Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng

18:15, 21/03/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lãi suất ngân hàng giảm sâu đã và đang góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN), cũng như người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thuận lợi hơn.

Vốn dôi dư hơn 14 nghìn tỷ đồng

Tính đến ngày 14/3/2024, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 86,85 nghìn tỷ đồng, tăng 1,4% so với cuối năm 2023. Tổng dư nợ cho vay ước đạt trên 72,7 nghìn tỷ đồng, tăng 0,19% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt trên 46,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,5% tổng dư nợ, giảm 2,26% so với cuối năm 2023. Dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,5% tổng dư nợ, tăng 4,99% so với cuối năm 2023.

Nguồn vốn tại các ngân hàng đang rất dồi dào.
Nguồn vốn tại các ngân hàng đang rất dồi dào.

Mặc dù dư nợ có tăng trưởng nhưng nếu đánh giá chung giữa tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ cho vay của toàn ngành ngân hàng thì hiện nguồn vốn dôi dư tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hơn 14 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, hiện Agribank Quảng Ngãi có thị phần lớn nhất tỉnh, cả về nguồn vốn huy động lẫn dư nợ cho vay. Trong đó, tổng nguồn vốn huy động hơn 18,35 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ hơn 12,76 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đang thừa tại ngân hàng này khoảng 5.600 tỷ đồng.

Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Agribank Quảng Ngãi Nguyễn Tùng Thiện cho biết, tính đến ngày 14/3/2024, tổng dư nợ tại Agribank Quảng Ngãi giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm gần 1% so với cuối năm 2023. Thông thường sau tết Nguyên đán, dư nợ sẽ giảm chủ yếu ở khối DN. Tuy nhiên, năm nay dư nợ đối với khách hàng cá nhân tại Agribank Quảng Ngãi lại giảm sâu. 
Không chỉ Agribank mà hiện nay các chi nhánh ngân hàng lớn khác như BIDV, Vietcombank, Vietinbank cũng đang có nguồn vốn dồi dào nhưng không cho vay được. Đó là chưa kể có một số ngân hàng hầu như chỉ huy động là chủ yếu, còn cho vay rất ít. 

Nỗ lực "bơm" vốn ra thị trường

Theo các ngân hàng, tuy lãi suất huy động liên tục giảm và đang neo ở mức thấp nhất nhưng thực tế dòng tiền nhàn rỗi vẫn đổ vào ngân hàng. Trong thời điểm khó khăn này, để giải nguồn vốn dôi dư, các ngân hàng đã cử cán bộ, nhân viên về tận các địa phương, vùng nông thôn, DN để mời chào các gói tín dụng. Theo đó, các ngân hàng đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng cho từng lĩnh vực, phân khúc khách hàng DN và cá nhân nhằm thu hút khách hàng.

Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam cho hay, đối với khách hàng cá nhân, Agribank đang tăng cường công tác cho vay qua hội liên hiệp phụ nữ, hội nông dân các xã, phường, thị trấn. Đối với DN, dựa trên danh sách DN do Sở KH&ĐT tỉnh cung cấp, Agribank đã và đang liên hệ đến từng DN để tìm hiểu nhu cầu vốn của DN, từ đó mời chào, tư vấn, hướng dẫn gói tín dụng phù hợp cho từng trường hợp. Hiện Agribank đang áp dụng gói tín dụng dành cho DN nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi chỉ từ 3,5 - 6%/năm; còn đối với khách hàng DN lớn có gói tín dụng quy mô 20 nghìn tỷ đồng, với lãi suất chỉ từ 3 - 4%/năm. 

 

Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, hoạt động của DN tốt là cũng nhờ vào ngân hàng đã cho vay vốn. Thời gian qua, các ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh luôn tạo mọi điều kiện cho công ty vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện công ty còn có nhiều nhà máy đặt ở các tỉnh khác và các ngân hàng ở Quảng Ngãi đã cho công ty vay vốn rồi chuyển đến các tỉnh khác như Gia Lai, Bình Dương, Bắc Ninh để mở rộng đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo tôi, hiện lãi suất cho vay đã giảm và việc tiếp cận, giải quyết các thủ tục vay vốn cũng rất nhanh chóng, thuận lợi.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:15, 21/03/2024

Ý kiến bạn đọc


.