Rào cản trong phát triển nông nghiệp

06:07, 12/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vốn đầu tư hạn chế, cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng là những rào cản trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Tháo gỡ những điểm nghẽn này là bài toán khó của ngành nông nghiệp hiện nay.
 
[links()]
 
Định hình cách sản xuất mới
 
Bắt nhịp tiến bộ KHCN, nhiều nông dân đã chủ động tìm tòi, mạnh dạn thay đổi phương thức, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) và đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh gắn với phát triển các sản phẩm lợi thế địa phương. Cùng với nâng cao năng suất, nông dân đã chú trọng đến khâu chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gắn với đáp ứng nhu cầu của thị trường.
 
Ông Trương Quang Tín, ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh), là một trong những nông dân tiên phong ứng dụng KHKT trong chăn nuôi. Năm 2017, khi người chăn nuôi trong tỉnh còn loay hoay chăn nuôi bò giống địa phương, thì ông Tín đã thuộc vanh vách tên, đặc tính phát triển và quy trình chăm sóc các giống bò ngoại như BB, Red Angus, Droughtmaster, Charolais, Rrahman. Ông Tín còn tìm tòi, nghiên cứu lai tạo các giống bò địa phương với bò ngoại, hoặc cách thức sử dụng các chế phẩm vi sinh để lên men thức ăn cho bò từ các nguồn nguyên liệu sẵn có. Điều này vừa giúp ông Tín giảm chi phí đầu tư, vừa nâng cao chất lượng bò thịt và tăng hiệu quả kinh tế. “Trước khi tập trung chăn nuôi bò lai thịt, tôi đã tích lũy kinh nghiệm sau nhiều năm mày mò sản xuất, cũng như lập phương án rõ ràng, chứ không chạy theo phong trào”, ông Tín cho biết.
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, nông dân không chỉ ứng dụng tiến bộ KHKT để hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và tạo ra sản phẩm mới, mà còn tận dụng công nghệ để tham gia các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản gắn với sử dụng phương thức thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử. Qua đó, từng bước định hình cách sản xuất nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả.
 
 
Vẫn còn những “khoảng trống”
 
Nông dân năng động, Nhà nước tạo động lực thông qua các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nhưng vẫn chưa lấp đầy những “khoảng trống” cũng như xóa được các "điểm nghẽn" trong sản xuất nông nghiệp. Đó là thị trường bấp bênh, giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, cơ chế chính sách ưu đãi nhiều nhưng thủ tục rườm rà dẫn đến hạn chế đối tượng tiếp cận và thụ hưởng.
 
Hầu hết lao động làm nông nghiệp là người lớn tuổi.
Hầu hết lao động làm nông nghiệp là người lớn tuổi.
Bà Nguyễn Thị Lo, ở thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) chia sẻ, trước khi sản xuất 1 đối tượng mới, chúng tôi thường được cán bộ xã, hoặc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ giống, hướng dẫn quy trình chăm sóc, trong đó có việc sử dụng phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhưng khi cây trồng, vật nuôi mắc bệnh, cán bộ kỹ thuật cũng không biết bệnh gì, cách phòng trừ như thế nào, nên tôi phải đến cửa hàng vật tư nông nghiệp. Sau khi miêu tả tình trạng, triệu chứng bệnh thì họ đưa thuốc gì, tôi dùng loại đó. Dùng đến khi cây, con hết bệnh thì dừng.
 
Tiến sĩ Võ Màu, chuyên gia công nghệ sinh học (Trung tâm Công nghệ sinh học TP.Hồ Chí Minh) nhìn nhận, trong khi người dân chưa nắm bắt đầy đủ quy trình sử dụng vật tư nông nghiệp sao cho "đúng, trúng, an toàn", thì nhiều cán bộ của ngành nông nghiệp cũng mập mờ về vấn đề này. Trong khi đó, xu hướng thị trường tiêu thụ những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được sản xuất theo quy trình công nghệ cao nên "nói không" với phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, với những rào cản từ vốn, kỹ thuật và trình độ sản xuất nên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nào thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thậm chí thời gian qua, đã có không ít DN, HTX nông nghiệp lao đao vì đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng không thể tổ chức sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng dẫn đến ngừng hoạt động.
 
Ngoài những nguyên nhân liên quan đến năng lực nhà đầu tư, thời tiết, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách và bồi thường giải phóng mặt bằng, thì thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn chính là rào cản khiến DN không mặn mà đầu tư, cũng như không tham gia đầu tư nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Như dự án Ứng dụng công nghệ thông tin thí điểm xây dựng mô hình quản lý, vận hành hệ thống tưới nước tự động trên một phần diện tích tưới của kênh NVC2, thuộc hệ thống kênh chính Nam Thạch Nham, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa). 
 
Qua điện thoại thông minh kết nối Internet, ở bất kỳ đâu nông dân cũng có thể biết và điều chỉnh lượng nước tại ruộng. Phương pháp này cũng có thể áp dụng đối với các cây trồng khác thông qua việc điều chỉnh, thay đổi thông số kỹ thuật bảo đảm phù hợp với đặc tính từng loại. Mô hình này đã mở hướng và giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng KHCN trong tiến trình sản xuất thông minh, tiết kiệm và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phần vì chi phí đầu tư cao, phần do nhân lực không đáp ứng về trình độ nên mô hình cũng chỉ dừng lại ở dạng... thí điểm!
 
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện nay lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ KHKT hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Như tại các HTX nông nghiệp, có trên 60% lao động chưa qua đào tạo, đa số chỉ làm theo thời vụ; đội ngũ quản lý HTX chủ yếu là người lớn tuổi nên việc ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ thông tin còn hạn chế.
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) Nguyễn Văn Hoàng bộc bạch, dù đã nỗ lực nhưng hầu hết thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc đều đã trên 60 tuổi nên ngại thay đổi, khó thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay, lại không nhạy bén trong tìm hiểu và ứng dụng thông tin, công nghệ mới... nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất cũng như quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, dù hoạt động ổn định nhưng HTX Nông nghiệp Tịnh Thọ vẫn chưa xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chưa hướng dẫn xã viên sản xuất theo quy trình VietGAP và sản phẩm cũng chưa đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường.
 
Giải bài toán thiếu nhân lực
 
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển trong tương lai, nhằm tạo ra các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cả về chất lượng và mẫu mã để có thể cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Vì lẽ đó, tạo nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng là thách thức lớn đang đặt ra.
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa, tích tụ ruộng đất, gắn với nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là một trong những giải pháp căn cơ, nhằm khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực này, vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngành nông nghiệp đã và đang tranh thủ các cơ chế, chính sách về cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư.
 
Đối với khu vực kinh tế tập thể, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển HTX nông nghiệp, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ quản lý HTX. Cùng với đó, Sở NN&PTNT cũng tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ trong tuyển dụng, đào tạo, thu hút sinh viên vào học ngành nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, khuyến khích các DN thành lập cơ sở dạy nghề gắn với hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ cao bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 
 

.