Nâng tầm sản phẩm OCOP

10:41, 09/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Sơn Tịnh đã chú trọng phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra các sản phẩm hàng hóa có thương hiệu. Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị.

Khẳng định giá trị sản phẩm

Cuối năm 2023, sản phẩm gạo lứt OLY và thanh rong biển OLY của chị Nguyễn Thị Mai Ly, ở thôn An Bình, xã Tịnh Đông được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Chị Ly chia sẻ, qua tìm hiểu, tôi nhận thấy gạo lứt, rong biển, các loại hạt... đều chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Vì vậy, tôi quyết định chọn những nguyên liệu này để nghiên cứu, phát triển thành sản phẩm OCOP cho địa phương. Trước khi bán ra thị trường, tôi tặng cho bạn bè, người thân và nhận được nhiều ý kiến đóng góp tích cực. Vừa làm vừa hoàn thiện, chất lượng sản phẩm được nâng lên nên được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Các sản phẩm từ gạo lứt của chị Nguyễn Thị Mai Ly, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Các sản phẩm từ gạo lứt của chị Nguyễn Thị Mai Ly, giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.

Hộ kinh doanh của chị Ly được các phòng ban, đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, kiến thức về phát triển thị trường, tham gia các lớp tập huấn giúp định hướng phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nhờ đó, chị Ly tập trung xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm, chị làm hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP. 

Với nguyên liệu chủ lực là gạo lứt, đến nay, hộ kinh doanh sản xuất thương mại OLY đã sản xuất ra các sản phẩm: Gạo lứt đen, gạo lứt đỏ, thanh rong biển thuần chay, thanh gạo lứt chà bông, thanh gạo lứt trái cây, cơm gạo lứt rong biển, trà gạo lứt thảo mộc... Để tiết kiệm thời gian và giữ ổn định chất lượng gạo lứt, chị Ly đã liên kết với 10 hộ dân tại địa phương trồng 2ha gạo lứt, đầu tư các máy móc, trang thiết bị như: Máy trộn, máy cắt, máy nướng, máy sấy, máy ép bánh... Cùng với đó, chị Ly được địa phương hỗ trợ máy đóng gói giúp tăng năng suất, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn anh Trương Quang Ninh, ở thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong đã nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo, trong đó sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khô SONITA và rượu đông trùng hạ thảo SONITA của Công ty TNHH Nấm dược liệu Ninh Trương, do anh Ninh làm giám đốc, được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo SONITA  được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo SONITA được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Anh Ninh chia sẻ, đông trùng hạ thảo là loại dược liệu khó trồng, yêu cầu kỹ thuật khắt khe và vốn đầu tư lớn. Các phòng nuôi cấy giống, phòng nuôi trồng luôn phải bảo đảm các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí và thực hiện nghiêm quy trình khử khuẩn, vô trùng.

Luôn đặt chất lượng và uy tín lên hàng đầu, Công ty TNHH Nấm dược liệu Ninh Trương đã đầu tư máy móc, lắp đặt phòng làm giống, nuôi cấy và khu đóng gói. Trong phòng nuôi, luôn duy trì độ ẩm từ 70 - 85% bằng hệ thống phun sương; nhiệt độ từ 18 - 20 độ C và bảo đảm phòng nuôi ở trạng thái vô trùng để nấm không nhiễm bệnh. Anh Ninh còn đầu tư hệ thống máy sấy thăng hoa giúp giữ lại tối đa hàm lượng dưỡng chất, nguyên sợi, màu sắc và hương thơm đặc trưng.

“Bên cạnh chất lượng sản phẩm, công ty chú trọng đầu tư thiết kế bao bì, đóng gói bắt mắt, để mỗi sản phẩm không những đáp ứng nhu cầu sử dụng, mà còn trở thành món quà tặng, mang lại trải nghiệm mới cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, doanh số sản phẩm của công ty bán ra thị trường tăng lên rõ rệt”, anh Ninh cho biết.

Nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, công ty đã đầu tư cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm; tham gia gian hàng tại các hội nghị, hội chợ; thiết kế các hộp quà để khách hàng có thể lựa chọn làm quà tặng cho người thân và gia đình trong các dịp lễ, Tết với giá cả bình dân, hợp lý.

Quan tâm tạo điều kiện về chính sách

Với sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và hội, đoàn thể các cấp ở huyện Sơn Tịnh, chương trình mỗi xã một sản phẩm bước đầu đã đạt kết quả, hình thành được các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: Dầu lạc Tịnh Thọ, chả lụa, nấm đông trùng hạ thảo, gạo lứt OLY, gà đồi Tịnh Phong, bộ sản phẩm rèn truyền thống Tịnh Minh... Trong đó, huyện Sơn Tịnh đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, bao bì sản phẩm.

Trong năm 2023, huyện đã đầu tư hơn 460 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để phát triển sản phẩm OCOP, giúp các cơ sở, doanh nghiệp thay đổi máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm... Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm OCOP tại các hội nghị, điểm du lịch cộng đồng, hội chợ trong và ngoài huyện, xây dựng, quản lý, hỗ trợ các chủ thể tiếp cận, kết nối với các kênh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Sơn Tịnh trao giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm 
đạt OCOP năm 2023.  	     						                             Ảnh: KIM CÚC
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Sơn Tịnh trao giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP năm 2023. Ảnh: KIM CÚC
Mục tiêu của huyện Sơn Tịnh trong năm 2024 là nâng hạng sao từ 3 lên 4 sao với sản phẩm OCOP của huyện đã được công nhận OCOP 3 sao (dự kiến sản phẩm đông trùng hạ thảo khô SONITA, rượu đông trùng hạ thảo SONITA). Đối với sản phẩm mới, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024 có thêm 10 - 15 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên (mỗi xã có ít nhất 1 sản phẩm).

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Phạm Hồng Sơn cho biết, đến nay, huyện Sơn Tịnh có 15 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao. Trong quá trình tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể luôn sáng tạo, đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học, công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng. Đồng thời, quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Về phía huyện, bên cạnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt sao OCOP. Từ đó, nắm bắt thông tin, tình hình hoạt động nhằm tránh trường hợp khi đánh giá, chấm điểm thì đạt còn sau đó thì không. Và trên cơ sở đó sẽ có những giải pháp phát triển sản phẩm và hỗ trợ chủ thể phù hợp.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, huyện xác định việc thực hiện Chương trình OCOP là quá trình liên tục, lâu dài, thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương. Kết quả thực hiện phải thực chất, không nóng vội, chủ quan, chạy theo thành tích. Vì vậy, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, chỉ đạo các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện và các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, đảm bảo các tiêu chí, quy trình để đánh giá sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Chương trình OCOP; chia sẻ những mô hình, cách làm hay của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thành công Chương trình OCOP.

Hy vọng với những giải pháp thiết thực, chương trình OCOP trên địa bàn huyện sẽ là tiền đề để huyện Sơn Tịnh phát huy nội lực, thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Từ đó, các sản phẩm OCOP của huyện sẽ ngày càng vươn xa, đưa kinh tế địa phương có thêm bước tiến vững chắc, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:41, 09/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.