Lý sự với rượu bia

04:01, 14/01/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghị định 100 của Chính phủ nói về tác hại của việc uống rượu, bia khi lái xe và mức xử phạt đối với người vi phạm được triển khai gần nửa tháng qua, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Ngồi ở đâu cũng nghe bàn tán chung quanh câu chuyện này. Ủng hộ có, băn khoăn về một vài chi tiết trong nghị định chưa được rõ ràng, cụ thể có. Tuy nhiên, đây là một trong những nghị định hợp lòng dân. Việc ban hành quy định cấm đốt pháo dạo nào, hay bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ 10 năm trước cũng vậy.
Nghị định ra đời, tuyền thông ủng hộ bằng việc luôn cập nhật thông tin xử phạt từng ngày, thậm chí từng giờ khiến những ai hay uống bia, rượu rồi điều khiển các phương tiện giao thông cũng phải chờn. Các hàng quán bắt đầu vắng khách. Có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của một số nhà hàng, quán nhậu, cũng có thể ảnh hưởng phần nào đến thu nhập và việc làm của người lao động khi khách nhậu không còn đông đúc như trước, tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta nương nhẹ việc xử phạt.
 
Không một đất nước văn minh nào mà giàu lên nhờ kinh doanh bia, rượu cả. Các quán nhậu, nhà hàng cũng không nên quyết chí làm giàu bằng việc bán bia, rượu cho người điều khiển phương tiện giao thông.
 
Cần phải nói rõ điều này: Nghị định 100 không cấm uống bia, rượu, mà chỉ nghiêm cấm và phạt nặng với người nào uống bia, rượu mà điều khiển phương tiện giao thông. Đừng đánh đồng hai vế của một vấn đề khá nóng sốt này. Anh cứ uống thoải mái, thậm chí có say cũng chẳng ai cấm anh, nếu anh... đi bộ hoặc gọi taxi hay xe grap để về nhà. Thói đời kể cũng lạ, dân nhậu có thể gọi thêm một thùng bia cả mấy trăm ngàn thì không tính toán gì nhưng bỏ ra dăm bảy chục để đi taxi về nhà thì lại... đắn đo.
 
Chính sự đắn đo ấy đã phải trả giá đắt: hoặc là gây tai nạn hoặc là bị phạt nặng. Bây giờ, dân nhậu cũng nên tập dần thói quen nên đi xe ôm hoặc taxi sau khi đã sử dụng rượu, bia. Thói quen luôn được xác lập bằng kỷ luật. Cứ phạt thật nặng vào là dân ăn nhậu sẽ có thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Các nước văn minh trên thế giới sở dĩ họ có thói quen đó là vì họ đã từng bị phạt nặng.
 
Một băn khoăn nữa mà trên các mạng xã hội có đề cập đến là máy đo nồng độ cồn có thể “báo nhầm” cả những người uống xi rô hoặc trái cây lên men. Chuyện này là thực tế, nhưng chẳng có một anh cảnh sát giao thông nào lại đi phạt người uống xi rô hoặc ăn trái cây lên men cả dẫu cho máy đo độ cồn đã báo là “có”. Còn nếu bị phạt oan, người bị phạt vẫn có thể khiếu nại bằng cách lấy mẫu máu để xét nghiệm cơ mà.
 
Điều cuối cùng mà người dân cũng còn lợn cợn trong suy nghĩ. Đó là, mức phạt nặng như vậy thì rất dễ xảy ra tiêu cực đối với lực lượng cảnh sát giao thông. Vì chỉ cần “cưa đôi” số tiền phạt đối với người vi phạm là “cả hai cùng có lợi”. Lợn cợn này là không thừa, tuy nhiên chúng ta vẫn tin vào sự nghiêm minh của những người thực thi nhiệm vụ.
 
Có thể có một vài chi tiết còn phải tiếp tục bổ sung để hoàn chỉnh, nhưng tuyệt đối không nên lấy đó làm tấm khiên để tiếp tục ăn nhậu rồi chạy xe bạt mạng gây tai nạn trên đường.
 
TRẦN ĐĂNG
 

.