Ngày đưa ông Táo về trời

03:02, 05/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong tập tục của người Việt mình, hễ đến ngày 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm lễ cúng đưa ông Táo về trời. Ba cục đất sét được nung lên, đặt chụm đầu vào nhau trong bếp, được gọi là “ông”. Ba cục đất ấy luôn luôn có mặt trong mỗi gia đình thời xưa.
[links()]
Nói “thời xưa” cho có vẻ... xưa chứ thực ra cho đến ngày giải phóng miền Nam, nhiều gia đình ở vùng quê miền Trung vẫn còn dùng ông Táo. Trong tập quán của người Việt mình, kể cũng lạ thật, mấy cục đất sét đem nung lên, đặt chung trong một cái bếp, chia đều ba góc, làm chỗ để bắc nồi lên nấu, cũng được gọi là “ông”- ông Táo. Sự kính trọng trong cách gọi ấy, có lẽ người ta dựa vào chức năng của ba cục đất nung này. 
 
Ông Táo luôn gắn với đời sống vật chất và cả tâm linh của người Việt. Đó là nơi mẹ ta lui cui nhóm bếp vào mỗi sớm mai, là nơi cha ta hơ bàn tay buốt giá sau mỗi buổi chiều lạnh cóng từ đồng ruộng về, nơi có tiếng reo “cơm sôi bớt lửa”, nơi chứng kiến bao cảnh vui buồn của mỗi nếp nhà: “No cũng ngày ba bữa, đói cũng đỏ lửa ba lần”.
 
Ông Táo là vật vô tri, nhưng lại chứng kiến và can dự vào tất cả những thăng trầm của mỗi gia đình. Táo như là người ghi nhật ký trung thành nhất về những sự kiện diễn ra trong năm của từng nhà. Bởi thế, vào mỗi dịp cuối năm, đúng ngày hai ba tháng Chạp âm lịch, nhà nào cũng đưa ông Táo về trời bằng một nồi chè và xôi để ông “báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch trong năm”, đồng thời “đề đạt nguyện vọng” của gia chủ với Ngọc Hoàng. Không một gia đình nào thời xưa, dù địa chủ hay bần nông mà dám bỏ qua lễ cúng chè xôi vào dịp cuối năm này. 
Bếp xưa.                                             ẢNH: PHẠM ĐƯƠNG
Bếp xưa. ẢNH: PHẠM ĐƯƠNG
Thuở nhỏ, tôi hay tò mò xem cha tôi cúng “đưa ông Táo” vào rạng sáng 23 tháng Chạp. Đêm trước đó mẹ tôi thường thức thật khuya để cà đỗ xanh và chuẩn bị đường cùng nếp. Gọi “cà đỗ”, chắc lớp trẻ bây giờ không mấy người biết khái niệm này. Đỗ xanh được phơi thật khô, cho vào chiếc vò sành (loại vò này chống ẩm rất tốt, các loại đậu đỗ sau khi phơi khô đổ vào đây có thể giòn quanh năm), đợi đến đêm 22 tháng Chạp là lấy ra “cà”. 
 
Dụng cụ để cà gồm một chiếc bình bằng gốm da sần, to bằng trái dừa, bên trong cũng đựng đầy hạt đỗ, chủ yếu cho nó nặng bình và một chiếc mâm bằng gỗ. Đỗ được đổ vào mâm, dùng tay tỳ đè chiếc bình gốm ấy rồi lăn đi lăn lại cho đến khi các hạt đỗ trong mâm vỡ đôi là được. Khi “cà”, có thể nghe từng hạt đỗ vỡ ra với những âm thanh rất vui tai. Sao không cho vào cối để giã đỗ mà là “cà” đỗ? Mẹ tôi giải thích:
 
“Cà thì hạt đỗ mới vỡ đôi đều được, cảm giác ở bàn tay cùng đôi mắt quan sát cận cảnh cho mình biết được hạt đỗ vỡ đến đâu là vừa, còn giã thì đỗ dễ bị nát, như thế nồi xôi sẽ không ngon. Mà cúng đưa ông Táo, tất tật các nguyên liệu đều phải được “tinh luyện”. Có vậy ông Táo mới phấn chấn báo cáo trung thực với Ngọc Hoàng!”. Cũng là một cách giải thích nhằm thỏa mãn trí tò mò con trẻ của tôi nhưng có điều, nguyên liệu dùng cho nồi chè, nồi xôi đều được các bà mẹ chọn lựa cẩn thận.
 
Gà gáy canh một, coi như ông Táo đã xong công việc cuối cùng của năm là nấu chín nồi chè và xôi. Hai món này được múc ra chén (cho chè) và đĩa (cho xôi). Tôi không nhớ bày lên mâm cúng ấy là mấy chén chè, mấy đĩa xôi, chỉ biết là mình có nhiệm vụ đứng chầu rìa một bên, đợi cha sai vặt, lúc thì lấy nước ngoài giếng đổ vô li làm nước “tráng miệng” trên mâm cúng, khi thì lấy cái bật lửa để đốt nhang. 
 
Tôi cũng không nhớ là cha tôi đã thì thầm những gì khi cúng, nhưng chắc chắn là câu chuyện mùa màng, chuyện no đủ và mong cho làng quê không còn dội bom đạn nữa sẽ không thể thiếu trong những lời thầm thì ấy. Xong lễ đưa ông Táo, tôi có nhiệm vụ bưng bê tất cả xôi chè xuống bàn ăn và cả nhà quây quần bên những đĩa xôi, chén chè ấy. Bây giờ mà bắt ăn chè vào lúc gà gáy thì chắc đưa vàng cũng nuốt không vô, nhưng hồi ấy, chén chè, đĩa xôi cuối năm nó ngon một cách khó cắt nghĩa được. Có lẽ quanh năm đói khát, mấy khi được ăn chè và xôi nên có cảm giác rất lạ, nhất là mẹ tôi lại thêm vào bữa ăn ấy những câu chuyện hoang đường chung quanh ông Táo khiến chén chè, đĩa xôi lúc bấy giờ đậm màu huyền hoặc.
 
Sáng ngày 23 tháng Chạp, những bà mẹ quê đi chợ. Trên đường đi, việc đầu tiên là mang ba ông Táo cũ ấy ra đầu làng, bỏ vào chỗ gốc gáo hoặc gốc ư. Lũ trẻ con rất sợ mỗi khi đi ngang qua những chỗ này. Nhìn những chiếc bình vôi, ông Táo nằm chỏng chơ nơi gốc gáo, trong tôi thường dậy lên cái cảm giác phế hoang, pha niềm xót thương lẫn ghê rợn. Trên đường về, các bà mẹ không quên mua ông Táo mới. Ba cục đất được nặn nắn nót vuông vức, bên trên “đầu” các ông Táo ấy bao giờ cũng có độ cong để khi đặt nồi lên khỏi bị gập ghềnh. Nhà bấy giờ lại có ông Táo mới, mặt ông nào cũng đỏ au màu gạch nung. Lại bắt đầu của một năm để tiếp tục chứng kiến những vui buồn của gia chủ.
 
Sau thời ông Táo bằng đất sét, người ta chuyển sang bằng kiềng sắt. Những bà mẹ quê không còn làm cái việc là mang ông Táo ra gốc gáo đầu làng nữa nhưng lệ cúng ngày 23 tháng Chạp thì vẫn duy trì. Sau giai đoạn kiềng sắt là đến lượt bếp gas và điện. Lệ cúng “đưa ông Táo” được những gia đình giàu có bây giờ làm rất rình rang. Họ mua cả ô tô, nhà lầu để “hóa kiếp” trong lễ cúng. Tiếng tanh tách của những hạt đỗ vỡ ra trên mâm gỗ ngày nào, giờ không còn nghe nữa. Những nồi chè, đĩa xôi thuở ấy, giờ cũng chỉ còn thơm lừng trong ký ức. Những gốc gáo, cây ư-bến đỗ cho những phế phẩm đất nung nơi đầu làng giờ cũng chỉ còn nghe qua lời kể của lớp người già.
 
Dẫu vẫn biết thời gian đã làm đổi thay nhiều thứ, trong đó có việc tiễn ba ông Táo đất nung vào quá vãng, nhưng sao lòng tôi lại cứ thương hoài mỗi đêm 23 giá rét của tháng Chạp từng năm. Những chiếc bếp gas hiện đại bây giờ đã không còn cựa quậy mỗi dịp cúng đưa ông Táo về trời nữa. Tôi đã viết những câu thơ trong niềm hoài cổ và chợt nghe lòng mình thổn thức khôn nguôi:“Hôm nay là ngày hăm ba tháng Chạp/ Làm gì còn ông Táo để mà đưa lên trời/ Câm nín chiếc bếp gas xó bếp!”.
 
PHẠM ĐƯƠNG
 
 
 

.