Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ

18:22, 14/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua hơn 2 năm thực hiện Đề án về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ (DQTV); tổ chức trực 12/24 giờ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án), hoạt động của lực lượng DQTV trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự 
địa phương.       

Trên cơ sở Luật Dân quân tự vệ 2019 và các quy định liên quan, cuối năm 2020, UBND tỉnh xây dựng Đề án. Sau đó, Đề án đã được HĐND tỉnh thông qua, chia thành 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 từ 2021 - 2023.

Lực lượng dân quân tự vệ đã được quan tâm

Ban CHQS xã Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) là một trong 126 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được tổ chức lực lượng dân quân trực 12/24 giờ mỗi ngày tại trụ sở UBND xã. Trước năm 2021, Ban CHQS xã cũng tổ chức lực lượng trực tại trụ sở UBND xã từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau theo quy định. Tuy nhiên, lực lượng tham gia trực tại trụ sở gặp nhiều khó khăn, do chế độ ngày công không được chi trả thường xuyên, đầy đủ.

Lực lượng dân quân các xã Tịnh Hòa, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên sông.    
Lực lượng dân quân các xã Tịnh Hòa, Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên sông.    

Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nghĩa Hà Lê Trung Kiên cho biết, trước khi thực hiện Đề án, chế độ cho mỗi người tham gia trực do địa phương tự cân đối chi trả. Theo quy định của Luật DQTV, thì mỗi ngày trực sẽ được chi trả 119,2 nghìn đồng/người/ngày. Nguồn kinh phí này do UBND TP.Quảng Ngãi đảm bảo một nửa, UBND xã một nửa. Tuy nhiên, vì xã gặp khó khăn, nên phần kinh phí do xã đảm bảo không được thường xuyên, nên ảnh hưởng đến đời sống của DQTV. Hơn nữa, công tác chỉ huy cũng gặp khó khăn khi huy động DQTV tham gia trực đảm bảo thời gian theo quy định, nhất là những dịp lễ, Tết, thiên tai. Từ năm 2021 đến nay, nguồn kinh phí này đã được ngân sách đảm bảo chi trả đầy đủ. Mặc dù mức chi trả vẫn còn thấp hơn so với ngày công lao động phổ thông, nhưng dân quân cũng rất phấn khởi và yên tâm làm nhiệm vụ.

Theo Trung tá Trần Văn Dương - Trưởng ban Dân quân, Phòng Tham mưu (Bộ CHQS tỉnh), qua giai đoạn 1 thực hiện Đề án, nguồn kinh phí được đảm bảo chi trả cho lực lượng dân quân đã duy trì được chế độ trực 12/24 giờ tại trụ sở UBND cấp xã. Qua đó, lực lượng này kịp thời tham gia xử lý các tình huống về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở. Điều này rất có ý nghĩa nhằm đảm bảo an ninh, an toàn ở trụ sở UBND cấp xã cũng như địa bàn nông thôn, góp phần mang lại bình yên cho nhân dân.

Cùng với chi trả ngày công trực, các chính sách hỗ trợ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, BHXH... cho lực lượng DQTV cũng được đảm bảo chi trả theo quy định, với số tiền hàng trăm tỷ đồng trong hơn 2 năm qua.

Nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động

Ngoài việc quan tâm đến chế độ, chính sách bằng nguồn ngân sách của tỉnh, Đề án cũng quy định về nhiệm vụ tập huấn, huấn luyện, đào tạo, tổ chức... cho lực lượng DQTV. Từ năm 2020 đến nay, các cấp đã tổ chức huấn luyện đầy đủ 100% đơn vị và quân số; tổ chức hội thao trung đội dân quân cơ động cấp tỉnh. Huy động DQTV tham gia diễn tập khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệp đồng tác chiến trong xử lý tình huống.

Hơn 2 năm qua, toàn tỉnh có 143 cán bộ DQTV được cử đi đào tạo trình độ cao đẳng, đại học chuyên ngành về quân sự. Hiện đang đào tạo 100 DQTV khác, với tổng kinh phí gần 7,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 169/173 chỉ huy trưởng và 116/193 phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã đã qua đào tạo trình độ từ trung cấp đến đại học chuyên ngành quân sự cơ sở.

Đại tá Nguyễn Ra - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, sau khi được đào tạo, lực lượng cán bộ quân sự cấp xã đã phát huy năng lực trong công tác tham mưu cũng như xây dựng các kế hoạch chiến đấu. Chẳng hạn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, biện pháp thực hiện nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự địa phương hằng năm và từng thời kỳ đảm bảo yêu cầu. Trực tiếp xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão; kế hoạch chiến đấu tại chỗ, kế hoạch chiến đấu bảo vệ cơ quan, kế hoạch chiến đấu phòng thủ; huy động lực lượng dân quân tham gia tập huấn, huấn luyện...

Bài, ảnh: X.THIÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:22, 14/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.