Nhớ lời Di chúc, làm theo lời Bác

09:05, 19/05/2019
.
(Baoquangngai.vn)- “Lương y phải như từ mẫu”- Lời Bác Hồ dặn lúc sinh thời đã trở thành phương châm hành động của cả ngành Y tế. Và với đồng bào Hrê ở xã Sơn Bao (Sơn Hà), lời dặn dò ấy lại càng gần gũi và đúng với thực tế. Khi đau ốm, khó khăn, họ luôn nghĩ và tìm đến những người thầy thuốc ân cần, chu đáo ở Trạm Y tế xã Sơn Bao.
Kiên trì phá bỏ “rào cản” hủ tục lạc hậu
 
Hơn 11 giờ trưa, cán bộ, nhân viên ở Trạm Y tế xã Sơn Bao mới tiễn bệnh nhân cuối cùng ra về. Kết thúc buổi làm việc buổi sáng khá vất vả, nhưng nụ cười niềm nở luôn thường trực trên khuôn mặt những con người khoác áo blouse trắng.
 
Bác sĩ Đinh Thị Thùy- Trưởng Trạm Y tế xã Sơn Bao vừa quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vừa tỏ ra ái ngại khi để những vị khách từ miền xuôi là chúng tôi phải chờ từ sáng. “Em thông cảm. Ngày nào có bệnh nhân đông là mình phải tranh thủ khám cho họ. Làm nghề này sợ nhất là khi người dân đau ốm lại không tin tưởng đến gặp mình thôi”- Bác sĩ Thùy vui vẻ trò chuyện.
 
Các y bác sĩ ở Trạm Y  tế xã Sơn Bao đã nổ lực hết mình để người dân bỏ hủ tục lạc hậu, đến khám chữa bệnh khi đau ốm
Các y bác sĩ ở Trạm Y tế xã Sơn Bao đã nổ lực hết mình để người dân bỏ hủ tục lạc hậu, đến khám chữa bệnh khi đau ốm
 
Gắn bó với trạm y tế gần 20 năm, bác sĩ Thùy là người chứng kiến sự thăng trầm của cuộc sống đồng bào Hrê nơi đây. Bác sĩ Thùy cũng là một trong những y sĩ tiên phong của trạm nỗ lực từng tí một để đưa người dân đến trạm y tế mỗi khi ốm đau thay vì cúng bái “con ma rừng” trong vô vọng.
 
Xã Sơn Bao có cả thảy 8 thôn với hơn 4.300 người dân. Thời điểm bác sĩ Thùy về trạm nhận công tác, hủ tục lạc hậu đóng rễ sâu trong tư tưởng của mỗi người dân đã “ngăn” chân họ tiếp cận với nền y tế hiện đại. Đó là những lúc người dân ở vùng cao hẻo lánh cách xa trung tâm huyện còn tin vào những điều mê tín hơn những mũi tiêm, viên thuốc.
 
Mỗi tháng trạm y tế xã đón tiếp chưa đến 10 bệnh nhân. Công việc chiếm phần lớn thời gian của các y sĩ mới vào nghề tại trạm là cuốc bộ đi đến từng hộ dân để vận động người dân uống thuốc chữa bệnh thay vì cúng bái và cúi mình sợ hãi.
 
Ngày qua ngày, họ đã lội suối băng rừng để đi đến các hộ dân vận động họ cho con em mình tiêm chủng phòng bệnh. Và những con người tận tụy chỉ trở về nhà khi mặt trời đã lặn từ lâu với đôi chân nhừ mỏi sau khi lội bộ hơn 14km để đến thôn xa nhất trong xã. Thế nhưng, họ vẫn kiên trì đến mức bền bỉ. Họ không ngại khoảng cách về địa lý để thu ngắn khoảng cách ở lòng người.
 
“Những ngày đầu khó khăn đó là kỷ niệm chúng tôi không bao giờ quên. Chúng tôi cứ kiên trì, gần gũi với người dân và thể hiện trách nhiệm, hết lòng cứu chữa khi có người bệnh tìm đến mình. Đến bây giờ, khi Trạm Y tế Sơn Bao từ một trạm thiếu thốn đủ thứ nay đã thành trạm đạt chuẩn thì tinh thần làm việc của anh em vẫn như ngày đầu”- bác sĩ Thùy trải lòng.
 
Tận tình chăm sóc và niềm nở với bệnh nhân, xem bệnh nhân như người nhà là cách làm của Trạm Y tế xã Sơn Bao để người dân tin tưởng
Tận tình chăm sóc và niềm nở với bệnh nhân, xem bệnh nhân như người nhà là cách làm của Trạm Y tế xã Sơn Bao để người dân tin tưởng
 
Trạm Y tế Sơn Bao đến nay là một trong những trạm điển hình ở huyện miền núi Sơn Hà. Có máy siêu âm, điện tim, 6 cán bộ, nhân viên ở trạm tự tin tiếp đón trên dưới 20 lượt bệnh nhân mỗi ngày với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
 
“Già bị đau lưng, đau chân miết. Mỗi lần vậy là già tìm đến Trạm Y tế. Bác sĩ, y sĩ ở đây rất giỏi, khám và cho thuốc già uống. Già khỏe hơn rất nhiều!”- Bà Đinh Thị Sô là một trong những người dân thường đến trạm khám, móm mém vừa cười vừa kể về những vị y, bác sĩ có tâm.
 
Thiện tâm của những chiến sĩ áo trắng
 
Vực dậy một trạm y tế ở nơi rẻo cao, hẻo lánh, những chiến sĩ áo trắng không cho phép mình “ngủ quên” trong chiến thắng, mà luôn nhắc nhau nhớ về những ngày gian khó. Bởi họ luôn quan niệm, một ca bệnh khó không khó bằng sự trở ngại ở lòng người.
 
Nghe tưởng chừng như rất đơn giản. Nhưng để nhận được sự tin tưởng của đồng bào, họ đã “cho” đi rất nhiều. Hai trong số 6 cán bộ, nhân viên ở trạm là người miền xuôi về nhận công tác. Với địa phương có hơn 95% dân số là đồng bào Hrê, ngôn ngữ giao tiếp chính là rào cản lớn nhất với các nhân viên y tế này.
 
Nhưng với nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Ái Hoanh quê ở Sơn Tịnh, đó chẳng phải là chuyện không thể giải quyết. Hơn 5 năm công tác tại trạm, mỗi ngày chịu khó học tiếng địa phương một chút, đến nay, chị đã giao tiếp lưu loát với bất kỳ người dân Hrê nào.
 
“Mình phải hiểu tiếng địa phương thì mới gần gũi, tiếp xúc và hiểu được bệnh nhân họ cần gì để giúp đỡ. Thuận lợi nữa là mình đi tuyên truyền về công tác tiêm chủng, phòng chống sốt rét hay chăm sóc sức khỏe sinh sản đều rất là hiệu quả”- Đến giờ, khi cán bộ, nhân viên y tế của trạm đi cơ sở, họ luôn được người dân địa phương niềm nở đón tiếp như người thân trong nhà.
 
Hỏi về bí quyết “thu phục” lòng người, để người dân luôn tin tưởng vào nền y tế hiện đại, không ai bảo ai nhưng các y, bác sĩ đều đồng lòng một câu trả lời: “Chỉ cần vượt qua được khó khăn lớn nhất là nâng cao ý thức của người dân với y học hiện đại thì việc gì chúng tôi cũng có thể vượt qua. Chuyện làm nghề chẳng có gì khó cả, chỉ cần luôn xem bệnh nhân như người nhà. Bệnh nhân đau, mình sẽ quan tâm săn sóc như thể người thân mình đau”.
 
Không chỉ tận tình với những người dân đến trạm, hằng tháng cán bộ, nhân viên ở trạm luôn dành thời gian đến nhà các hộ dân để chuyện trò và động viên người dân mỗi khi ốm đau, nhất là đối với các hộ neo đơn.
 
“Điều đáng mừng là người già trong xã, mỗi khi có ai ốm yếu không thể tới trạm hay đổ bệnh đột xuất thì chỉ cần gọi, bác sĩ Thùy và các anh chị khác đều có mặt bất kể ngày đêm để tận tình cứu chữa, bà con không phải chạy đi xa ở tuyến huyện nữa”- Bà Đinh Thị Tiên đã hơn 70 tuổi sống một mình ở thôn Tà Lương, xã Sơn Bao hết lòng khen ngợi tấm lòng của các y, bác sĩ ở trạm y tế.
 
Hằng tháng, các y, bác sĩ ở Trạm luôn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên các gia đình neo đơn trên địa bàn xã
Hằng tháng, các y, bác sĩ ở Trạm luôn dành thời gian đến thăm hỏi, động viên các gia đình neo đơn trên địa bàn xã
 
Mỗi tháng Trạm Y tế Sơn Bao luôn đón tiếp hơn 300 bệnh nhân. Đây là một trong những trạm có số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh đông nhất huyện miền núi Sơn Hà. Tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ luôn trên 98%. Các chương trình Quốc gia về phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trạm luôn hoàn thành ở tỷ lệ cao.
 
Bà Đinh Thị Hợi- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà nhận định: Cán bộ và nhân viên Trạm Y tế xã Sơn Bao luôn làm rất tốt công tác chuyên môn cũng như không ngừng nâng cao thái độ phục vụ, ứng xử với người bệnh. Để nâng cao chất lượng y tế ở địa phương, Trung tâm cũng cử cán bộ, nhân viên tham gia các khóa đào tạo nhằm nâng cao tay nghề, chăm sóc người dân ngày càng tốt hơn.
 
“Lương y phải như từ mẫu”- Lời dặn dò của Bác Hồ đã thực sự đi vào thực tế cuộc sống mà không dừng lại ở ý nghĩa của một phương châm của ngành y. Ở xã vùng cao Sơn Bao, thước đo cho hiệu quả thực hiện lời di nguyện của Bác đã được cụ thể hóa bằng sự hài lòng, tin tưởng của người dân cũng như số lượt bệnh nhân đến với trạm y tế xã ngày càng đông.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

 


.