Trợ giúp người tâm thần hòa nhập cộng đồng

10:12, 06/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do áp lực cuộc sống, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và nhiều nguyên nhân khác, nên số người bị bệnh tâm thần (NTT), rối nhiễu tâm trí đang có xu hướng gia tăng. Nhằm trợ giúp, chăm sóc phục hồi chức năng (PHCN) cho NTT, thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai các chính sách đối với NTT và đạt được những kết quả tích cực.
[links()]
Đẩy mạnh công tác truyền thông
 
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 5.716 NTT, trong đó có 2.762 NTT phân liệt; 2.753 người bị chứng động kinh... Nhằm huy động gia đình và cộng đồng cùng tham gia trợ giúp về vật chất, tinh thần, PHCN, để NTT ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời phòng ngừa người rối nhiễu tâm trí dẫn đến bị tâm thần, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Trợ giúp xã hội và PHCN cho NTT, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2011 - 2020”. 
Bệnh nhân có bệnh lý về tâm thần được điều trị tại một cơ sở y tế.
Bệnh nhân có bệnh lý về tâm thần được điều trị tại một cơ sở y tế.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn, triển khai đề án nhằm huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc trợ giúp người có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các gia đình có đối tượng và các em học sinh phổ thông hiểu về vấn đề sức khỏe tâm thần thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên website của sở, Trung tâm Công tác xã hội; phát videoclip, treo pano, áp phích...
 
Có dịp tham gia một buổi tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe tâm thần do Sở LĐ-TB&XH tổ chức dành cho các cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội ở cơ sở, chị Nguyễn Thị Thủy, xã Bình Long (Bình Sơn) chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi được giảng viên cung cấp các thông tin, kiến thức cơ bản về bệnh tâm thần, đặc biệt là cách chăm sóc, kỹ năng xử lý các tình huống trong quá trình chăm sóc người bệnh... Qua đó, giúp tôi có thêm kinh nghiệm để áp dụng trong quá trình tiếp cận, chăm sóc NTT ở cơ sở.
 
Hỗ trợ chăm sóc, phục hồi chức năng
 
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trong 9 tháng năm 2020, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho trên 12.000 bệnh nhân, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượt người đến khám ngoại trú tại bệnh viện gần 49.000 người. Có thể thấy, áp lực của cuộc sống hiện đại đang khiến số lượng bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh ngày càng tăng, tính chất bệnh cũng trở nên phức tạp.
 
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đặng Trong cho biết: Bệnh nhân tâm thần được điều trị theo hệ thống mở để họ không suy sụp tinh thần, kết hợp điều trị thuốc và tái thích ứng xã hội như lao động, vui chơi, nghỉ ngơi... Để người bệnh sớm PHCN, ngoài việc điều trị của các cơ sở y tế, đòi hỏi sự quan tâm, sẻ chia, hỗ trợ của thân nhân và cộng đồng. Đặc biệt, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với NTT, nhằm giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
 
Thông qua việc triển khai đề án, các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh đã cung cấp các dịch vụ cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần và gia đình như: Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề có liên quan đến việc phát hiện, chăm sóc, quản lý người bệnh tại gia đình, cộng đồng. Duy trì thường xuyên việc cử cán bộ trực tiếp đến cộng đồng, gặp gỡ gia đình, tiếp cận các đối tượng (chủ yếu là đối tượng bị trầm cảm) gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống gia đình và xã hội để tư vấn, can thiệp trị liệu cho đối tượng.
 
Tin rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, sự quan tâm, sẻ chia của người thân, sẽ giúp NTT sẽ từng bước thay đổi hành vi, cải thiện bệnh tật, góp phần giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Bài, ảnh: PV
 
 
 

.