Mưu sinh mùa nắng nóng

14:18, 19/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mùa hè năm nay, liên tục xuất hiện những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, khiến việc mưu sinh của người lao động thêm nhọc nhằn.

Nhọc nhằn nghề nông

Hơn một thập kỷ trồng dưa trên những bãi bồi sông Trà, chưa năm nào ông Dương Đức (58 tuổi), quê ở xã Bình Chương (Bình Sơn), lại chứng kiến cảnh nắng nóng bỏng rát như năm nay. Nhưng “nắng cho dưa, mưa cho lúa”, cây dưa chịu nắng, trời càng nắng to dưa càng dễ phát triển và cho quả ngọt. Vì thế, dù nắng như đổ lửa, mỗi ngày ông Đức cùng hơn 10 nhân công vẫn dầm mình dưới ánh mặt trời từ sáng đến chiều để chăm sóc dưa. “Chúng tôi phải làm đất cho kịp để dưa phát triển. Một ngày có 24 tiếng đồng hồ, thì chúng tôi làm việc ngoài đồng hết 20 tiếng”, ông Đức nói rồi kéo chiếc áo đã bạc màu lau những  giọt mồ hôi đang chảy quanh mặt.

Nắng nóng kéo dài nên ông Đỗ Sang, ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), phải thường xuyên tưới nước cho ruộng hành.            Ảnh: Xuân Hiếu
Nắng nóng kéo dài nên ông Đỗ Sang, ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi), phải thường xuyên tưới nước cho ruộng hành.            Ảnh: Xuân Hiếu

Một năm thì có đến 6 tháng, ông Đức cùng vợ và một vài anh em trong làng rời quê đến trú tạm trong chiếc lều dựng bên ruộng dưa. Mùa hè này, những con gió khá hiếm hoi, chiếc lều tạm trống đến ba mặt nhưng vẫn hầm hập nóng. Mặt trời chói chang rọi xuống vùng bãi bồi bạt ngàn. Trời đứng gió, mồ hôi ai cũng nhỏ tí tách. “Mồ hôi mặn giúp dưa ngọt ngào hơn”, ông Đức nói, rồi lại cần mẫn vung cuốc xới từng luống dưa, mặc cho trời nắng gắt.

Thời tiết mùa hè khắc nghiệt là vậy, nhưng khắp bãi bồi sông Trà Khúc có đến hơn trăm hộ dân vẫn đang ngày ngày miệt mài “dãi nắng” để chăm bẵm từng luống dưa, lòng được “tưới mát” bởi màu xanh đang nhú lên xanh mướt.    

Còn tại các vùng rau Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi) giữa thời tiết nắng nóng oi bức, nông dân vẫn phải nỗ lực tìm mọi cách chống nóng cho cây trồng nhằm giảm tối đa thiệt hại. Tất bật làm đất chuẩn bị trồng lứa hành mới, ông Đỗ Sang (80 tuổi), ở thôn An Đạo, xã Tịnh Long cho hay, không chỉ có gia đình tôi, mà hàng trăm người đều phải trở dậy đi làm từ sớm để tránh cái nắng gắt. “Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm canh tác rau màu, nhưng chưa khi nào chúng tôi bớt lo lắng mỗi khi thời tiết nắng nóng, oi bức. Nắng nóng thế này, mình còn héo chứ nói chi rau, mà giá rau mấy tháng nay cũng thấp nữa...”, ông Sang bày tỏ.  

Người lao động vất vả làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: Ý Thu
Người lao động vất vả làm việc dưới thời tiết nắng nóng. Ảnh: Ý Thu

Làm việc cả ngày dưới nắng, nhưng biện pháp chống nắng của nông dân ở các vùng rau cũng rất đơn giản. Trên cánh đồng, chỗ nào cũng lấp ló những tán dù được chằng buộc vào cành cây cắm xuống đất. Có chỗ, “dù” chỉ là chiếc cọc tự chế được che bằng mảnh bao dứa, vừa đủ phủ bóng mát cho một người. “Nông dân như chúng tôi cũng chẳng có biện pháp chống nắng nào khác ngoài uống thật nhiều nước và trang bị mũ nón, quần áo dài trước khi ra đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), chia sẻ.

“Đội” nắng mưu sinh

Trưa hè tháng 6, xe cộ vơi dần, đường phố cũng buồn hơn vì vắng người qua lại. Ấy vậy mà trên khắp các nẻo đường, vẫn dễ dàng bắt gặp những con người đang “đội” nắng làm việc. Vì mưu sinh hay vì công trình xây dựng phải kịp tiến độ, nhiều người chẳng ngại khổ, luôn gắn bó với công việc và chỉ nghỉ ngơi khi ánh chiều dần buông.

Giữa cái nắng gay gắt, bà Bùi Thị Che (63 tuổi), ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) vẫn cho xe chạy vòng quanh các xóm nhỏ ở xã biển Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bán từng ly rau câu thơm ngọt. Hơn 40 mùa nắng nóng, từ đôi quang gánh, rồi chiếc xe đạp, nay bà được “lên đời” với chiếc xe cup 50. Rong ruổi khắp các nẻo đường, bà Che bảo, trưa nắng càng phải đi, vì khách hầu hết là người lao động, giờ này nhiều người mới nghỉ tay, ăn ly rau câu giải nhiệt. “Rau câu tôi gửi bà con mua giúp từ Lý Sơn. Nấu từ tối hôm trước, để sáng sau kịp chở đi bán. Hôm bán chạy thì tầm qua trưa là hết, ế thì phải đến cuối giờ chiều. Không hiểu sao năm nay nắng nóng hơn mọi năm, nhưng tôi bán không được như những năm trước nữa...”, bà Che nói.

Khách hàng của bà Bùi Thị Che, ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), chủ yếu là lao động tự do.                              Ảnh: Xuân Hiếu
Khách hàng của bà Bùi Thị Che, ở xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), chủ yếu là lao động tự do.                              Ảnh: Xuân Hiếu

Dù tiền lời từ xe rau câu không bao nhiêu, nhưng bà Che vẫn cố gắng đi bán, kiếm thêm ít tiền để dành lúc ốm đau, còn mấy sào ruộng ở nhà cũng chỉ đủ ăn qua bữa... Trò chuyện được ít câu, bà Che lại tiếp tục lên xe cùng tiếng rao “ai rau câu không” vang vọng giữa không gian vắng lặng, oi nồng của trưa hè.

Trốn nắng dưới mái hiên của ngôi nhà ven đường, ông Phạm Văn Thiện, ở xã Nghĩa Thọ (Tư Nghĩa), liên tục lau mồ hôi. Ông Thiện làm nghề chạy xe ôm, vì ở quê nhà ít khách, nên ông xuống khu vực trung tâm của TP.Quảng Ngãi để hành nghề, tính đến nay cũng được hơn chục năm. Ông Thiện cho biết, thời tiết nắng nóng, nhưng tôi cũng chẳng dám nghỉ, vì những khách quen khi không thấy mình sẽ đi xe khác, mất mối. Trời nắng quá, khách đi xe ôm cũng ít. Buổi trưa, tôi thường núp dưới những bóng cây, mái hiên của nhà nào đóng cửa... cho đỡ nóng, có khách gọi lại đi tiếp.

Dù nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhiều lúc cảm nhận rõ sự mệt mỏi, nhưng anh Nguyễn Hồng Phong, công nhân công trình đê ngăn cát, chắn sóng phía nam cửa biển Cửa Đại, ở xã Nghĩa An, vẫn kiên trì làm việc. Hai tháng nay, anh Phong không nghỉ ngày nào. “Tôi bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng, phơi nắng nhiều giờ liền có lúc cũng mệt, nhưng vì trách nhiệm công việc nên vẫn phải cố gắng”, anh Phong tâm sự.

Làm việc trong thời tiết nắng nóng, nhưng anh công nhân tại công trường xây dựng vẫn nở nụ cười .    Ảnh: XUÂN HIẾU
Làm việc trong thời tiết nắng nóng, nhưng anh công nhân tại công trường xây dựng vẫn nở nụ cười .    Ảnh: XUÂN HIẾU

Trên khắp các nẻo đường, hàng nghìn người lao động vẫn đang đội nắng để làm việc. Mỗi người một câu chuyện mưu sinh cho riêng mình, nhưng tất cả đều gặp nhau ở điểm là “sống chung với nắng nóng”. Dù thời tiết có khắc nghiệt, nhưng họ vẫn kiên trì và quyết tâm vươn lên bằng sức lao động của mình. Họ không mong gì hơn là nắng nóng sẽ nhanh qua để công việc mưu sinh bớt đi phần vất vả.

XUÂN HIẾU - THÙY DUYÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.