Loay hoay tìm sản phẩm đặc trưng

04:04, 27/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Do thị trường không ổn định, giá cả và năng suất bấp bênh, nên nhiều sản phẩm được chọn thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gặp khó khăn, khiến nhiều địa phương phải loay hoay tìm sản phẩm khác để thay thế.
Không bền vững
 
Thấy cây tiêu cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng và đưa sản phẩm tiêu vào đề án OCOP để quảng bá trên thị trường. Những tưởng sản phẩm này sẽ “trụ” vững trên thị trường và là sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhưng mới đây, chính quyền phường lại loay hoay tìm một sản phẩm khác để “thế” vào đề án OCOP đã đăng ký. 
 
Do tiêu rớt giá nên phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) đang loay hoay tìm sản phẩm mới để thay thế cho đề án OCOP.
Do tiêu rớt giá nên phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) đang loay hoay tìm sản phẩm mới để thay thế cho đề án OCOP.
Lý giải điều này, Chủ tịch UBND phường Phổ Vinh Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hơn một năm nay, giá tiêu giảm sâu, nông dân lỗ nặng. Trước tình hình đó, địa phương cũng đưa ra nhiều sản phẩm như cá ong, cá câu... để thay thế, nhưng không được cơ quan chức năng đồng ý, vì những sản phẩm này không mang tính bền vững. Hiện tại, chính quyền đang tìm sản phẩm khác để thực hiện đề án này”.
 
Hiện nay, không chỉ phường Phổ Vinh mà có rất nhiều địa phương khác cũng đang loay hoay tìm sản phẩm phù hợp để thực hiện đề án OCOP. Cụ thể như xã Hành Đức (Nghĩa Hành), được biết đến với làng nghề trồng mai; sản phẩm chổi dừa và mới đây là sản phẩm chén, dĩa... được chế biến từ mo cau. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Hành Đức cũng đang băn khoăn trong việc lựa chọn sản phẩm đưa vào đề án OCOP.
 
"Chổi dừa là sản phẩm truyền thống của địa phương, nhưng chưa có tổ hợp tác để sản xuất, nên sản phẩm mang tính tự phát. Còn nghề trồng mai thì đã được công nhận, nhưng của nhóm hộ, nên không thể mạnh dạn đưa vào sản phẩm của địa phương. Riêng sản phẩm làm từ mo cau thì quá mới mẻ, nên địa phương cũng đang cân nhắc chọn sản phẩm phù hợp với đề án này", Phó Chủ tịch UBND xã Hành Đức Nguyễn Sĩ Hải bày tỏ.
 
Nhiều sản phẩm "đụng hàng"
 
Để giải quyết và thực hiện đề án OCOP đề ra, không ít địa phương thực hiện bằng cách chọn các sản phẩm đại trà, an toàn. Với lợi thế là vùng chuyên canh trồng đậu phụng và năng suất hằng năm đạt cao, các xã Tịnh Trà, Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) đã chọn dầu phụng làm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đây là sản phẩm không mấy đặc biệt và cũng phụ thuộc rất nhiều vào giá cả, thị trường. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Trần Văn Trường, hiện nay, thị trường tiêu thụ dầu phụng rất tốt, giá một lít dầu trên dưới 100 nghìn đồng, nên người dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, khó khăn là người dân sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm".
 
Trước tình trạng các sản phẩm như dưa hấu, ớt gặp khó khăn về đầu ra, lãnh đạo xã Bình Minh (Bình Sơn) đã chọn cây chè để làm sản phẩm cho đề án OCOP. Đây được xem là sản phẩm phù hợp nhất của xã này. Tuy nhiên, để đăng ký nhãn hiệu thì việc “đụng hàng” với nhiều địa phương khác là điều mà lãnh đạo xã này đang lo lắng.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh Phạm Quang Đức cho rằng: “Đây là cây truyền thống của người dân địa phương, nên chúng tôi muốn đưa vào đề án OCOP. Tuy nhiên, trong tỉnh có rất nhiều vùng chuyên canh và nổi tiếng về sản xuất chè, nên cây chè ở đây sợ không cạnh tranh lại. Do đó, địa phương cũng chưa chọn được sản phẩm phù hợp”.
 
Bài, ảnh: MẠNH KHOA
 
 
 

.