Đôi xiểng trong lễ cưới ngày xưa

21:46, 07/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong ký ức của những người lớn tuổi vẫn luôn lưu giữ hình ảnh gánh xiểng trong lễ cười ngày xưa. đó là hoài niệm đẹp về một thời đã qua, ghi dấu khoảnh khắc trọng đại của đời người.  

 

Đôi xiểng và lễ vật ngày cưới 

Xiểng, có nơi gọi là cặp nừng, gồm hai chiếc được đan bằng tre, cao chừng 1m, dáng thon gọn, đẹp hơn đôi bầu bán cốm. Xiểng chia làm hai tầng, có chân đế và nắp đậy, trang trí hoa văn rất đẹp. 

Thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản nhưng xiểng lại là sản phẩm từ bàn tay khéo léo của những thợ đan chuyên nghiệp. Không phải ai cũng sở hữu được đôi xiểng. Thường thì những gia đình khá giả mới có đôi xiểng. Giá trị không lớn nhưng nó là thước đo “đẳng cấp” giàu hay nghèo ở vùng nông thôn trước đây. Những gia đình nghèo ở quê, mỗi khi cưới vợ cho con, phải đi mượn xiểng ở những gia đình khá giả. Sau lễ cưới, tùy điều kiện của mỗi gia đình mà quà cảm ơn người cho mượn đôi xiểng sẽ khác, có khi là chục trứng gà hoặc trứng vịt, vài chục bánh tráng, cân thịt, ký nếp... 

Bên trong xiểng đựng nhiều lễ vật, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, hoặc lời cam kết giữa hai gia đình hôm hẹn ngày cưới. Sính lễ gồm có trầu, cau, rượu, trà và một loại bánh phổ biến ở địa phương đó. Người xưa có câu: “Tiếng đồn chị Bốn có duyên/ Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi”. Đồ sính lễ trong câu ca dao này còn có cả món cá mòi. Có lẽ chủ nhân của thiên cá mòi này ở vùng biển và hành nghề chài lưới cũng nên. Gia đình nào khá giả thì có đôi bông tai bằng vàng, một chiếc nhẫn cưới và một ít tiền. 

Chọn người gánh xiểng

Chuyện ai là người gánh xiểng, mỗi nơi một khác. Chẳng hạn ở vùng Phù Mỹ (Bình Định), chú rể kiêm luôn việc gánh xiểng. Còn ở Quảng Ngãi, chú rể chỉ đi tay không, còn gánh xiểng thì có một anh chuyên trách việc này.

Đám cưới ở quê ngày xưa đa phần là đi bộ. Nếu sui gia cùng trong làng thì việc đi bộ không khó khăn gì, nhưng ở xa thì hơi vất vả, họ nhà trai có khi xuất phát từ lúc gà gáy. Vì đi xa, lại phải gánh những thứ lỉnh kỉnh của lễ vật nên người gánh xiểng phải là một anh khỏe mạnh và mẫn cán. Anh này bao giờ cũng dẫn đầu như một “hoa tiêu” của họ nhà trai. Quần áo dành cho anh gánh xiểng cũng khá đơn giản, không chải chuốt như chú rể nhưng cũng không quá lùi xùi. Chứng kiến đám cưới của các anh chị trong làng vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, lũ trẻ con chúng tôi luôn háo hức, phần để xem mặt cô dâu, phần để xem anh gánh xiểng.

Anh gánh xiểng gánh lễ vật đến nhà gái và thực hiện các phần việc  theo hướng dẫn của chủ hôn. Đôi xiểng được hạ xuống giữa nhà rồi mở ra, bên họ nhà gái kiểm tra các lễ vật... Ngày nay, dù không còn đôi xiểng trong lễ đón dâu nhưng trong ký ức của lớp người già, hình ảnh đôi xiểng vẫn là một kỷ niệm khó phai.

TRẦN ĐĂNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:46, 07/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.