Khởi nghiệp với nấm bào ngư xám

08:28, 29/01/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 2 năm nay, sản phẩm nấm bào ngư xám của chị Nguyễn Thị Hoàng Thơ, ở thôn Tình Phú Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành), được nhiều khách hàng ưa chuộng. Mô hình khởi nghiệp của chị Thơ bước đầu mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Thơ thu hoạch nấm bào ngư xám.
Chị Nguyễn Thị Hoàng Thơ thu hoạch nấm bào ngư xám.

Trước khi khởi nghiệp với nghề trồng nấm, chị Thơ từng gắn bó với công việc văn phòng. Ngã rẽ bắt đầu khi chị được một người thân tặng vợ chồng chị tập sách về các loại nấm. Nhờ đọc cuốn sách này mà chị thấy nấm rất giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe lại được sản xuất “sạch” nên chị rất tâm huyết, bắt đầu tìm hiểu và tập tành làm theo.

Năm 2019, vợ chồng chị Thơ đầu tư nhà trồng nấm tại nhà và chọn nấm bào ngư là sản phẩm khởi nghiệp. Chị Thơ chia sẻ, khởi nghiệp là quá trình khó khăn đòi hỏi phải kiên nhẫn tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và chịu khó. Dù không ít lần thất bại, nhưng tôi vẫn kiên trì, học hỏi, tìm ra nguyên nhân vì sao năng suất nấm chưa cao.

Cứ thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thành quả vợ chồng chị gặt hái được là những cây nấm chất lượng. Năm 2022, vợ chồng chị Thơ quyết định đầu tư 2 tỷ đồng mở trại nấm với diện tích hơn 1.000m2, chia làm 6 nhà trồng, tổng cộng 30 nghìn phôi nấm. Mỗi phôi nấm cho thu hoạch từ 6 - 8 lần.

Chị Thơ cho biết, để đảm bảo chất lượng phôi, hai vợ chồng tự làm và kiểm tra tất cả các khâu sản xuất. Đầu tiên là chọn mùn cưa, sau đó trộn men, ủ phôi, vào meo, lên giàn nấm. Ngoài ra, lò hấp phải được khử trùng với nhiệt độ 1000C, khu vực cấy mô đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Riêng khu vực ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại nấm luôn giữ ở mức 25 - 300C.

Chị Thơ chia sẻ, để trồng nấm đạt năng suất, chất lượng, người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật. Đến nay, dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, năng suất nấm thu hoạch đạt yêu cầu, nhưng vợ chồng chị vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao kỹ thuật làm nấm. Nhờ vậy, sản phẩm nấm nhà chị làm ra được nhiều khách hàng tin dùng vì cây nấm rất chất lượng, tai nấm to, chắc, vị ngọt thơm. Mỗi tháng thu hoạch 2 đợt vào dịp ngày mùng 1 và 15 (âm lịch). Mỗi đợt thu hoạch từ 500 - 700kg nấm.

Ngoài bán lẻ cho khách ở địa phương, chị còn bỏ mối tại chợ với mức giá dao động từ 50 - 55 nghìn đồng/kg, tùy thời điểm. Các bịch phôi sau khi đã thu hoạch hết nấm, được bán lại để dùng trồng nấm rơm. Nhờ vậy, mô hình nông nghiệp của chị Thơ rất thân thiện với môi trường.

“Nấm bào ngư xám thường bị bệnh mốc xanh, bệnh này dễ lây nhiễm, nếu phát hiện bệnh, bịch phôi ấy sẽ phải bỏ. Do đó, sau mỗi lần thu hoạch nấm, tôi phải diệt khuẩn, rửa nền và phơi nền để đảm bảo an toàn cho các lần sản xuất sau”, chị Thơ cho hay.

Trại nấm của chị Thơ đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động ở địa phương, với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, chị Thơ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình trồng nấm, trồng thêm nhiều loại nấm khác và mở rộng quy mô sản xuất phôi nấm bào ngư xám để cung cấp cho các trại nấm trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật làm nấm cho các hộ dân có nhu cầu, để cùng nhau phát triển kinh tế, tạo được nguồn nấm sạch cung ứng cho thị trường.

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh Nguyễn Thị Nhật Lệ cho biết, để tiếp sức cho chị Thơ, thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với ngành chức năng ở huyện, tỉnh đăng ký sản phẩm OCOP cho sản phẩm nấm bào ngư xám; đồng thời tạo điều kiện, kết nối về nguồn vốn để chị Thơ mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Bài, ảnh: TRUNG ÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:28, 29/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.