Tết đã về...

16:30, 07/02/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tết đã về. Nhà nhà, người người rộn ràng đón Tết. Một cái Tết ấm áp, vui tươi, đủ đầy hiện diện khắp muôn nơi...  

Sắc xuân muôn nơi

Ở thôn Mỹ Khánh, xã Đức Thắng (Mộ Đức), năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân lại cùng nhau dựng cây nêu trong khuôn viên nghĩa từ của thôn. Theo các bậc cao niên của thôn, tục dựng cây nêu ngày Tết được người dân thôn Mỹ Khánh duy trì, gìn giữ suốt mấy trăm năm qua. Cây nêu ở đây là một cây tre dài chừng 5 - 6m, được róc cành, chỉ để lại ở ngọn một ít cành lá rồi cột lên đấy một lá cờ ngũ sắc. Theo quan niệm dân gian, việc dựng cây nêu tại nghĩa từ có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, cầu bình an cho dân làng.
Chụp ảnh Tết trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: HỮU THƯ
Chụp ảnh Tết trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: HỮU THƯ

Những ngày giáp Tết, người dân thôn Năng Tây, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) lại rộn ràng dọn dẹp, trang trí khuôn viên đình tế Năng Tây và miếu thờ xóm Trung Bình. Theo cụ ông Võ Thường (80 tuổi), người đảm nhiệm vị trí chủ bái trong những dịp cúng tế tại đình tế Năng Tây, vào dịp Tết, người dân Năng Tây luôn giữ thói quen đến đình tế để dâng hương. "Dù là ở miếu hay ở đình, thì ba ngày Tết, bảy ngày Xuân, các không gian linh thiêng này vẫn luôn là nơi được người dân Năng Tây chăm chút chu đáo bằng tất cả tấm lòng thành kính, trân trọng", cụ Thường nói.

Trái cây được trang trí bắt mắt, bày bán ở Hội chợ hoa xuân TP.Quảng Ngãi.    Ảnh: LÊ MINH THỂ
Trái cây được trang trí bắt mắt, bày bán ở Hội chợ hoa xuân TP.Quảng Ngãi. Ảnh: LÊ MINH THỂ

Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền vẫn được các gia đình lưu giữ, trao truyền. Rời quê nhà đi lập nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh đã 40 năm, nhưng chưa năm nào, ông Nguyễn Quý, ở xã Đức Hòa (Mộ Đức) lỗi hẹn với Tết quê nhà. Bởi với ông, Tết là dịp để cả gia đình trở về quê tảo mộ, chăm lo hương khói chu đáo cho ông bà, tổ tiên. "Dù vợ chồng tôi đã có nhà ở TP.Hồ Chí Minh. Con cái cũng đều trưởng thành và làm việc ở thành phố. Nhưng cứ đến Tết, cả nhà tôi lại về quê, bởi Tết là dịp để trở về. Những điều thật đặc biệt đó, chỉ có khi đón Tết nơi quê nhà, nên dù bận rộn, xa xôi, vé tàu xe đắt đỏ, nhà tôi vẫn chọn về quê đón Tết", ông Quý chia sẻ.

Ở tổ dân phố 8, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), dù sống ngay giữa lòng thành phố, không khó để đặt mua bánh chưng, bánh tét, nhưng nhiều gia đình nơi đây vẫn duy trì nấu bánh chưng, bánh tét dịp Tết. Với họ, đó là cách để con cái biết về không khí Tết cổ truyền và giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Bên bếp lửa bập bùng được dựng lên ở lô đất chưa xây dựng nhà ở, các gia đình vừa chờ bánh chín, vừa trò chuyện râm ran. Không khí Tết ở thành phố nhờ vậy trở nên ấm cúng và đậm nét truyền thống.

Nhớ về những cái Tết của ngày xưa, khi nhiều nhà trong làng vẫn thường làm chung một con heo, hoặc con bò để ăn Tết, suốt 3 năm qua, cứ đến ngày 27 - 29 tháng Chạp, anh Tống Văn Cường, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) lại đứng ra huy động mọi người làm heo chia nhau dùng trong ngày Tết, góp phần làm "sống dậy" ký ức Tết một thuở. "Ngày trước, phải chờ đến Tết, các nhà mới mổ chung một con heo, hoặc cả xóm cùng mổ chung một con bò, rồi chia nhau. Giờ đây, khái niệm đụng heo, đụng bò trở nên xa lạ đối với nhiều người trẻ. Khi tôi kêu gọi đóng góp để mua heo xẻ thịt, nhiều người hưởng ứng và thích thú lắm. Bởi họ muốn trở lại không khí vui tươi, quây quần, gắn kết cộng đồng của những ngày Tết xưa", anh Cường phấn khởi nói.

Áo dài xuống phố

Trên các con đường, ngõ phố, nhiều gia đình, nhóm bạn bè, người trẻ... cùng nhau xúng xính trong các bộ áo dài tươi tắn, chụp bộ ảnh Tết. Chợ hoa xuân ở TP.Quảng Ngãi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, chợ Quảng Ngãi, các quán cà phê có thiết kế không gian hoài niệm, các điểm trang trí tiểu cảnh đón Tết... là nơi được nhiều người đến chụp ảnh với rộn ràng không khí Tết. Chị Phạm Thị Thùy, ở phường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ, tôi cùng nhóm bạn đặt lịch ở một cửa tiệm để chụp hình áo dài Tết. Cả nhóm quyết định chọn một quán cà phê có không gian đậm chất hoài cổ, trang trí các chậu hoa cúc mâm xôi, lồng đèn… tại khu Ngọc Bảo Viên để chụp hình. Còn chị Trần Thị Quý Báu, ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) bày tỏ, những ngày cuối năm, công việc bận rộn, vậy nên tôi tranh thủ cùng bạn bè chụp bộ ảnh Tết vào cuối tuần. Khoác lên mình tà áo dài với thiết kế truyền thống gợi nhớ thập niên 80 - 90 khiến tôi rất thích thú. Mỗi người chọn cho mình màu sắc áo dài khác nhau để tạo nên bộ ảnh ấn tượng.

Du xuân tại công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi). 					                                                    ẢNH: MINH THU
Du xuân tại công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: MINH THU

Nhóm bạn của chị Nguyễn Thị Hồng Mi, ở phường Chánh Lộ cũng vừa thực hiện bộ ảnh áo dài nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024. “Nhân dịp năm mới, các chị em muốn có bộ ảnh đầy đủ các thành viên thường chơi thân với nhau. Mọi người rất vui khi có bộ ảnh ưng ý, đây cũng là kỷ niệm đẹp, thú vị của các thành viên”, chị Mi chia sẻ. Chị Hoàng Linh, chủ tiệm áo cưới Hoàng Linh (TP.Quảng Ngãi) cho biết, năm nay, áo dài là trang phục được nhiều người ưa chuộng để chụp hình Tết. Các em bé gái cũng được các mẹ đầu tư mua hoặc thuê áo dài để chụp hình.

Món quà ý nghĩa

Tranh thủ giờ nghỉ trong ngày làm việc cuối năm, chị Nguyễn Trà Giang, ở phường Chánh Lộ ghé vào một cửa hàng bán quần áo, chọn một vài bộ mới dành tặng ba mẹ. Chị Giang gọi Zalo, đầu dây bên kia giọng của mẹ chị vọng lại nói: “Đừng mua sắm gì cho ba mẹ nha con, bấy nhiêu đồ mặc là đủ rồi, để tiền đó mà mua đồ Tết cho con và các cháu”. “Ngày tôi còn nhỏ, mẹ cũng chỉ toàn sắm đồ Tết cho chị em tôi và ba, chứ không sắm cho mẹ quần áo mới.  Đến giờ, con cái có công việc ổn định, ba mẹ thương con làm việc vất vả, muốn tiết kiệm cho con. Nên lần nào mua đồ, tôi phải nói dối là mấy bộ quần áo này rẻ lắm, nói vậy mẹ mới chịu mặc”, chị Giang chia sẻ.

 Niềm vui của bà khi được con cháu quan tâm.  Ảnh:TRUNG ÂN
Niềm vui của bà khi được con cháu quan tâm. Ảnh:TRUNG ÂN

Mặc quần áo mới trong dịp Tết là truyền thống văn hoá của người Việt. chị Phạm Kim Vân, ở phường Trần Hưng Đạo cho biết, lúc nhỏ, tôi được mẹ dẫn ra tiệm may đo để may đồ. Đến bây giờ, thói quen ấy vẫn còn duy trì, nhưng ngược lại, tôi sẽ là người dẫn mẹ tôi đi lựa vải, may đồ mới mặc trong dịp Tết, đó cũng là một cách tôi hồi tưởng về ký ức đẹp thời ấu thơ. Người lớn tuổi, đôi khi không phải vì bản thân họ không biết đi mua đồ, không muốn mặc đẹp, mà điều họ muốn nhận đó là sự quan tâm của con cái, để biết rằng con cái vẫn luôn nhớ đến mình. “Tôi nhớ lúc mới ra trường xin được việc làm, Tết năm đó tôi dành tiền mua áo sơ mi cho ba, một chiếc đầm nhung đỏ để mẹ đi chúc Tết đầu năm mới. Ba mẹ nhìn nhau cười mỉm, không nói gì nhưng tôi biết ba mẹ vui. Có dịp là ba lấy chiếc áo sơ mi ấy ra mặc, rồi khoe với mọi người là được con gái tặng. Tôi biết ba mẹ vui không hẳn vì có đồ mới, mà vì tôi lớn khôn rồi, biết quan tâm và luôn nghĩ về ba mẹ. Hơn 7 năm nay, tôi vẫn duy trì thói quen dành tặng cho ba mẹ những món quà dịp năm mới”, chị Lê Kiều Ly, ở xã Bình Nguyên (Bình Sơn) chia sẻ.

Còn với bà Trần Thị Khói, ở xã Đức Hòa cho biết, mẹ tôi năm nay đã ngoài 90 tuổi. Tôi cùng con cháu luôn mua sắm quần áo mới cho mẹ, đặc biệt là vào dịp Tết. “Những bộ quần áo mới, không đơn giản chỉ là trang phục, mà biểu hiện tình yêu thương. Nhìn mẹ mặc quần áo mới trong hạnh phúc và đi khoe với bà con xóm giềng, chúng tôi cảm thấy mẹ chính là mùa xuân của chúng tôi”, bà Khói xúc động nói.

Cô và trò Trường Mầm non Happy Kids (TP.Quảng Ngãi) trải nghiệm gói bánh chưng.
 ẢNH: PV
Cô và trò Trường Mầm non Happy Kids (TP.Quảng Ngãi) trải nghiệm gói bánh chưng. ẢNH: PV

TRẢI NGHIỆM TẾT CỔ TRUYỀN
Nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm Tết xưa, như là cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong dịp Tết. Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã tổ chức chương trình “Sinh hoạt văn hóa dân gian và Tết cổ truyền dân tộc”. Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, chương trình được tổ chức với mong muốn tái hiện lại không khí Tết của người Ca Dong và tôn vinh các nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ca Dong nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong dịp tết Nguyên đán.
Chương trình giúp học sinh có nhiều trải nghiệm như, tự tay chế biến món ăn và trang trí theo cách truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, tái hiện sinh hoạt tín ngưỡng dân gian (cúng lúa mới); giao lưu liên hoan và sinh hoạt văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào vùng cao Sơn Tây... Già làng Đinh Văn Phú, ở thôn Đồng Bờ Cầu, xã Sơn Dung (Sơn Tây) chia sẻ, Tết của người Ca Dong chỉ ăn 1 ngày. Sau khi cúng lúa mới, ngày hôm sau sẽ đi lên rẫy... Còn ngày nay, người Ca Dong đã hội nhập, mọi người ăn Tết theo người Kinh. Nhiều người cúng tất niên. Mấy ngày Tết vẫn đi du xuân.
Trước Tết, các trường mầm non cũng tổ chức cho học sinh trải nghiệm Tết cổ truyền.
Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Mùa xuân của bé” tại Trường Mầm non Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) kéo dài trong 4 tuần. Trong đó, trọng tâm là tuần giáp Tết với hoạt động hội chợ Xuân. Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Mầm non Nguyễn Nghiêm Phạm Thị Thu Đông, năm nay, trường tổ chức nhiều gian hàng chợ xuân. Các gian hàng đa dạng, thể hiện bức tranh hội chợ Tết thật sống động. Tại Trường Mầm non Tịnh Hà (Sơn Tịnh), ngoài việc tổ chức hội chợ xuân cho trẻ trải nghiệm các gian hàng, nhà trường còn tổ chức cho trẻ gói bánh chưng với những thao tác đơn giản như cắt lá, múc gạo... giúp trẻ biết về nét đẹp văn hóa trong ngày Tết cổ truyền.

NHÓM PV - CTV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:30, 07/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.