Những điểm sáng trong chuyển đổi số

16:38, 22/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều trường học đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và trở thành điểm sáng của tỉnh. 

Phòng tin học với 36 máy tính được kết nối Internet là điều kiện thuận lợi để Trường THCS Long Hiệp (Minh Long) thực hiện chuyển đổi số.

Tiết học tiếng Anh tại Trường THCS Long Hiệp (Minh Long) diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng của thầy và trò. Lớp chia thành 2 nhóm ngồi xung quanh bàn học, giáo viên (GV) sử dụng micrô không dây để trình bày các yêu cầu hoàn toàn bằng tiếng Anh, cùng với trình chiếu hình ảnh, video. Các em tự tin thảo luận, trả lời câu hỏi. Thầy giáo Trần Hữu Hà cho biết, giáo án được soạn giảng trên bảng tương tác điện tử, hình ảnh trực quan sinh động nên các tiết học tiếng Anh trở nên sôi động, giúp học sinh (HS) tiếp thu bài tốt hơn. 

Thầy Nguyễn Văn Hưng, dạy môn Tin học, Trường THCS Long Hiệp chia sẻ, hầu hết HS ở đây là người dân tộc Hrê. Thời gian đầu các em gặp khó khăn trong việc học môn Tin học. Để khắc phục tình trạng này, tôi thiết lập phần mềm quản lý lớp học để theo dõi kết quả học tập; đồng thời ứng dụng các trò chơi trực tuyến, kiểm tra và chấm điểm trắc nghiệm. Qua đó, giúp các em thay đổi nhận thức, hứng thú, chủ động hơn trong việc học môn Tin học.

Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Long Hiệp Ngô Thị Kim Thoa cho biết, việc chuyển đổi số trong nhà trường có sự chuyển biến  mạnh mẽ từ khi trường được đầu tư phòng tin học với 36 máy tính kết nối Internet. Giáo viên thực hiện kế hoạch bài dạy và gửi file mềm đến hệ thống nội bộ của trường rồi ký số.

Qua ứng dụng CNTT giúp việc điều tra phổ cập giáo dục xóa mù chữ rút ngắn từ 35 ngày xuống còn 3 ngày. Ngoài ra, nhà trường cũng định hướng GV khai thác các phần mềm dạy học do phòng GD&ĐT huyện giới thiệu để đồng bộ hóa với toàn ngành giáo dục, cũng như biết cách khai thác sử dụng các phần mềm miễn phí...  

“Việc ứng dụng CNTT giúp GV và HS nghiên cứu, sáng tạo trong dạy và học. Đặc biệt, trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2022 - 2023, thầy và trò nhà trường có 2 phần mềm đoạt giải cao trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia dành cho HS trung học và cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh. Đó là phần mềm vào điểm bằng nhận dạng chữ số viết tay và phần mềm nhập điểm vào tệp excel bằng giọng nói. Đây là động lực để GV và HS của trường tiếp tục nỗ lực vượt khó, tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả công cuộc chuyển đổi số”, cô giáo Ngô Thị Kim Thoa cho biết thêm.

Đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng), có hơn 95% HS là người dân tộc Cor, nên việc chuyển đổi số cũng gặp nhiều thách thức. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đến nay trường đã có phòng tin học gồm 25 máy tính có kết nối Internet, có kho bài giảng điện tử và ngân hàng đề theo các khối lớp để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá.

Trường có 100% GV soạn giáo án điện tử, giảng dạy trên môi trường số. Đây cũng là một trong số ít trường học thuộc các huyện miền núi triển khai thực hiện số hóa và quản lý hồ sơ điện tử, hồ sơ chuyên môn có tích hợp chữ ký số. Riêng cấp THCS, trường đã thực hiện Sổ theo dõi và đánh giá HS có chữ ký số, giúp việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập và rèn luyện của HS kịp thời, chính xác hơn.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Hiệp Võ Thị Tư cho biết, chuyển đổi số ở đây được hiểu đơn giản là 100% hồ sơ điểm, học bạ của HS, giáo án bài giảng của GV... đều được thực hiện qua mạng Internet. Từ đó, GV xây dựng các tiết dạy học hiệu quả, HS dễ tiếp thu bài, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:38, 22/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.