Sách và văn hóa đọc

08:04, 22/04/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hôm nay (21/4) là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Từ năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức hằng năm trong toàn quốc. Đây là dịp để khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; góp phần xây dựng xã hội học tập.
 
[links(right)]
 
Trong những năm qua, sự phát triển của Internet đã cung cấp cho người dùng những kênh thông tin, cách tiếp cận thông tin khác nhau cũng làm ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của nhiều người. Nếu như trước đây, nhiều người đọc sách, báo là chủ yếu, thì ngày nay không khó để bắt gặp hình ảnh cụ già, em nhỏ sử dụng smartphone để đọc, cập nhật tin tức...
 
Tại Quảng Ngãi, thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân đã có những cách làm sáng tạo trong việc quảng bá hình ảnh, giới thiệu sách, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng. Đó là tổ chức trưng bày sách; tổ chức tọa đàm về sách; Hội thi Xếp sách nghệ thuật, tuyên truyền giới thiệu sách hay tổ chức cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc"... Song, các hoạt động này vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; sự quan tâm ở các địa phương cũng không đồng đều; đối tượng đọc sách chưa đa dạng... Do vậy, để sách có được chỗ đứng trong lòng bạn đọc và văn hóa đọc được hình thành và ngày càng lan tỏa, thì cần những cách làm mới.
 
Trước hết, các cấp, ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội cần nâng cao trách nhiệm đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực để khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đồng thời, kịp thời tôn vinh giá trị của sách; tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc trong nhân dân.
 
Để tạo nền tảng cho phong trào đọc sách, việc giáo dục văn hóa đọc sách trong nhà trường và từ mỗi gia đình phải được chú trọng. Một khi nhà trường, gia đình khơi dậy niềm đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ, với những định hướng đúng đắn, thì phong trào đọc sách và văn hóa đọc sẽ có “gốc rễ” và bền lâu, từ đó lan tỏa ra cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, để bắt kịp xu thế đọc sách hiện nay, thì song song với việc đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, cung cấp những đầu sách chất lượng, phong phú để thu hút bạn đọc, thì cũng cần xây dựng, phát triển “Thư viện điện tử”, tập trung số hóa tài liệu địa chí địa phương, nhằm phục vụ đa dạng bạn đọc.
 
LINH GIANG
 

.