Phát triển công nghiệp và đô thị- Những điểm nhấn

12:10, 21/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển công nghiệp và đô thị được xác định là 2 trong 3 nhiệm vụ đột phá của tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015. Theo đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp; tranh thủ mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật để phát triển đô thị. Với quyết tâm chính trị trong thực hiện định hướng này, 5 năm qua Quảng Ngãi đã tập trung nguồn lực vật chất và tinh thần đầu tư phát triển công nghiệp và đô thị, qua đó đạt được những kết quả quan trọng.

TIN LIÊN QUAN

Đây là những tiền đề để Quảng Ngãi phát triển trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, đồng thời phát triển đô thị hòa nhịp với sự đi lên của chuỗi đô thị vùng duyên hải Trung bộ.

Công nghiệp: Động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh

Nếu như năm 2010, tỷ trọng công nghiệp của Quảng Ngãi chiếm 46%, thì đến năm 2015 công nghiệp đã chiếm 62% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP). Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 22.234 tỷ đồng, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2010. Theo đà phát triển của kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 đạt gần 128.200 tỷ đồng, với mức tăng bình quân gần 17%/năm. Riêng năm 2015, ước tổng thu 33.840 tỷ đồng, tăng gần 118% so với năm 2010. Nhờ nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp mà Quảng Ngãi vươn lên tốp đầu các tỉnh, thành phố có nguồn thu ngân sách cao nhất nước.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cắt băng khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tháng 1 năm 2011). 					     	                        Ảnh: H.T
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cắt băng khánh thành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tháng 1 năm 2011). Ảnh: H.T

Đánh dấu bước khởi đầu đột phá của công nghiệp Quảng Ngãi là khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chính thức đi vào hoạt động. Từ khi vận hành thương mại đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 35 triệu tấn sản phẩm, doanh thu gần 700.000 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 120.000 tỷ đồng. Những con số này minh chứng, công trình trọng điểm quốc gia này vừa có ý nghĩa quyết định trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh, vừa là hạt nhân thu hút đầu tư, thúc đẩy Khu Kinh tế Dung Quất phát triển.
 

Tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp
Đến tháng 10.2015, Khu Kinh tế Dung Quất có 122 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 10,6 tỷ USD. Các Khu Công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Phú về cơ bản đã lấp đầy diện tích. Đặc biệt, Khu Công nghiệp – Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư, tạo thêm động lực mới về phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ của tỉnh những năm đến. Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 50 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh Nhà máy lọc dầu, Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, một doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã gặt hái nhiều thành công khi đầu tư sản xuất kinh doanh tại Khu Kinh tế Dung Quất. Sau 6 năm đi vào sản xuất, sản phẩm cơ khí chế tạo có hàm lượng giá trị gia tăng cao của doanh nghiệp FDI này không chỉ cung cấp các thiết bị quan trọng cho những dự án cơ khí trọng điểm của Việt Nam, mà đã có mặt ở gần 30 nước trên thế giới.

Từ sản phẩm xăng dầu, đến nay Quảng Ngãi đã có các sản phẩm mới có hàm lượng giá trị gia tăng cao và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như cơ khí chế tạo, linh kiện điện tử, hạt nhựa polypropylene, may mặc, giày da… Bên cạnh đó, các mặt hàng truyền thống của Quảng Ngãi tiếp tục khẳng định thương hiệu trên thị trường như đường RS, sữa đậu nành Vinasoy, nước khoáng Thạch Bích, bia Dung Quất…

 Với bước đột phá trong phát triển công nghiệp, chỉ trong vòng 10 năm, từ một tỉnh thuần nông, Quảng Ngãi đã xây dựng được nền tảng khá vững chắc để hướng đến sự đột phá trong phát triển công nghiệp giai đoạn 2015 – 2020, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Đô thị nâng tầm với vóc dáng mới

Việc thực hiện nhiệm vụ đột phá về phát triển đô thị trong 5 năm qua, đã đạt được những kết quả bước đầu khá quan trọng. Toàn tỉnh đã huy động khoảng 11.151 tỷ đồng đầu tư xây dựng khu vực đô thị. Nhờ đó, hạ tầng đô thị được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đã tăng từ 14,6% (năm 2010) lên 16,5% (năm 2015). Tuy không đạt chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, nhưng những thành quả đạt được trong phát triển đô thị đã làm cho diện mạo trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ rộng mở, khang trang, hiện đại hơn. Các đô thị đang dần khẳng định vị thế là động lực vùng của tỉnh và khu vực.

Đặc biệt, sau 5 năm nỗ lực xây dựng, đến nay TP. Quảng Ngãi đã được công nhận là đô thị loại II. Sự kiện này là niềm vui lớn của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, từ đây TP. Quảng Ngãi sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói chung phát triển mạnh mẽ hơn.

Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ bờ bắc.         ảnh: T.Long
Thành phố Quảng Ngãi nhìn từ bờ bắc. ảnh: T.Long


Ở cực nam của tỉnh, huyện Đức Phổ sau nhiều năm đầu tư xây dựng, đến nay đã hội đủ điều kiện để thành lập thị xã thuộc tỉnh. Khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ của huyện và  giữ vai trò là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế  - xã hội của Đức Phổ và cả vùng phía nam của tỉnh. Đến thời điểm này, khu vực thị trấn Đức Phổ đạt 82,2/100 điểm, đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Trong khi đó, Khu đô thị mới Vạn Tường được quy hoạch trên 3.800ha bao bọc vịnh Dung Quất. Vạn Tường được xác định là đô thị công nghiệp và là trung tâm dịch vụ, tài chính, thương mại, du lịch vùng đông bắc tỉnh Quảng Ngãi. Trong 5 năm qua, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch như đường Võ Văn Kiệt, các dự án đường Trì Bình - cảng Dung Quất, đường nối Khu Kinh tế Dung Quất 1 - Dung Quất 2, đường Tịnh Phong - Dung Quất II… đã và đang triển khai không chỉ kết nối Vạn Tường với những đô thị vệ tinh, mà còn tạo ra sức hút mới cho các nhà đầu tư đến với đô thị này. Hiện tại, nếu đánh giá trên quy mô diện tích tự nhiên đô thị 650ha thì Vạn Tường có 42/49 chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn của đô thị loại V, với tổng số 78,5/100 điểm.

Được xem là "thủ phủ" ở phía tây của tỉnh, nên phát triển Di Lăng thành đô thị loại V (quy mô đô thị 190ha, dân số khoảng 10.000 người) được xác định trong Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 01 của Huyện ủy Sơn Hà. Để tạo nên hình ảnh Di Lăng hôm nay, 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, huyện Sơn Hà đã đầu tư trên 300 tỷ đồng xây dựng hơn 20 công trình thuộc hạ tầng đô thị như công viên, trường học, chợ, trụ sở làm việc, đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện chiếu sáng… Mỗi một công trình đều có ý nghĩa quan trọng để Di Lăng sớm được công nhận là đô thị loại V, trở thành vùng động lực phía tây của tỉnh.

Ngoài TP. Quảng Ngãi, Đức Phổ, Vạn Tường, Di Lăng, các thị trấn, thị tứ trung tâm huyện lỵ các huyện Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long… đã được tỉnh và các huyện chỉnh trang, đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, góp phần làm cho diện mạo trung tâm các huyện trong tỉnh khang trang, hiện đại; góp sức làm cho kết quả phát triển đô thị trên địa bàn toàn tỉnh tiệm cận hơn với chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

 

THANH TOÀN

 


.