CAO ĐIỂM HÀNH ĐỘNG CHỐNG KHAI THÁC IUU

Can trường bám biển

18:02, 20/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở tuổi 60, ngư dân Nguyễn Trung Viên, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn kiên cường bám biển, thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ông bảo, biển không chỉ đem lại nguồn sống cho gia đình, mà còn là nơi gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình, với biết bao kỷ niệm.

Sau chuyến biển 15 ngày đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, tàu ông Viên trở về với đầy ắp cá chuồn. Ông Viên bảo, mùa này là thời điểm cá chuồn sinh sôi nên cá căng dày ở biển khơi. Tranh thủ chuyển cá lên bờ lấy nhiên, nguyên liệu rồi trở lại biển ngay để đánh bắt.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, ông Viên có 20 năm đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông rành từng con nước, từng thời điểm mùa cá sinh sản. Tàu ông hành nghề lưới rê, đánh bắt cá chuồn. Mùa cá chuồn có quanh năm nhưng rộ nhất là từ giữa tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Từ sau tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, tàu ông Viên đã ra khơi 2 chuyến. Chuyến nào cá cũng đầy khoang. Chuyến biển vừa rồi, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 200 triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Trung Viên (bên phải), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) tìm hiểu các quy định khai thác trên biển.
Ngư dân Nguyễn Trung Viên (bên phải), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) tìm hiểu các quy định khai thác trên biển.

“Cách đây 10 - 15 năm trước, ngư trường Hoàng Sa cá căng dày quanh năm. Một chuyến biển chỉ kéo dài khoảng 1 tuần, hoặc 10 ngày là tàu về đầy ắp cá. Bởi lúc đó cá nhiều, chỉ cần quăng lưới xuống là có cá, không phải dò tìm luồng cá như bây giờ”, ông Viên nhớ lại. Cũng nhờ đó mà ở tuổi 46, ông Viên đã làm chủ con tàu công suất 260CV, trị giá gần 600 triệu đồng. Ông Viên bảo rằng, so với tuổi trẻ bây giờ thì ông còn thua xa, nhưng đó là cả một quá trình phấn đấu bám biển không ngừng nghỉ của mình, vì xuất phát điểm của ông chỉ là một bạn tàu.

Ông Viên sinh ra và lớn lên ở thôn Định Tân, xã Bình Châu. Nhà nghèo nên tuổi thơ ông sớm gắn liền với biển. Sáng chiều ông khiêng ghe ra gành bắt cá, bắt ốc mưu sinh. Đến năm 17 tuổi, ông bắt đầu đi bạn đánh bắt gần bờ, đến 27 tuổi ông theo tàu ra lộng đánh bắt. Khi bàn tay quen với kéo lưới, đôi mắt ông nhìn con nước là biết chỗ nào có cá, nhìn mây trời biết lúc nào có bão để tránh thì trái tim ông thúc giục đến với Hoàng Sa. Ngày đó, ông không nhớ mình đã đi bạn bao nhiêu chuyến đến Hoàng Sa đánh bắt. Ông chỉ nhớ rằng, càng bám biển Hoàng Sa, khát vọng được làm chủ con tàu để bám ngư trường, lại càng lớn thêm. Tích góp được chút vốn, ông hùn với anh em bà con đóng tàu dong đến Hoàng Sa đánh bắt. Những hòn đảo ở quần đảo Hoàng Sa trở thành điểm tựa để tàu ông trú ngụ khi gặp hiểm nguy trên biển.

Ông Viên kể, bây giờ, mỗi lần đánh bắt đi ngang đảo Bom Bay là tôi nhớ đến lần tàu bị tai nạn mất hết cá lẫn ngư lưới cụ. Tôi và các ngư dân may mắn thoát nạn trở về với hai bàn tay trắng. Nhưng còn người, còn tàu là còn ra khơi. Ông quyết định bán tàu lớn để mua tàu có công suất nhỏ hơn để có tiền trang trải ngư lưới cụ và sắm nhiên, nguyên liệu ra khơi trở lại. Hành nghề trên con tàu 40CV ở vùng biển lộng, nhưng lòng ông vẫn đau đáu hướng  về Hoàng Sa. Đến năm 2014, ông đóng được con tàu QNg 90697TS với mã lực 260CV và dong thẳng đến ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt.

Giờ đây tuổi đã cao, những kinh nghiệm một đời đi biển và sự can trường bám biển truyền thống Hoàng Sa, ông đã truyền lại cho con cháu trong xóm. Những ngư dân Bùi Thảo, Trần Quận, Bùi Sâm... tuổi đời chỉ từ 30 - 35 mà hiện đã làm chủ các con tàu có công suất đến 400 -500CV đánh bắt ở Hoàng Sa. Ông Viên tin tưởng với sự nhanh nhẹn, tháo vát của các ngư dân trẻ sẽ cầm chắc tay lái để bám biển truyền thống Hoàng Sa và góp phần bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: A.NGUYỆT

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 18:02, 20/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.