Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Dấu ấn nửa chặng đường

08:45, 27/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi là tỉnh có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình) trên địa bàn cao gần gấp đôi so với bình quân chung của cả nước. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân

Sau hơn nửa tháng kể từ ngày công trình cấp nước sạch tại thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng) hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân ở tổ 5, 6, 7, 8 của thôn ai nấy đều vui mừng khi đường ống dẫn nước sạch được đấu nối đến tận nhà. Đây là công trình mà người dân nơi đây đã mong chờ từ lâu.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) được đầu tư thêm cơ sở vật chất từ nguồn vốn Chương trình.
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Long (Sơn Tây) được đầu tư thêm cơ sở vật chất từ nguồn vốn Chương trình.

“Nhiều năm qua, để có nước sử dụng, chúng tôi phải nối đường ống dẫn nước từ các suối ở xa về dùng. Nhưng đến các tháng cao điểm nắng nóng, nước suối khô cạn, chúng tôi phải sống trong cảnh thiếu nước triền miên. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này đến các cấp, ngành và đến nay, nguyện vọng này đã được đáp ứng. Nước sạch đã được dẫn về tận nhà để sử dụng, rất tiện lợi”, ông Hồ Văn Nhanh, ở thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm, chia sẻ.

Tại xã Long Môn (Minh Long), dự án Bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Làng Trê cũng đang bước vào giai đoạn “nước rút”. Qua đó, giúp địa phương sắp xếp, đưa dân cư từ các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai về nơi ở mới. Đây là công trình thuộc dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết của Chương trình. Năm 2023, tỉnh đã phân bổ khoảng 52,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để các địa phương Minh Long, Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng... thực hiện các dự án ổn định dân cư, giúp người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế.

Chủ động, quyết liệt thực hiện

Tại Quảng Ngãi, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình, tổng kế hoạch vốn đã giải ngân là 347,3 tỷ đồng, đạt 32,45% kế hoạch vốn giao và cao hơn mức bình quân chung của cả nước (18,54%). Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Chương trình (giai đoạn 2021 - 2023) cao nhất cả nước.

Thông qua Chương trình, 10 công trình cấp nước sinh hoạt đã đến với người dân vùng khó, 33 công trình cấp nước sinh hoạt đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, đạt hơn 70% khối lượng. Cùng với đó, 169 công trình giao thông, 19 công trình thủy lợi, 8 công trình điện, 4 công trình chợ, 14 công trình trường, lớp học... tại các địa phương, chủ yếu là miền núi, được xây dựng, nâng cấp, sửa chữa. Không chỉ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu, Chương trình còn thực hiện nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần liên quan đến sinh kế cho người dân. Trong 2 năm (2022 - 2023), tỉnh phân bổ gần 113 tỷ đồng thực hiện tiểu dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng huyện Trà Bồng được giao gần 23 tỷ đồng triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý...

Một trong 25 bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng).
Một trong 25 bể chứa nước của công trình cấp nước sinh hoạt thôn Trà Lạc, xã Trà Lâm (Trà Bồng).

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn, Chương trình rất đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện, với 10 dự án, 14 tiểu dự án và  các nội dung thành phần. Chương trình triển khai từ cuối năm 2021, nhưng đến giữa năm 2022, sau khi được trung ương bố trí vốn, tỉnh mới có kinh phí thực hiện. Trong khi đó, có một số nội dung lần đầu thực hiện, văn bản hướng dẫn của bộ, ngành trung ương chưa kịp thời, chưa rõ ràng, thiếu sự đồng bộ giữa các văn bản, dẫn đến sự lúng túng trong tổ chức thực hiện. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai, thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh đã đạt một số kết quả nhất định. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 xuống còn 30,27%.

"Thời gian còn lại để hoàn thành giai đoạn I của Chương trình là gần 2,5 năm, với khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cùng chủ động, quyết liệt trong thực hiện, để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân", ông Mẫn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Ý THU

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:45, 27/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.