Còn đó những nỗi lo

17:41, 23/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuy đã nỗ lực khắc phục hậu quả do những đợt mưa lớn gây ra, nhưng trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện vẫn còn nhiều điểm sạt lở núi và đất, hàng loạt tuyến đường bị hư hỏng đứt gãy gây ách tắc giao thông, cô lập một số khu dân cư khiến người dân lo lắng.

Sau đợt mưa lớn từ ngày 13 -15/11, tuyến đường Trung tâm Y tế huyện đi thôn Gò Lã, xã Sơn Dung đã được chính quyền địa phương và người dân tổ chức thu gom, vận chuyển đất đá và bê tông vỡ. Tuy nhiên, mặt đường bị đứt gãy tạo thành những hố sâu kéo dài hàng trăm mét, nên hiện nay, người và phương tiện không thể lưu thông qua tuyến đường này.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dung Đinh Văn Đùng cho biết, đường từ Trung tâm Y tế huyện vào thôn Gò Lã là tuyến đường duy nhất. Đường gãy, hơn 100 hộ/400 nhân khẩu sinh sống ở thôn Gò Lã bị cô lập. Tuyến đường này đã bị xói lở, đứt gãy từ mùa mưa năm 2021 nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nên mức độ hư hỏng ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển, buôn bán nông sản - chủ yếu là trái cau của người dân thôn Gò Lã, nơi có hơn 500ha cau.

Tuyến đường từ Trung tâm Y tế huyện đi Gò Lã, xã Sơn Dung (Sơn Tây) có nhiều điểm bị sạt lở, gây cô lập hơn 100 hộ dân ở thôn Gò Lã.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Sơn Tây còn có một số tuyến đường, như: Đường từ nhà ông Ghen đến Nước Mốc (Sơn Tân), đường nội vùng thôn Nước Vương - Sơn Liên (đi khu dân cư Mang Lay), đường đến khu sản xuất lòng hồ thủy điện Đăkđrinh ở thôn Đăk Lang (Sơn Dung)... bị hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhiều điểm sạt lở núi tại các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Bua, Sơn Màu thì chỉ được thu dọn đất đá, cây cối, chứ chưa có biện pháp khắc phục kiên cố, nên đe dọa trực tiếp đến tính mạng và nhà ở của 40 hộ/157 nhân khẩu và hàng trăm hộ lân cận. Bà Đinh Thị Dép, ở khu dân cư Đăk Dép (Sơn Màu) cho biết, trên núi có nhiều vết nứt, cộng với mưa lớn khiến đất, đá theo nước trôi xuống nhà dân. Vậy nên có mưa là người dân phải đóng cửa, dắt trâu bò đến gửi và ở nhờ nhà người thân, hoặc nhà văn hóa thôn, xã.

Theo báo cáo của UBND huyện Sơn Tây, những đợt mưa lớn vừa qua đã gây hư hỏng nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt và giao thông, trong đó có 4 tuyến đường bị sạt lở, nền đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân. Tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra gần 20 tỷ đồng. Dù chính quyền và người dân đã nỗ lực khắc phục nhanh các tuyến giao thông bị sạt lở, hư hỏng; đồng thời sửa chữa, gia cố công trình, khôi phục hoạt động sinh hoạt và sản xuất, nhưng trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện có 77 điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... ảnh hưởng đến 566 hộ/2.174 khẩu.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết, với những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, huyện huy động các lực lượng tuyên truyền, hỗ trợ di dời dân chủ động đến khu vực an toàn trước khi xảy ra mưa lũ và chuẩn bị lương thực, thực phẩm đủ ăn từ 7 - 10 ngày. Nhưng về lâu dài, cần có giải pháp ổn định cuộc sống gắn với tạo sinh kế cho người dân vùng ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở núi. Huyện kiến nghị tỉnh trước mắt quan tâm đầu tư khắc phục khẩn cấp tuyến đường Trung tâm Y tế huyện đi thôn Gò Lã và xây dựng điểm định canh định cư tập trung đồi Ngọc Đi Bô, thôn Hà Lên (Sơn Màu), để di dời 19 hộ/79 nhân khẩu đang sinh sống tại khu dân cư Đăk Dép đến nơi an toàn.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:41, 23/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.