Thành cổ Quảng Ngãi bên bờ sông Trà

10:05, 27/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thành cổ Quảng Ngãi nay chỉ còn trong sử sách và câu chuyện kể của các bậc cao niên. Đây là thành cổ có thời gian thiết lập và xây dựng cách đây hơn 200 năm. 
 
[links()]
 
Tòa thành tồn tại gần 140 năm 
 
Thành cổ Quảng Ngãi tọa lạc tại nội ô TP.Quảng Ngãi ngày nay, trước đây thuộc làng Chánh Lộ, năm 1876 là xã Chánh Mông, tổng Nghĩa Điền, huyện Chương Nghĩa, phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.  Thành được chuyển lên từ tòa thành thời Gia Long ở hai làng Tân Quan và Phước Lộc (ở xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa ngày nay) từ năm 1807. Đến năm 1815, thành được xây dựng xong.
 
Nội thành thành cổ Quảng Ngãi năm 1920.                   Ảnh: T.L
Nội thành thành cổ Quảng Ngãi năm 1920. Ảnh: T.L
Thành nằm bên bờ nam sông Trà Khúc, có hình thức Vauban, một dạng thành lũy phòng thủ rất phổ biến được xây dựng rộng khắp trên cả nước trong thời nhà Nguyễn. Tòa thành được xây dựng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ cho lỵ sở chính quyền cấp tỉnh Quảng Ngãi thời phong kiến. Đây là nơi tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh Quảng Ngãi thời phong kiến, là công trình xây dựng với mục đích quân sự đồ sộ nhất trong khu vực.
 
Theo sử sách, thành cổ Quảng Ngãi có chu vi lên đến hơn 2.000m, cùng với lũy cao, hào sâu và hệ thống các công trình xây dựng bên trong như hành cung, dinh thự, kỳ đài... Sau gần 140 năm sử dụng, thành cổ Quảng Ngãi đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến nay, thành cổ Quảng Ngãi chỉ còn trong những thư tịch cổ và câu chuyện kể của các bậc cao niên. Đây là nơi lưu dấu những trang sử bất khuất của các nghĩa quân phong trào Cần Vương kháng Pháp với những thủ lĩnh như Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân, Nguyễn Bá Loan...
 
Tìm lại dấu xưa 
 
Ngày nay, những gì còn sót lại của thành cổ Quảng Ngãi trên thực địa rất ít. Khuôn viên thành cổ khi xưa, nay là đô thị đang trên đà phát triển, dấu vết của thành cổ hầu như không còn nhận diện rõ.  
 
Ở nước ta, có những thành cổ được xây dựng thời nhà Nguyễn còn dấu vết đến ngày nay đã được công nhận là các di tích lịch sử cấp quốc gia như thành Sơn Tây (Hà Nội), thành cổ Lạng Sơn (Lạng Sơn), thành cổ Diên Khánh (Khánh Hòa)… Có những tòa thành đã trở thành những di tích cấp quốc gia đặc biệt như thành Quảng Trị (Quảng Trị), thành Điện Hải (TP.Đà Nẵng)... Có những tòa thành đã trở thành di sản thế giới như thành nhà Hồ (Thanh Hóa), kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế)... Phần lớn các tòa thành còn lại đã bị biến mất trên thực địa nhưng vẫn có thể xác định được vị trí nhờ các dấu vết còn tồn tại như hào thành, tường thành hoặc các di tích liên quan. Một số thành hầu như không xác định được vị trí như thành Hà Tiên (Kiên Giang), thành Cao Bằng (Cao Bằng), thành Bình Thuận (Bình Thuận)...
 
Thành cổ Quảng Ngãi nằm giữa 4 tuyến đường ở TP.Quảng Ngãi ngày nay là đường Nguyễn Nghiêm ở phía nam, đường Nguyễn Du ở phía đông, đường Nguyễn Bá Loan ở phía tây và đường Trương Quang Trọng. Thành cổ Quảng Ngãi nằm trong trường hợp đã biến mất hoàn toàn trên thực địa nhưng vẫn còn một số dấu vết như các địa danh cửa Đông, cửa Tây, cửa Bức. Tuyến đường Lê Trung Đình ngày nay chính là tuyến đường chính xuyên qua tòa thành lúc ban đầu và chia tòa thành ra làm hai dãy phía nam và phía bắc, đi qua hai cổng Đông và cổng Tây. Ngoài ra, còn có dấu vết các hào thành bao quanh, những con đường ngày nay được xây dựng chính tại các hào thành xưa.
 
Thiết nghĩ, cần có những nghiên cứu về vị trí, quy mô, kiến trúc thành cổ Quảng Ngãi, nhằm xác định rõ hơn về một tòa thành xưa trong lòng TP.Quảng Ngãi xinh đẹp ngày nay, nằm bên bờ sông Trà thơ mộng mà tiền nhân đã đặt cho mỹ từ là Cẩm Thành - Thành gấm. Thông qua việc nghiên cứu, sưu tầm những thông tin, hình ảnh về thành cổ sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu quý giá về tỉnh Quảng Ngãi xưa và nay.
 
NGUYÊN PHONG
 
 
 

.