Triển vọng từ mô hình "Sản xuất lúa giống"

09:46, 08/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Ba Tơ triển khai mô hình “Sản xuất lúa giống”, nhiều nông dân đã tham gia và đạt những kết quả tích cực.
 
[links()]
 
Thay đổi tập quán canh tác
 
Trước kia, ông Phạm Văn An, ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ), cũng như nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng chỉ biết trồng lúa rẫy mỗi năm một vụ; sau đó chuyển sang trồng lúa nước. Khi đó, các hộ chỉ biết làm đất gieo sạ, còn việc chọn giống lúa, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lúa... thì phần lớn chưa nắm rõ.
 
Mô hình “Sản xuất lúa giống” ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ), cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình “Sản xuất lúa giống” ở thôn Trà Nô, xã Ba Tô (Ba Tơ), cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong vụ đông xuân 2020 - 2021, Trung tâm DVNN huyện Ba Tơ phối hợp với Trạm giống cây Nông nghiệp Đức Hiệp (Mộ Đức) triển khai mô hình “Sản xuất lúa giống” trên cánh đồng Mít, xã Ba Tô, với diện tích gần 5ha. Mô hình thu hút 23 hộ dân ở thôn Trà Nô tham gia, trong đó có gia đình ông An. Tham gia mô hình, ông An học được cách làm đất, chọn giống lúa, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa nên năng suất vụ đầu tiên đạt khá cao, thu được 2,4 tấn lúa sạch, tăng gần gấp đôi so với cách trồng trước đây. Vụ đông xuân 2021 - 2022, gia đình ông áp dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa giống nên năng suất cũng đạt khá cao.
 
Vừa thu về 23 triệu đồng từ việc bán lúa giống ĐH 99-81 cho Trạm giống cây Nông nghiệp Đức Hiệp, ông Phạm Văn An phấn khởi cho biết, nhờ tham gia mô hình “Sản xuất lúa giống”, tôi mới am hiểu kỹ thuật canh tác lúa cho năng suất cao. Đây là lần đầu tiên gia đình tôi có được số tiền lớn nhờ bán lúa giống.
 
Theo Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Ba Tơ Trần Ngọc Hòa, mô hình “Sản xuất lúa giống” không những chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... mà còn thu mua sản lượng lúa giống cho nông dân. Trên diện tích gần 5ha triển khai trong vụ đông xuân 2021 - 2022 đã thu được gần 15 tấn lúa giống. Trạm giống cây Nông nghiệp Đức Hiệp đã thu mua với giá 6.000 đồng/kg lúa tươi, với tổng số tiền gần 90 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân còn để lại lúa giống sản xuất vụ hè thu.
 
Nhân rộng mô hình
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Tô Huỳnh Thanh Bảo cho hay, mô hình “Sản xuất lúa giống” được triển khai trên cánh đồng Mít đã đem lại hiệu quả rất cao. Bên cạnh tăng năng suất lên đến 70 tạ/ha, mô hình còn giúp nông dân trong xã thấy được kỹ thuật sản xuất lúa giống trên thực tế để áp dụng làm theo. Toàn xã có 400ha sản xuất lúa nước, nhưng trước đây năng suất rất thấp. Kể từ khi trên địa bàn xã triển khai mô hình “Sản xuất lúa giống”, nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chọn giống, kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh... nên năng suất tăng lên. Vụ đông xuân 2020 - 2021, năng suất lúa ở xã đạt bình quân 53 - 54 tạ/ha, thì đến vụ đông xuân  2021 - 2022 đạt khoảng 60 tạ/ha.
 
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân, toàn huyện có khoảng 3.200ha sản xuất lúa vụ đông xuân, hơn 2.800ha sản xuất lúa hè thu. Những năm qua, mặc dù nông dân huyện Ba Tơ đã gieo sạ đúng lịch thời vụ và cơ cấu giống lúa theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nhưng năng suất vẫn còn thấp. Nguyên nhân do thời tiết, điều kiện sản xuất trên vùng cao Ba Tơ chưa thuận lợi; đồng thời phần lớn nông dân trên địa bàn chưa chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc chọn giống lúa gieo sạ và cách chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế không cao.
 
"Từ mô hình “Sản xuất lúa giống” tại thôn Trà Nô, xã Ba Tô cho hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện xây dựng vùng sản xuất lúa giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật ổn định trên địa bàn. Đồng thời, tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa giống cho nông dân, định hướng để người dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện", bà Vân nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 

.