Niềm vui trên những khu tái định cư

21:59, 31/03/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Gác lại nỗi lo sạt lở, lũ quét, những hộ dân “an cư” ở các khu tái định cư của huyện Sơn Tây đã bắt nhịp với cuộc sống mới trong những ngôi nhà khang trang, vững chãi.

Sáng sớm, vùng cao xã Sơn Long sương mờ giăng kín. Nhìn xa xa, Khu tái định cư (TĐC) tập trung xã Sơn Long như dải khăn vắt lưng chừng núi. Hơn 30 mái nhà ẩn hiện trong sương sớm giữa núi rừng trùng điệp. 

Từ đường Trường Sơn Đông chúng tôi di chuyển theo con đường bê tông dẫn vào Khu TĐC tập trung xã Sơn Long. Nơi đây là “làng mới” của những hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay đã làm ấm lại nụ cười nơi “miền đất lở”.

Các hộ dân vùng sạt lở đã an cư ở Khu tái định cư tập trung xã Sơn Long.
Các hộ dân vùng sạt lở đã an cư ở Khu tái định cư tập trung xã Sơn Long.

Khuôn mặt rạng ngời, ông Đinh Văn Hà không giấu được niềm vui khi có nơi ở ổn định tại khu TĐC. “Bao nhiêu năm sống tại làng cũ, luôn nơm nớp lo sợ sạt lở, nhất là mùa mưa bão. Giờ đây, được về khu TĐC mới sạch đẹp, đường đi lại thuận tiện, điện nước cũng được kéo về tận nhà, mình vui lắm. Giờ mình chỉ lo làm ăn, phát triển kinh tế", ông Hà chia sẻ. 

Trong niềm vui khi được ở an toàn, ông Hà cũng không quên nhắc lại chuyện cũ. Ông Hà kể, cuối tháng 10/2022, mưa lớn đã gây sạt lở nặng tại khu vực đường Trường Sơn Đông, đoạn qua Khu dân cư Huy Duỗi, thôn Ra Pân, xã Sơn Long nơi bà con chúng tôi sinh sống. Lượng lớn đất đá đổ xuống làng khiến người dân phải tháo chạy lánh nạn.

An cư ở nơi ở mới an toàn, người dân vùng sạt lở an tâm xây dựng cuộc sống mới.
An cư ở nơi ở mới an toàn, người dân vùng sạt lở an tâm xây dựng cuộc sống mới.

Vụ sạt lở đã làm bị thương 1 người, 2 nhà bị sập, hư hỏng nặng và 54 nhà nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp. Sau sạt lở, cuộc sống bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn. 

Để đảm bảo cuộc sống người dân, huyện Sơn Tây đã rà soát, đề xuất tỉnh cho phép triển khai xây dựng khu TĐC. Giờ đây, cách nơi sạt lở trước đây khoảng 2km, Khu TĐC tập trung xã Sơn Long đã hoàn thiện trên diện tích 2,6ha với 56 lô TĐC. Cơ sở hạ tầng điện, nước,… được đầu tư đáp ứng yêu cầu cần thiết cho bà con vùng cao. 

Đến nay, đa số người dân vùng sạt lở đã chuyển về khu TĐC làm nhà, sinh sống, gầy dựng cuộc sống mới. Trên các triền đồi quanh “làng mới” người dân không chỉ trồng cây keo, mà nhiều hộ đã mạnh dạn trồng các loại cây trồng mới và đầu tư chăn nuôi bò, dê, heo,… để cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Nước sạch được đưa đến tận nhà để người dân vùng tái định cư sử dụng.
Nước sạch được đưa đến tận nhà để người dân vùng tái định cư sử dụng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt chia sẻ, hiện nay đã có 34 hộ dân chuyển về khu TĐC để sinh sống, các hộ dân còn lại do đã tìm được nơi ở mới ổn định nên chưa về khu TĐC. Về đây, mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất và được nhà nước hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế thông qua các chương trình giảm nghèo nên người dân ai cũng phấn khởi. Từ khi an cư, cuộc sống của người dân ở khu TĐC đã dần được nâng lên.

Người dân yên tâm xây dựng nhà ở khu tái định cư.
Người dân yên tâm xây dựng nhà ở khu tái định cư.

Tại xã Sơn Bua, 36 hộ dân ở làng Mang Rin, thôn Mang He hiện cũng đã dần ổn định cuộc sống sau khi dời nhà từ vùng sạt lở, lũ quét về Khu TĐC tập trung xã Sơn Bua. Khu TĐC có tổng diện tích gần 5 ha quy mô 60 nền TĐC, với hệ thống đường giao thông, điện, nước sinh hoạt đầy đủ. Nơi ở mới, nhà mới, cơ sở hạ tầng đồng bộ đã giúp người dân nơi đây ổn định đời sống, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên.

Dẫn chúng tôi đi vòng quanh khu TĐC trên con đường bê tông rộng rãi, 2 bên là những dãy nhà sàn với mái ngói đỏ tươi, ông Đinh Văn Quê hào hứng cho biết, từ ngày về ở trong khu TĐC mới, được nhà nước cấp đất ở, trao phương tiện sinh kế, cuộc sống của gia đình ông ổn định hơn. 

Cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Cơ sở hạ tầng đồng bộ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Giờ đây, những nụ cười đã trở lại trên nét mặt người làng Mang Rin. Không ai muốn nhắc chuyện cũ về những trận sạt lở đất, lũ quét trước đây. Về mặt bằng mới, qua vài trận mưa núi, bà con đã thấy an tâm hơn rất nhiều. “So với nơi ở cũ thì về nơi đây có điều kiện tốt hơn rất nhiều. Mặt bằng ổn định, an toàn. Giờ trời mưa có thể yên giấc, không còn lo sạt lở, lũ quét như trước nữa”, bà Đinh Thị Sáu nói. 

Ngoài cấp đất ở, người dân trong khu tái định cư còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế.
Ngoài cấp đất ở, người dân trong khu tái định cư còn được hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, xác định tiêu chí các khu TĐC phải đáp ứng yêu cầu thực tế của người dân và phải có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn nơi ở cũ, nên chính quyền địa phương tập trung đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu để người dân có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, cùng với nguồn hỗ trợ từ các chính sách, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số,… địa phương cũng quan tâm kêu gọi, bố trí các nguồn hỗ trợ khác để người dân có thêm nguồn sinh kế, động lực vươn lên thoát nghèo.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, ngoài 2 Khu TĐC ở Sơn Long và Sơn Bua đã hoàn thành, hiện nay, huyện Sơn Tây đang hoàn thiện các thủ tục xây dựng khu TĐC tại xã Sơn Màu để đưa các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở núi ở xã Sơn Màu vào sinh sống. 

Sau tất cả nỗi lo lắng, “nắng ấm” đã trở lại với người dân vùng sạt lở ở vùng cao Sơn Tây. Dẫu biết rằng phía trước còn đó nhiều sự lo toan và bộn bề của cuộc sống, nhưng chúng tôi đã thấy sự bình yên ở những ngôi nhà mới. Trong ánh mắt của người Ca Dong ở 2 Khu TĐC tập trung Sơn Long, Sơn Bua đang ánh lên niềm tin và hy vọng về một cuộc sống ấm no. 

Bài, ảnh: LINH ĐAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 21:59, 31/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.