Chiến thắng Vạn Tường: Bước ngoặt lớn của cách mạng miền Nam

07:04, 18/08/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", để cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa trước nguy cơ sụp đổ, Chính quyền Mỹ đã đưa quân viễn chinh vào tham chiến tại miền Nam Việt Nam, tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Vùng đất Vạn Tường (Bình Sơn) đã trở thành nơi diễn ra trận đánh quy mô lớn đầu tiên giữa quân giải phóng và quân đội viễn chinh Mỹ tại miền Nam, vào ngày 18/8/1965.
 
Khi quân đội Mỹ và đồng minh trực tiếp tham chiến tại miền Nam, hầu như quân và dân ta chưa biết rõ chúng dùng chiến thuật gì, hiệp đồng tác chiến ra sao... Chưa hiểu rõ quân thù thì khó đánh thắng. Và qua trận đánh Vạn Tường, quân và dân ta đã hiểu được chiến thuật của quân viễn chinh Mỹ và ta có thể đánh thắng Mỹ bằng nghệ thuật quân sự của mình.
 
Di tích Chiến thắng Vạn Tường, ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn).
Di tích Chiến thắng Vạn Tường, ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn).
 
Mục tiêu của quân đội Mỹ là "tìm diệt" quân giải phóng với sự yểm trợ của hải, lục, không quân cùng những khí tài hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ. Minh chứng là trong trận đánh Vạn Tường, khi phát hiện một đơn vị chủ lực của ta là Trung đoàn Ba Gia có mặt tại đây, Bộ Tư lệnh lính thủy đánh bộ Mỹ đã huy động hải, lục, không quân hùng hậu tham chiến. Trong đó, có 8.000 quân, 70 máy bay chiến đấu, 150 trực thăng, 6 tàu đổ bộ, 5 pháo hạm và gần 50 khẩu pháo các loại cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép hòng bao vây tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta.
 
Sáng 18/8/1965, sau các đợt pháo kích và ném bom dữ dội, lực lượng lớn quân Mỹ gồm 4 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, 1 tiểu đoàn xe tăng và xe bọc thép, 2 tiểu đoàn pháo 105 ly, 6 tàu đổ bộ và pháo hạm cùng hàng trăm máy bay chiến đấu ồ ạt từ 4 hướng tiến quân vào Vạn Tường với âm mưu tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta trong thời gian ngắn nhất. Để đối phó với hỏa lực khủng khiếp của quân Mỹ, quân ta đã bình tĩnh phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích đánh trả. Với cách đánh tài tình của ta, các mũi tiến công của quân địch đều vấp phải hệ thống bãi mìn, hố chông, vật cản khiến đội hình địch bị dồn ứ và bị bộ đội ta tới đánh hoặc dùng hỏa lực tiêu diệt. Sau 1 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt 919 lính Mỹ, bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay và phá hủy hoàn toàn nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Cuộc hành quân "Ánh sáng sao" của Mỹ tại Vạn Tường thất bại.
 
Từ trận đánh Vạn Tường, toàn miền Nam dấy lên phong trào "Tìm Mỹ mà đánh", "Tìm ngụy mà diệt"; hình thành những vành đai diệt Mỹ như ở Hòa Vang (Đà Nẵng), Chu Lai, Núi Thành (Quảng Nam), Củ Chi (Sài Gòn)...
 
Chiến thắng Vạn Tường để lại những bài học lớn về nghệ thuật quân sự của ta trước sự áp đảo về mọi mặt của khí tài, hỏa lực của quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Tại Di tích Chiến thắng Vạn Tường, ở xóm Lộc Tự Đông, thôn 3, xã Bình Hòa (Bình Sơn), một đoạn chiến hào được phục dựng, cạnh đó là xác chiếc xe tăng M48 của quân đội Mỹ bị quân ta tiêu diệt. Điều này cho thấy sự khác biệt giữa ta và địch như thế nào. Đó là, trước hỏa lực khủng khiếp của địch dội xuống chiến trường, quân và dân ta đã sử dụng chiến hào, gài các bẫy chông, mìn... để vừa tránh được hỏa lực, vừa khiến sự cơ động của quân địch bị xáo trộn. Đặc biệt, với cách đánh "bám thắt lưng địch mà đánh", một "sản phẩm" của Trung đoàn Ba Gia anh hùng đã thực hiện thành công trong trận đánh Ba Gia trước đó 3 tháng, khiến cho hỏa lực địch không phát huy hiệu quả.
 
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn ví chiến thắng Vạn Tường như trận Stalingrad trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô trước quân phát xít. Nó tạo một bước ngoặt chứng minh quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí và hỏa lực so với quân giải phóng.
 
Bài, ảnh: X.THIÊN
 
TIN, BÀI LIÊN QUAN: 
Xuất bản lúc: 07:04, 18/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.