Giáo dục phải vì mục tiêu chất lượng

07:10, 22/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Bậc THCS là nền móng cho THPT, điều này người ngoài ngành sư phạm cũng biết. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thì vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.
 
Các môn học gọi là “tích hợp” ở THCS, trong thực tế rất nhiều trường không thể thực hiện được vì thiếu giáo viên giảng dạy, đơn cử như nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, âm nhạc, mỹ thuật ở bậc trung học, ngoại ngữ 2 ở THCS và THPT, tin học ở tiểu học… Cuối cùng, giải pháp ở nhiều trường là phải… ghép môn, trong khi đó giáo viên không đủ trình độ để giảng dạy những môn ghép này một cách có chất lượng.  
 
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Tây Trà (Trà Bồng) trong giờ học. (Ảnh minh họa).              Ảnh: PV
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trung học cơ sở Tây Trà (Trà Bồng) trong giờ học. (Ảnh minh họa). Ảnh: PV
Phải nhìn thẳng vào thực trạng giáo dục phổ thông của chúng ta hiện nay để thấy rằng vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần có giải pháp khắc phục. Trong đó, mục tiêu về chất lượng giáo dục phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đều biết từ bậc THCS, nếu có những kết quả học tập không thực chất, thì khi lên bậc THPT, các em học sinh sẽ khó tiếp thu kiến thức, cũng như khó có thể tiếp tục duy trì việc học vì năng lực không đảm bảo. Thực lực của ngành giáo dục là ở đội ngũ giáo viên, cả số lượng và chất lượng. Nhiều trường thiếu giáo viên, giáo viên không đảm bảo về trình độ để đứng lớp giảng dạy các môn như đã được nhà trường phân công, tất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. 
 
Nếu y tế và giáo dục là hai lĩnh vực chứng tỏ trình độ thực sự của một xã hội an toàn và phát triển, thì không thể chấp nhận trường học lại có những kết quả “đào tạo giả” được. Giả dược thì chết bệnh nhân, còn giả học thì suy yếu nhiều thế hệ.
 
THANH THẢO
 
 

.