Quyết tâm thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách

10:26, 24/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu nhiệm kỳ (2020 - 2025) đến nay, công tác tài chính, ngân sách của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, vừa xử lý hụt thu, vừa tập trung điều hành cân đối thu - chi đảm bảo quy định. Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện đạt và vượt các mục tiêu tài chính, ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.

Xử lý dứt điểm tình trạng hụt thu

Tổng số hụt thu ngân sách địa phương trong 2 năm 2019 và 2020 là 6.048 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2019 hụt thu 2.681 tỷ đồng, năm 2020 hụt thu 3.367 tỷ đồng. Do đó, ngay khi bắt đầu thực hiện công tác tài chính, ngân sách giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã tập trung xử lý hụt thu, từng bước cân đối ngân sách, đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh cắt giảm, hoãn một số nhiệm vụ chi đầu tư, chi thường xuyên chưa thật sự cần thiết và sử dụng tất cả các nguồn lực của địa phương để xử lý hụt thu. Đồng thời, tập trung tăng thu ngân sách bằng nhiều giải pháp hiệu quả.

Nhiều công trình hạ tầng có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ ngân sách nhà nước.Trong ảnh: Phương tiện, nhân lực đang thi công cầu Trà Khúc 3. Ảnh: T.Nhị
Nhiều công trình hạ tầng có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ ngân sách nhà nước.Trong ảnh: Phương tiện, nhân lực đang thi công cầu Trà Khúc 3. Ảnh: T.Nhị

Tổng số tăng thu ngân sách địa phương trong 2 năm 2021 và 2022 gần 11 nghìn tỷ đồng (năm 2021 tăng thu 3.441 tỷ đồng, năm 2022 tăng thu 7.519 tỷ đồng). Nhờ đó, Sở Tài chính đã tham mưu giải pháp xử lý hụt thu. Cụ thể, trích tạo nguồn cải cách tiền lương 7.667 tỷ đồng; bù hụt thu cân đối ngân sách tỉnh năm 2020 là 361 tỷ đồng; bù hụt thu tiền sử dụng đất năm 2022 là 1.150 tỷ đồng. Phần còn lại 1.782 tỷ đồng bổ sung thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định, như bổ sung quỹ dự trữ tài chính, trả nợ ngân sách, bổ sung chi đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách.

Tập trung vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần duy trì ổn định nguồn thu ngân sách.    Ảnh: T.NHỊ
Tập trung vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy lọc dầu Dung Quất, góp phần duy trì ổn định nguồn thu ngân sách.    Ảnh: T.NHỊ

Ngoài việc xử lý dứt điểm hụt thu ngân sách, thì "điểm sáng" trong điều hành tài chính, quản lý ngân sách giai đoạn 2021- 2023 là kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Những vi phạm phát hiện qua công tác kiểm toán nhà nước được giảm dần, các kiến nghị kiểm toán tồn tại qua nhiều năm cơ bản được khắc phục.

Thu - chi ngân sách đúng quy định

Theo đánh giá của UBND tỉnh, qua 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, thu NSNN đạt và vượt chỉ tiêu (vượt thu lớn chủ yếu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất). Chi ngân sách thực hiện theo đúng dự toán, kế hoạch, mục đích, định mức chi tiêu và chế độ tài chính hiện hành. Thực hiện tiết kiệm các khoản chi chưa cần thiết; đảm bảo nguồn lực thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội đã ban hành.

Quảng Ngãi xác định ưu tiên chi đầu tư xây dựng các công trình có tính lan tỏa, kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong ảnh: Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong đang được thi công.                                    Ảnh: T.NHỊ
Quảng Ngãi xác định ưu tiên chi đầu tư xây dựng các công trình có tính lan tỏa, kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đường nối cầu Thạch Bích - Tịnh Phong đang được thi công.                                    Ảnh: T.NHỊ

Kế hoạch thu NSNN 5 năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu thu gần 108,8 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện thu NSNN giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt hơn 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% kế hoạch 5 năm. Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 57,5 nghìn tỷ đồng, bằng 73% kế hoạch và chiếm 72,4% tổng thu NSNN.

Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt gần 56,5 nghìn tỷ đồng, bằng 64,2% kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, bằng 42,4% kế hoạch; chi thường xuyên gần 28,2 nghìn tỷ đồng, bằng 61,9% kế hoạch; chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính 24 tỷ đồng, bằng 423,3% kế hoạch; chi thực hiện các chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu ước đạt 6.731 tỷ đồng, bằng 55,8% kế hoạch.

Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao

Dự kiến thu NSNN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 134,74 nghìn tỷ đồng, bằng 123,8% kế hoạch 5 năm. Trong đó, thu nội địa ước đạt 95 nghìn tỷ đồng, bằng 120,6% kế hoạch, với khoản thu lớn nhất đến từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (ước đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng), bằng 170,5% kế hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản thu dự kiến không đạt chỉ tiêu, như thu tiền sử dụng đất ước đạt gần 11,6 nghìn tỷ đồng, bằng 88,1% kế hoạch; thu xổ số kiến thiết ước đạt 513 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch; các khoản còn lại ước đạt hơn 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch...

Cán bộ ngành thuế tỉnh rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có biện pháp thu thuế hiệu quả.    Ảnh: H.HOA
Cán bộ ngành thuế tỉnh rà soát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để có biện pháp thu thuế hiệu quả.    Ảnh: H.HOA

Dự kiến chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên 99,12 nghìn tỷ đồng, bằng 112,6% kế hoạch 5 năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển dự kiến hơn 28,3 nghìn tỷ đồng, bằng 97,6% kế hoạch; chi thường xuyên dự kiến chi hơn 50,9 nghìn tỷ đồng, bằng 112% kế hoạch; chi thực hiện các chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu dự kiến chi hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,3% kế hoạch; chi chuyển nguồn dự kiến chi 7.940 tỷ đồng và chi nộp ngân sách cấp trên 1.320 tỷ đồng...

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Luyện: Điều hành ngân sách linh hoạt, bám sát thực tiễn

Nhiệm kỳ trước, hụt thu ngân sách nhưng không cắt giảm chi tiêu tương ứng, phải chuyển nợ đọng qua nhiệm kỳ sau, gây nhiều hệ lụy cho điều hành ngân sách giai đoạn 2021  - 2025. Vì thế, để chủ động điều hành cân đối ngân sách, đặc biệt là chi ngân sách tương ứng nguồn thu, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở KH&ĐT đề xuất cơ cấu lại nguồn chi. Theo đó, bố trí chi cho phù hợp, nguồn nào thu không đạt thì cắt giảm chi ngay. Cụ thể là, nguồn tiền sử dụng đất thu không đạt, thì cắt giảm chi một số dự án được bố trí từ nguồn này. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh ưu tiên chi đầu tư dự án có tính chất động lực, lan tỏa và bố trí nguồn vượt thu hợp lý, đảm bảo thực hiện thu - chi ngân sách mang lại hiệu quả cao nhất.

Theo dự báo, từ nay đến cuối nhiệm kỳ có một số khó khăn đối với thu ngân sách, như năm 2024, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ngừng bảo dưỡng khoảng 50 - 60 ngày và sẽ giảm thu ngân sách. Đồng thời, nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất khả năng không đạt dự toán. Vì thế, sẽ phải cắt giảm chi tương ứng. Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Quảng Ngãi sẽ có một nguồn ngân sách dồi dào, đủ bù đắp số thu bị giảm, đảm bảo kế hoạch chi ngân sách cho đầu tư phát triển theo kế hoạch. 
Phó Cục trưởng 

Cục Thuế tỉnh Võ Hùng: Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách 
 
Thu NSNN mặc dù đạt khá, song dự báo nền kinh tế thế giới nói chung và nước ta nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách. Hiện ngành thuế Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện toàn diện các giải pháp thu ngân sách hiệu quả. Trong đó, tiếp tục triển khai các chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường quản lý thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện đề xuất các giải pháp, kế hoạch nhằm hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất tỉnh giao ở mức cao nhất.

Ngành thuế đang tích cực triển khai hiệu quả các đề án, kế hoạch chống thất thu NSNN, giai đoạn 2021 - 2025 trong các lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản... Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời. Đặc biệt đối với các khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán, tham mưu kịp thời UBND tỉnh trong điều hành thu NSNN, giúp UBND tỉnh chủ động trong điều hành, cân đối NSNN.

Ngoài ra, tập trung theo dõi, quản lý tốt các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử; nỗ lực thu hồi nợ đọng thuế. Mục đích là cùng tỉnh thực hiện công tác tài chính ngân sách đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

 

T.NHỊ - H.HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:26, 24/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.