Bác Hồ với miền Nam qua một bức thư 

17:17, 19/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong chuyến tham quan Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở tỉnh Tây Ninh mới đây, chúng tôi được nghe giới thiệu về bút tích và hoàn cảnh ra đời bức thư viết tay của Bác Hồ gửi Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, đề ngày 10/3/1968. Nội dung bức thư trao đổi về kế hoạch đưa đón Bác Hồ vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt với đồng bào miền Nam.  Bác Hồ đã báo cáo Bộ Chính trị chuẩn bị kế hoạch để Người vào thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Nhưng vì tuổi cao, sức yếu và chiến sự ác liệt ở miền Nam lúc bấy giờ đã không cho phép Bác Hồ được toại nguyện mong mỏi một lần vào thăm miền Nam.

Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.            Ảnh: Xuân Thiên
Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.            Ảnh: Xuân Thiên

Trong bức thư Bác Hồ gửi Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đề ngày 10/3/1968, với văn phong giản dị, Bác không chỉ bàn về việc sắp xếp cho Bác vào Nam, mà còn thể hiện mong mỏi, khát khao và tình cảm vô bờ bến mà Bác dành cho miền Nam. Bác viết: "Chú Duẩn thân mến. Nhớ lại mùa nô-en năm ngoái, Chú có ý khuyên B (Bác) đi thăm miền Nam sau ngày ta thắng lợi hoàn toàn. B rất tán thành. Nhưng nay, chỉ đổi chữ "sau" thành chữ "trước" ngày thắng lợi hoàn toàn, tức là đi thăm khi anh em trỏng (trong ấy) đang chuẩn bị mở màn thứ 3. Đi thăm đúng lúc đó mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em".

Bác nói rõ trong thư về lịch trình vào Nam: "Cách đi, B sẽ làm công trên 1 chiếc tàu thủy. Cùng đi sẽ có hai chú Bảo và Kỳ. Chuyện này B tự thu xếp, dễ thôi. Lúc đến, anh em trỏng chỉ phụ trách đón khi tàu cập bến Miên và đưa B đến nhà anh Sáu, anh Bảy". Bác cũng thông tin lịch trình đi thăm ở miền Nam: "Cần mười ngày để chuẩn bị. Vượt biển độ 6 ngày. Từ bến tàu đến địa điểm chừng dăm hôm".

Bản chụp bức thư Bác Hồ gửi Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, trưng bày tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).   Ảnh: Xuân Thiên
Bản chụp bức thư Bác Hồ gửi Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, trưng bày tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh).   Ảnh: Xuân Thiên

Lúc bấy giờ, thời điểm bức thư được gửi cho đồng chí Lê Duẩn là đầu năm 1968, khi toàn miền Nam vừa thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, chiến trường miền Nam vô cùng ác liệt. Điều quan trọng hơn là sức khỏe của Bác lúc này đã yếu do tuổi cao. Nếu sắp xếp đưa Bác vào thăm miền Nam trong hoàn cảnh ấy là vô cùng nguy hiểm.

Như để thuyết phục Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đồng ý sắp xếp cho Bác vào Nam, Bác đã thể hiện niềm lạc quan, yêu đời vì tình cảm đặc biệt của mình với đồng bào miền Nam. Bác viết trong thư: "Có lẽ Chú và đồng chí khác e rằng sức khỏe của B không cho phép B đi chơi xa. Nhưng, thay đổi không khí, hô hấp gió biển và sinh hoạt với quần chúng trong hoàn cảnh chiến đấu sẽ giúp sức khỏe tiến bộ mau hơn".

Qua bức thư Tuyệt mật thể hiện mong muốn của Bác được vào thăm miền Nam gửi đồng chí Lê Duẩn, đã nói lên tấm lòng của Bác đối với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam trong những năm tháng khó khăn, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bác không chờ đến ngày thắng lợi hoàn toàn mới vào thăm miền Nam theo đề nghị của đồng chí Lê Duẩn, mà theo Bác là phải thăm lúc "anh em trỏng chuẩn bị mở màn thứ 3", tức là giai đoạn tiếp theo của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bác quyết tâm đi trong lúc cuộc chiến vô cùng ác liệt, "mới có tác dụng khuyến khích thêm anh em".

Nhưng tiếc thay, trong thời gian chờ Trung ương Đảng bàn bạc, thì sức khỏe Bác đã yếu dần. Và rồi, mong mỏi của Người trước lúc đi xa đã không thành hiện thực. Lúc Bác đi xa, đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn kêu gọi toàn quân, toàn dân ta "biến đau thương thành hành động". Bằng tất cả sự tiếc thương ngày Bác đi xa, cả nước đồng lòng thực hiện tâm nguyện của Người là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Khúc ca khải hoàn ngày 30/4/1975, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà là công lao của cả dân tộc báo đáp dâng lên Người.

XUÂN THIÊN


TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.