Dưới chân núi Cà Vang

08:55, 23/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dưới chân núi Cà Vang có một ngôi làng Tà Ma, thuộc thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) đã đi vào lịch sử của dân tộc với chiến thắng Đồn Tà Ma trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chúng tôi trở lại nơi đây trong niềm tự hào và phấn khởi trước những đổi thay của ngôi làng này.

Cách đây 8 năm, chúng tôi đã đặt chân đến làng Tà Ma,  để viết phóng sự “Chuyện người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Kà Méo”. Đó là câu chuyện về người thanh niên Hrê Đinh Kà Méo gan dạ bắn hạ 3 máy bay Mỹ bằng súng trường CKC trong một buổi sáng mùa hè năm 1961; về lòng dân kiên trung cùng bộ đội lập nên chiến thắng Đồn Tà Ma hiển hách...

Niềm vui của làng Tà Ma

Địa điểm chiến thắng Đồn Tà Ma, ở xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà vừa được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Dù chưa tổ chức công bố, nhưng hầu như người dân ở làng Tà Ma ai cũng biết và phấn khởi. Chị Đinh Thị Đôi, ở làng Tà Ma, thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ cho biết, làng có người làm cán bộ trên huyện, nghe tin Đồn Tà Ma được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh thì gọi về báo tin ngay. Giờ đang mùa làm cỏ lúa nên cả làng hẹn nhau đến khi nào lúa chín, vào dịp tết Ngã rạ, rồi tổ chức đón quyết định công nhận một cách trang trọng.

Một góc làng Tà Ma dưới chân núi Cà Vang, ở thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà). 
Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC
Một góc làng Tà Ma dưới chân núi Cà Vang, ở thôn Làng Rê, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà).  Ảnh: ĐOÀN VƯƠNG QUỐC

Cả tháng nay, khi hay tin Đồn Tà Ma được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, ông Lâm Xuân Thiện (85 tuổi), nguyên là trinh sát D3, trực tiếp tham gia trận đánh Tà Ma, hiện đang sinh sống tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) như sống lại với những kỷ niệm thời thanh xuân của mình. Ông về trò chuyện với dân làng Tà Ma, kể truyền thống đánh giặc, về từng trận đánh ở Đồn Tà Ma. 

Ông hồ hởi chỉ tay về ngọn núi gần làng, bảo rằng đó là núi Cà Vang - một điểm cao quân sự của huyện Sơn Hà. Đứng trên núi có thể quan sát cả một khu vực rộng lớn. Với địa hình như vậy nên những năm 1960, Mỹ - Diệm đã cho xây một cứ điểm quân sự Tà Ma kiên cố, nhằm liên kết với các chốt điểm để tạo vành đai kiểm soát Sơn Hà lúc bấy giờ. Quân địch gọi là Đồn Tà Ma. Sở chỉ huy địch đặt ở trung tâm cứ điểm, có hầm kiên cố, được nối liền với các hào giao thông và ụ súng chiến đấu. Trước khi địch đóng quân, xung quanh Đồn Tà Ma dân cư tập trung đông đúc, trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi gia súc. Khi địch tràn về, đời sống người dân khó khăn, lòng dân ai oán.

Còn già làng Đinh Văn Mia, người từng sống qua cuộc chiến cho đến bây giờ tại ngôi làng này cho biết, tôi đã trải qua các thời khắc lịch sử, chứng kiến nhiều trận đánh, nhưng nhớ nhất là trận đánh rạng sáng 18/5/1961. Khi ấy, lực lượng quân đội áp sát làng Tà Ma vào vị trí mai phục, chờ thời cơ chín mùi để tiêu diệt địch. Chiều cùng ngày, bộ đội ta đợi địch kéo về Đồn Tà Ma mới đồng loạt nổ súng. Các mũi ào ạt tấn công, chặn đầu, khóa đuôi dồn địch vào con suối Tà Com để tiêu diệt. Quân địch bị đánh bất ngờ chạy tán loạn. Chỉ trong một đêm, ta đã san bằng cứ điểm quân sự này. Đây cũng chính là trận đánh mà ông Đinh Kà Méo đã bắn rơi 3 máy bay bằng súng trường CKC, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân đấy!

Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa gần một phần hai thế kỷ, làng Tà Ma cũng khác xưa rất nhiều. Người dân đã san lấp công sự, hầm hào chiến đấu để lấy đất trồng đậu phụng, mì và lúa nước. Khi đoàn công tác của tỉnh về lập hồ sơ để trình cơ quan chức năng thẩm định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng Đồn Tà Ma, người cao tuổi trong làng đưa đi đến tận nơi tìm dấu tích. Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ Đinh Văn Cư bộc bạch, rất may mắn, tỉnh đã hiểu lòng dân và công nhận chiến thắng Đồn Tà Ma là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện tại, xã đã khoanh vùng hơn 1.000m2 tại 2 khu vực để bảo vệ. Người dân ở Tà Ma mong muốn chính quyền đầu tư xây dựng di tích này trở thành "địa chỉ đỏ", để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Người anh hùng giữa đời thường

Thấy chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo, người con gái út của ông là Đinh Thị Trang ra tận cổng đón khách. Dù đã 8 năm trôi qua và nay cũng đã 91 tuổi, nhưng Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo vẫn nhận ra chúng tôi. Vẫn bộ trang phục cựu chiến binh xanh lá, ông nắm tay chúng tôi thăm hỏi nhiều điều. Đôi tay thô ráp, rắn rỏi ấy giải thích vì sao, cách đây hơn 60 năm, với 1 khẩu súng trường CKC, một mình ông lên núi Cà Vang, nơi lập Đồn Tà Ma, phục bắn máy bay địch.

Đến nay, nhắc lại việc bắn rơi 3 máy bay địch, Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo vẫn nhớ như in. Hôm ấy là buổi chiều mùa hè năm 1961, có 4 chiếc máy bay bay đến. Máy bay bay rất thấp, tìm mục tiêu đánh phá. Ông bình tĩnh bắn rơi một chiếc; 3 chiếc còn lại rối loạn đội hình, dội bom oanh tạc rồi tháo chạy. Ít phút sau 2 máy bay lên thẳng đến đổ quân xuống quả đồi. Và với sự gan dạ, ông tiếp tục bắn hạ cả 2 chiếc. Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo chia sẻ, vì chẳng được học hành gì nhiều nên cả cuộc đời tôi, ngoài bắn hạ 3 máy bay trong trận chiến Đồn Tà Ma thì không lập thêm thành tích nào đáng kể. Tôi chỉ có một lòng trung kiên với Đảng. Hòa bình, tôi cùng người dân trong làng trồng lúa, keo, mì và nuôi trâu, bò.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Kà Méo giữa đời thường. Ảnh: Th.Nhị
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Kà Méo giữa đời thường. Ảnh: Th.Nhị

Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo có 5 người con, trong đó 4 người đã lập gia đình và cũng trồng lúa, nuôi trâu như ông. Chỉ có cô con út là đi học sư phạm, trở về quê làm cô giáo. "Cách đây mấy năm, cháu dạy ở xã Sơn Cao, cách nhà 40 cây số đi về mỗi ngày rất vất vả. Tôi thầm ước mong là cấp trên giúp đỡ cho con gái về gần nhà dạy học, ở cùng tôi cho đỡ cô quạnh lúc tuổi già. Rồi phóng viên Báo Quảng Ngãi về nêu ước nguyện này của tôi lên báo và đã được huyện Sơn Hà quan tâm giúp đỡ. Giờ con tôi được về dạy học ở xã Sơn Kỳ, gần nhà thật rồi. Tôi vui đến nỗi khóc mấy đêm mới thôi”, Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo tâm sự.

Cách đây 8 năm, khi gặp và trò chuyện với chúng tôi, Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo cũng bày tỏ nỗi niềm về chuyện an cư lạc nghiệp của gia đình. Ông bảo sau hòa bình, ông về vui cấy cày ngay dưới chân núi Cà Vang, nhưng khu vực này lại được Nhà nước quy hoạch là đất quốc phòng. Vì thế, cả đời gắn bó với mảnh đất này, căn nhà và mảnh vườn nhỏ của ông vẫn không được cấp giấy tờ đất ở. Ông không lo mà chỉ buồn, vì ông yêu quý cái nơi này, không muốn rời xa. Hơn nữa, giờ muốn đến nơi khác ở thì gia đình cũng không có điều kiện để mua đất làm nhà mới. Mặc dù chi tiết này  chúng tôi không đưa vào bài báo “Chuyện người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Kà Méo”, nhưng đã gửi gắm đến chính quyền huyện Sơn Hà. Sau đó, UBND huyện đã quyết định cấp cho Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo một mảnh đất tại khu dân cư trung tâm huyện.

Trong lần gặp lại này, Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo kể với chúng tôi về sự quan tâm của huyện Sơn Hà dành cho ông, giúp ông vui và mãn nguyện khi tuổi già. Ông vén tấm bạt phủ trên đống lúa, xúc một ít lúa ra cho đàn gà, vịt ăn. Nở nụ cười hiền, Anh hùng LLVT Đinh Kà Méo hẹn với chúng tôi, vài tháng nữa mời các cháu về chơi với gia đình tôi. Khi ấy, gà lớn, tôi sẽ làm vài con nấu cháo ăn mừng chuyện vui của làng, chuyện vui của tôi...


THANH NHỊ


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 08:55, 23/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.