Đừng quên những sản phẩm OCOP

10:03, 26/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), một cách tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp ở cấp xã được tiếp thu từ Nhật Bản, không phải là một phong trào rầm rộ, nhưng đã có sức thu hút lớn với người tiêu dùng.
Những sản phẩm địa phương là những đặc sản hoặc là những sản phẩm mới được nhân dân sáng tạo, nó mang dấu ấn những vùng quê khác nhau trong nước, được người dân địa phương chế biến và thưởng thức, sau đó được quảng bá ra ngoài ranh giới địa phương và được tiếp nhận rộng rãi bởi người tiêu dùng ở vùng miền và cả trong nước, thậm chí được bán ra nước ngoài. Những sản phẩm ấy rất mộc mạc, được chế biến từ những sản phẩm nông nghiệp hay ngư nghiệp, được làm từ những nguyên liệu mà ai cũng quen thuộc, nhưng khi ra thành phẩm lại mang một hương vị, một giá trị rất riêng. 
 
Sản phẩm cá bống sông Trà.                                                                     Ảnh: Internet
Sản phẩm cá bống sông Trà. Ảnh: Internet
Chẳng hạn như sản phẩm bún ngô khô của huyện Đình Lập (Lạng Sơn), bây giờ đã nổi tiếng trong nước, được những siêu thị lớn ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn và đã bán ra nước ngoài thông qua những người đã biết tiếng sản phẩm này. Ngô (bắp), một sản phẩm nông nghiệp quá quen thuộc với người dân trong cả nước, vì sao lại thành món... bún ngô được cả người Hàn Quốc, Nhật Bản ưa chuộng?
 
Bắt đầu từ chuyến thăm Lạng Sơn của Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tháng 3 năm 2019, các nhà báo quốc tế đã lần đầu được thưởng thức món bún ngô Đình Lập và họ đã mê ngay món ăn dân dã mà độc đáo này. Bún ngô làm từ ngô, cũng như bún gạo làm từ gạo, nhưng bún ngô lại có hương vị đặc biệt hơn, và độ kết dính cũng cao hơn khi được đun nấu trong nồi lẩu, không bị nát. Bún khô lại là sản phẩm có thể bảo quản lâu, có thể di chuyển tới những nơi xa, vì thế, một khi nó đã được biết tiếng, lập tức độ lan truyền của nó sẽ rộng rãi.
 
Sản phẩm OCOP đều bắt đầu khá giản dị như vậy, nhưng nó lại yêu cầu phải có nét độc đáo và nhất là, được truyền thông rộng rãi sau khi được kiểm định và chấp nhận. Chính các nhà báo cả trong nước và quốc tế, khi tới Lạng Sơn theo đoàn khách của Chủ tịch Kim Jong-un năm ngoái, bất ngờ phát hiện món bún ngô khô và... khen nức nở, lập tức món bún ngô này nổi tiếng. Vai trò của truyền thông trong việc quảng bá những sản phẩm OCOP, vì thế, rất quan trọng.
 
Nhưng đầu tiên, những sản phẩm này phải tự khẳng định được giá trị của mình, phải có độ lan tỏa tự thân, thì khi được quảng bá bởi truyền thông, nó sẽ  nhanh chóng được người tiêu dùng rộng rãi mến mộ và đón nhận.
 
Quảng Ngãi từ xưa đã nổi tiếng với món cá bống sông Trà kho tiêu. Trong nhiều năm nay, món cá bống đặc sản này đã được bán khá rộng rãi và nó là một trong những sản phẩm làm cho Quảng Ngãi nổi tiếng trong nước và cả ở nước ngoài. Nhưng cá bống sông Trà đang dần cạn kiệt và người ta đã phải thay nó bằng một loại cá “được gọi là cá bống”, nhưng không phải cá bống đích thực như đã có ở sông Trà.
 
Nếu bây giờ  mỗi xã ở Quảng Ngãi đều có được một sản phẩm thôi, một sản phẩm được tiêu thụ trong tỉnh và nếu được những tỉnh, thành trong nước biết đến, thì với 148 xã trên toàn tỉnh, chúng ta có thể có 148 sản phẩm OCOP. Con số này rất lớn, nhưng nếu chúng ta có ý thức và kỳ công xây dựng, con số sản phẩm ấy hoàn toàn có thể có được.
 
Cho dù chỉ có 100 sản phẩm thôi, thì Quảng Ngãi cũng sẽ nổi tiếng trong toàn quốc. Ai chẳng mong điều đó, phải không?
 
 THANH THẢO
 
 
 

.