Tết trên đất Bắc

05:02, 15/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau Hiệp định Geneva 1954, theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ, hàng nghìn con em của cán bộ, chiến sĩ cách mạng từ miền Nam đã được đưa ra miền Bắc học tập nhằm đào tạo nguồn cán bộ sau này. Ngày ra Bắc, tất cả họ đều là những cô bé, cậu bé tuổi còn rất nhỏ. 
[links()]
Nhà thơ Lê Chín, quê ở Mộ Đức, hiện sống tại Hà Nội, kể: Trường Học sinh miền Nam (HSMN) được thành lập từ Trại Nhi đồng, dạy đến cấp 1, 2, 3; có trường dành riêng cho HSMN dân tộc thiểu số, trường HSMN Hoa kiều... Những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, một số trường HSMN được đưa sang Quế Lâm (Trung Quốc). 
 
Đặc biệt, năm 1961 có cả học sinh nước ngoài như con của Hoàng thân Xuvanuvông - Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào là Nhotkeo Suvanuvông Nguyễn Kiều Nga và hai bạn da màu Irene và Monique vào học cùng  (con của một anh hùng dân tộc Cameroon). Khi hoạt động cách mạng, ông lo mình sẽ hy sinh, nên đã gửi con cho Hội LHPN Việt Nam giúp đỡ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở trường HSMN, hai bạn được cử sang Cuba học ngành y và cả hai chị em đều là những bác sĩ giỏi, hiện đang sống và làm việc tại Pháp.
 
“Thật bất ngờ, năm 2019 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày HSMN trên đất Bắc và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, tôi đã gặp Monique. Hai chúng tôi ôm nhau thắm thiết như chị em ruột thịt đi xa mới về. Rủ rỉ bên tai tôi là cô bạn không cùng màu da, nhưng tiếng Việt rất chuẩn: “Monique vừa bay từ Pari về. Nhớ các bạn HSMN quá. Làm sao quên được những cái Tết biểu diễn văn nghệ để đón giao thừa rồi được ăn bánh chưng, bánh tét...”. Ksor HNhan - cô bạn HSMN người Êđê cũng đã nhận ra Monique, họ vẫn “chát” với nhau trên mạng. Chúng tôi ôm nhau rất chặt. Một cái ôm mang đầy tình cảm bạn bè, tự hào với thương hiệu HSMN” mà không phải ai cũng có được. Nó đã vượt không gian, thời gian và vượt cả biên giới cách ngăn vạn dặm”, bà Chín bồi hồi nhớ lại.
 
Thế mới biết, Trường HSMN không chỉ có uy tín trong nước mà thế giới cũng biết đến. Đó là cái nôi đào tạo nhân tài, giáo dục nhân cách con người từ tấm bé và trường nội trú quy mô nhất. Những đứa trẻ xa gia đình, nên tinh thần tập thể rất cao, sống hòa đồng, thương yêu nhau như ruột thịt, luôn luôn rèn luyện tu dưỡng, xứng đáng là những “hạt giống đỏ” như Bác Hồ đã nói khi về thăm trường vào năm 1959.
 
Xa nhà từ khi còn là cô bé, cậu bé mười mấy tuổi đầu. Không chỉ một học sinh mà có tới 32.000 học sinh cùng cảnh ngộ, dài đằng đẵng với 21 cái Tết trên đất Bắc. “Nhớ lại, ngày đầu đặt chân lên đất Bắc, đúng vào mùa đông, trời rét căm căm. Là những đứa trẻ hầu hết đi từ vùng có khí hậu nóng ra, không biết chăn bông, áo ấm là gì. Chúng tôi được bố trí ở trong nhà dân, nhưng được ưu tiên ngủ ở chỗ kín gió, ấm nhất; thiếu thì được cô chú chủ nhà lót thêm rơm, lá chuối để nằm. Ngày Tết, vẫn được chuẩn bị đầy đủ bánh chưng và dưa hành, mỗi đứa được phát hai cái bánh chưng xinh xinh. Có đứa không dám ăn, bảo để dành cho má, cho em. Ngày mùng Một Tết chẳng dám đi đâu, nhiều đứa ôm nhau khóc cứ đòi về nhà. Sau này, chúng tôi được đưa vào các trường nội trú, nên việc đón Tết rất bài bản. Trước tiên, mỗi học sinh phải khai tên người thân đã tập kết ra Bắc thật chính xác thì hè, Tết mới được đón về. Khó khăn nhất vẫn là các bạn không có người thân ruột thịt trên đất Bắc. 
 
Nhiều cô chú đồng hương thương các cháu sớm xa vòng tay bố mẹ nên đã đến trường thuyết phục Ban giám hiệu để đón các cháu về ăn Tết cùng. Sau này lớn hơn một chút, nhà trường mạnh dạn cho phép các em, hoặc các cô chú đồng hương đưa về nhà cùng đón Tết. Tất cả đều mừng vui khôn xiết. Trong những cái Tết xa nhà ấy, nhớ nhất là Tết 1969. Được nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn”. Cả khu trường như vỡ tung vì tiếng reo hò. Ai cũng  nghĩ mình sắp được trở về quê hương gặp cha mẹ. Nhưng điều ấy phải chờ đến mùa Xuân 1975 mới trở thành sự thật. Đó là mùa Xuân đoàn tụ đầu tiên sau 21 năm khắc khoải mong chờ”, bà Nguyễn Thị Tuyết Dung, quê ở Sơn Tịnh, đang sống tại Đà Nẵng, hồi tưởng.
 
Những năm tháng sống và học tập trên đất Bắc luôn là quãng thời gian “hào hùng không thể nào quên” và những cái Tết xa nhà vẫn luôn là ký ức tươi đẹp. Dù đã hơn 65 năm nhưng mỗi khi có dịp gặp lại, những mái đầu bạc phơ, những cái ôm siết chặt, những câu chuyện về những ngày sống, chiến đấu, học tập trong lòng miền Bắc vẫn được các thế hệ HSMN kể cho nhau như một niềm tự hào về một thời nhớ mãi.
 
THANH THUẬN
 

.