Tự tôn lành mạnh

18:51, 05/10/2023
.

Trong từ điển Hán - Việt của Đào Duy Anh (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, xuất bản năm 2001) - “tự tôn” có nghĩa như chữ “tự phụ” và “tự trọng”. Theo Từ điển này, “tự phụ” có nghĩa là "cậy mình làm lấy được mà có ý khinh người”; còn “tự trọng” có nghĩa là “tự tôn trọng nhân cách của mình”.

“Tự tôn” là một từ Hán - Việt, nên cách giải nghĩa theo từ điển Hán Việt là chính xác, đầy đủ, có độ tin cậy cao hơn hẳn các cách giải nghĩa khác khi giải nghĩa về khái niệm "tự tôn". Như vậy, “tự tôn” hàm chứa hai nghĩa tích cực là “tự trọng” và tiêu cực là “tự phụ”. Nếu cho rằng “tự tôn” chỉ có một nghĩa tích cực (tự trọng) là phiến diện, chưa hiểu đầy đủ ý nghĩa của từ này. Hoặc cho rằng “tự tôn” mang nghĩa tiêu cực đồng nghĩa với “tự phụ” là cũng không chuẩn xác. Đó là về ngữ nghĩa.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Shutterstock). 
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Shutterstock). 

Về tâm lý học, tự tôn (self-esteem) được mô tả tổng quan như sự ý thức về giá trị bản thân hoặc giá trị cá nhân. Nói cách khác, đó là mức độ một người tự đánh giá và yêu thương chính bản thân mình. Nó liên quan đến niềm tin của một người về bản thân ở nhiều khía cạnh như ngoại hình, niềm tin, cảm xúc và hành vi của chính họ.

Chúng ta đều biết rằng, lòng tự tôn là một phần quan trọng của sự thành công. Lòng tự tôn quá thấp có thể khiến chúng ta bị thất bại hoặc rơi vào trạng thái chán nản, bi quan. Nó cũng có thể khiến chúng ta đưa ra những lựa chọn tồi tệ, sai lầm hoặc không thể phát huy hết tiềm năng của mình.

Mặt khác, lòng tự tôn quá cao, nghĩa chúng ta có ý thức quá mạnh về tầm quan trọng của bản thân có thể sẽ phá hủy các mối quan hệ. Đó có thể là dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ– một loại rối loạn sức khỏe tâm thần bởi nhu cầu được ngưỡng mộ quá mức hoặc thiếu đi sự đồng cảm đối với người khác (ở góc độ này, “tự tôn” đồng nghĩa với “tự phụ”).

Các mức độ tự tôn quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây hại. Do đó, lí tưởng nhất là nằm ở mức cân bằng. Lí tưởng là khi bạn có một cái nhìn thực tế và tích cực về bản thân.

Lòng tự tôn (self-esteem) đóng một vai trò quan trọng trong động lực và thành công trong suốt cuộc đời mỗi người. Lòng tự tôn thấp sẽ khiến bạn không đạt được thành công trong học tập cũng như công việc, bởi vì bạn không tin tưởng chính mình làm được điều đó. Lòng tự tôn cao khiến bạn không xem ai ra gì, coi thường, khinh rẻ người khác, ví như dưới con mắt của mình không có ai khác (mục hạ vô nhân).

Chính vì vậy, điều cần vun đắp xây dựng là lòng tự tôn lành mạnh (healthy self-esteem) để đạt được thành công. Tự tôn lành mạnh giúp chúng ta biết điều chỉnh cuộc sống bằng thái độ tích cực và tự tin vào chính mình để phấn đấu đạt được mục tiêu (ở góc độ này, “tự tôn” đồng nghĩa với “tự trọng”).

Một khi nói “giảm tự tôn” là phải hiểu giảm sự tự phụ, ngạo mạn, kiêu căng, tức là chuyển từ “tự tôn cao” thành “tự tôn lành mạnh” (healthy self-esteem). Bởi chỉ khi có lòng “tự tôn lành mạnh” thì lúc đó con người ta mới “không tự ti”, “luôn tự tin và biết tự hào”. Còn nếu cho rằng “giảm tự tôn” là biến thành “tự tôn thấp” (low self-esteem) thì làm sao có thể “không tự ti”, “luôn tự tin và biết tự hào” được. “Tự tôn thấp” là nguyên nhân của tự ti, chán chường và thất bại.

Theo Nguyễn Khánh Hiền/dangcongsan.vn

Xuất bản lúc: 18:51, 05/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.