Ứng dụng khoa học và công nghệ: Chuyển biến tích cực

15:19, 15/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, hoạt động ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Các địa phương, đơn vị đã chú trọng chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị... Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong lĩnh vực công nghiệp, ứng dụng tiến bộ về công nghệ số đã mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quản lý vận hành hệ thống điện, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã đưa Trung tâm Điều khiển vào vận hành để giám sát tất cả các trạm biến áp 110kV đang vận hành không người trực và giám sát điều khiển trên 330 thiết bị đóng cắt trên toàn tỉnh. Điều này mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cung cấp điện năng và độ tin cậy, an toàn trong công tác quản lý vận hành và nâng cao năng suất lao động.

Trung tâm Điều hành của Công ty Điện lực Quảng Ngãi giám sát điều khiển từ xa 330 thiết bị đóng cắt trên toàn tỉnh.
Trung tâm Điều hành của Công ty Điện lực Quảng Ngãi giám sát điều khiển từ xa 330 thiết bị đóng cắt trên toàn tỉnh.

Trong hoạt động kinh doanh dịch vụ khách hàng, với hệ thống đo đếm thông minh, đến nay đã có 100% công tơ điện tử được lắp trên lưới; việc ghi chữ số điện được thực hiện từ xa qua thiết bị cầm tay HHU. Chương trình đo xa MDMS, RF-Spider đã theo dõi, phân tích số liệu chính xác, thuận lợi, nâng cao năng suất lao động...

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Phan Vũ Đông Quân cho biết, hoạt động chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số được Công ty Điện lực Quảng Ngãi thực hiện đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, từ công tác quản trị sản xuất đến kinh doanh, dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng và quản trị nội bộ. Hiện tại, công ty tăng cường mảng viễn thông trong dịch vụ công nghệ thông tin và các ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu là công tác nghiên cứu cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống trâu Murrah do Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện. Qua đó, người dân có giống vật nuôi mới cho lại hiệu quả kinh tế cao. Hay việc chọn tạo và phát triển một số giống lúa mới ngắn ngày (QNg6, QNg13, QNg128) của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Trung tâm Giống tỉnh. Các giống lúa này có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, được tổ chức sản xuất thử và thực hiện mô hình trình diễn ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều cho kết quả tốt. Vì vậy, các giống lúa mới có triển vọng để nhân rộng, thay thế dần các giống kém hiệu quả hơn.

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa nguyên chủng QNg6, QNg13 và QNg128 tại xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).    
Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa nguyên chủng QNg6, QNg13 và QNg128 tại xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ).    

Trạm phó Trạm Giống cây nông nghiệp Đức Hiệp (Trung tâm Giống tỉnh) Nguyễn Thị Lệ Quyên cho biết, trên cơ sở kết quả nghiên cứu 3 giống lúa QNg6, QNg13, QNg128, trung tâm triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa nguyên chủng tại các xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), Đức Hiệp (Mộ Đức), Phổ Thuận và phường Phổ Văn (TX.Đức Phổ), với quy mô 25ha và 150 hộ nông dân tham gia. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình đã góp phần xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu về lúa giống tại các địa phương.

Ngoài ra, với nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh của TS. Nguyễn Nhứt và Công ty TNHH Khoa học nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN thực hiện, đã triển khai thành công công nghệ nuôi tôm mới thích ứng với điều kiện của tỉnh, giúp ổn định năng suất, bảo đảm an toàn sinh học, thân thiện với môi trường.

Đối với lĩnh vực y tế, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hệ thống truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực hoạt động. Các phương tiện cần thiết được đầu tư, hoạt động đạt hiệu quả. Đến nay, các tiến bộ kỹ thuật trong y học đã được ứng dụng vào công tác điều trị bệnh cho người dân như: Siêu âm Doppler tim mạch; công nghệ laser trong phẫu thuật tán sỏi niệu quản ngược dòng qua nội soi; chạy thận nhân tạo; phẫu thuật điều trị thoát vị đĩa đệm, thay khớp háng nhân tạo; phẫu thuật nội soi khớp; phẫu thuật sọ não lấy máu tụ dưới màng cứng trong các trường hợp chấn thương; phẫu thuật lấy máu tụ nội sọ... Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Với những kết quả đạt được trong các lĩnh vực, có thể khẳng định rằng, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng để Quảng Ngãi đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Bài, ảnh: ANH KHUÊ

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



 


Ý kiến bạn đọc


.