ngoài việc các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm thì chính quyền địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của địa phương đối với loại hình giao thông này. Cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân về chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, góp phần thay đổi hành vi của người dân khi tham gia giao thông trên đường thủy.
H.P

.