Hàng nghìn héc ta cây trồng bị nhiễm sâu bệnh

09:03, 26/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, thời tiết đang thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh sinh sôi, nảy nở gây hại trên lúa và rau màu. Vì vậy, nông dân cần tăng cường thăm đồng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên các loại cây trồng.
 
Cũng như nhiều hộ trồng lúa, bà Huỳnh Thị Kim Hồng, ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) đang lo lắng vì phần lớn diện tích lúa của gia đình trong giai đoạn trổ bông đã bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn. Bà Hồng đã phun thuốc đặc trị, nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được dịch bệnh, nên dự định sẽ tiến hành phun đợt thuốc tiếp theo. “Tới giai đoạn lúa làm đòng, trổ bông, thì gặp thời tiết giao mùa bất lợi. Buổi chiều và đêm có gió mùa Đông Bắc làm cho bệnh đạo ôn, khô vằn, đen hạt xảy ra trên cây lúa. Tôi cùng nhiều hộ nông dân khác phải phun 2 đợt thuốc đặc trị liên tiếp. Hy vọng sẽ nhanh chóng khống chế được các loại sâu bệnh gây hại trên lúa, chứ không vụ này, nông dân sẽ thất thu”, bà Hồng nói.
 
Nhiều diện tích ớt đến kỳ thu hoạch ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) bị bệnh lở cổ rễ, nông dân phải nhổ bỏ.
Nhiều diện tích ớt đến kỳ thu hoạch ở xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) bị bệnh lở cổ rễ, nông dân phải nhổ bỏ.
Tại các vùng chuyên canh rau ở các xã Tịnh An, Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi), người trồng rau cũng đang rất lo lắng khi nhiều loại rau ăn lá, bắp, ớt... xuất hiện các bệnh lở cổ rễ, sâu xanh, sâu đục thân, rầy, bọ trĩ gây hại. Ông Nguyễn Hùng, ở xã Tịnh An cho biết, vụ này, gia đình tôi trồng 2 sào ớt chỉ thiên. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, hơn nửa sào ớt của gia đình bị héo, rồi chết rũ. Lo lắng dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan, tôi đã phải nhổ bỏ những cây bị bệnh và tiến hành phun thuốc trị sâu, nấm cho diện tích ớt còn lại.   
 
Theo thống kê, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng hơn 38 nghìn héc ta lúa và khoảng 30 nghìn héc ta rau màu các loại. Trong đó, có hơn 1.800ha bị chuột cắn phá, hơn 1.500ha lúa bị bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, rầy nâu, đen lép hạt, gần 100ha dưa hấu, ớt, bắp, đậu phụng bị bệnh lở cổ rễ, héo xanh, sâu cuốn lá và hơn 6.600ha mì bị khảm lá do vi rút. 
 
“Để hạn chế sâu bệnh gây hại trên cây trồng, nông dân cần tăng cường thăm đồng, kiểm tra ruộng lúa, ruộng rau màu để phát hiện bệnh sớm và tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời. Khi sử dụng các thuốc đặc trị cần làm theo hướng dẫn, sử dụng đúng nồng độ, liều lượng của từng loại thuốc và nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều tối, để đạt hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao nhất. Lưu ý không pha thêm phân bón, thuốc dưỡng cây vào phun chung với các loại thuốc đặc trị, làm giảm tác dụng tiêu diệt sâu bệnh. Đối với chuột cắn phá, nông dân nên phát quang bụi rậm, đặt bẫy thủ công và bã diệt chuột sinh học ở trước hang chuột, để ngăn sự sinh sản và gây hại của chuột trên đồng ruộng”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá khuyến cáo.
 
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
 
 
 

.