Bão tan tàu lại rẽ sóng vươn khơi...

05:11, 06/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chúng tôi có dịp trở lại làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), nơi cách đây hơn 3 thập kỷ,  làng chài rơi vào cảnh tang thương sau trận lốc xoáy trên biển gây thiệt hại lớn về người và tàu thuyền. Mạnh mẽ, kiên cường, người dân ở làng chài Mỹ Tân vượt qua sóng gió cuộc đời và muôn trùng sóng nước, để những con tàu lại rẽ sóng vươn khơi. 
 
[links()]
 
Làng chài Mỹ Tân hôm nay, đường sá được bê tông sạch đẹp, cùng những ngôi nhà cao tầng, kiên cố được xây san sát. Những đứa trẻ mất cha trong cơn lốc năm 1991 đã trưởng thành, họ lại nối nghiệp cha ông, viết tiếp câu chuyện tình yêu với biển cả quê hương. 
 
Những ngày dài ở làng biển...
 
Ngồi ở hiên nhà đan lưới kéo cá, bà Nguyễn Thị Lắm (65 tuổi) khẽ ngâm “Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm...”.
 
Vừa luôn tay đan lưới, bà Lắm vừa nhớ lại chuyện hồi trẻ khi chồng bà còn sống. Sau mỗi chuyến biển, chồng bà trở về, gia đình đoàn tụ vui vầy. Chồng bà Lắm đi biển lúc 15 tuổi. Thời đó, chưa có tàu công suất lớn, hiện đại như bây giờ, ngư dân làng biển Mỹ Tân đi về trong ngày, rạng sáng ra khơi đến giữa trưa vào bờ. Rồi đến cái ngày định mệnh vào năm 1991, vẫn như thường lệ, ngư dân làng chài Mỹ Tân lại chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến ra khơi. Khoảng 4 giờ sáng, trời đổ cơn mưa lớn, gió quần quật. Nằm trong nhà nghe mưa to gió lớn, ai cũng thấp thỏm, lo âu. 
 
Những chiếc tàu ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Những chiếc tàu ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).
Trời chưa sáng, chị em phụ nữ làng biển đã vội kéo nhau ra bến cảng đợi chồng. Những gương mặt bơ phờ hướng mắt ra biển, ai cũng cầu mong mọi sự bình an. Đêm hôm trước tàu vươn khơi thì nhiều mà đến ngày hôm sau tàu vào bờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngư dân làng chài đều lão luyện, kinh nghiệm đầy mình, nhưng cơn lốc đến quá nhanh, ngư dân trở tay không kịp, nhiều người đã nằm lại nơi biển cả mênh mông. “Chưa ngày nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ. Ngày nào tôi cũng ngồi ở bờ ngóng tin tức của chồng. Cứ thấy thuyền nhấp nhô vào bờ, tôi đều cho mình chút hy vọng trên thuyền đó sẽ có chồng tôi. Nhưng thời gian trôi qua, bao nhiêu cơn sóng vỗ bờ, vậy mà chồng tôi vẫn không về để đoàn tụ cùng mẹ con tôi cả. Khi đó, ông ấy chỉ 34 tuổi”, bà Lắm ngậm ngùi kể.
 
“Đối với mỗi ngư dân "tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Thế nên, chúng tôi vươn khơi không chỉ để mưu sinh, mà còn để thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
 
Ngư dân TRẦN VĂN BÀN, ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn)

Ở cùng thôn với bà Lắm, bà Phạm Thị Văn (60 tuổi) may mắn hơn khi chồng bà thoát nạn trong cơn lốc lịch sử năm ấy. Nhớ lại những ngày dài năm 1991, bà Văn vẫn không sao quên được cảm giác thấp thỏm, lo lắng, ngóng trông. Chiếc thuyền có chồng bà Văn và 6 ngư dân biệt vô âm tín suốt cả tuần sau ngày xảy ra trận lốc. Ngồi đợi chồng từ ngày này qua ngày nọ, đến ngày thứ bảy, bà Văn mới nhận được tin báo chồng bà vẫn bình an. “Thuyền của chồng tôi bị hư máy, trôi dạt vào vùng ven biển xã Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Mọi người trên thuyền đều sống sót. Cảm giác khi đó thật không sao tả được”, bà Văn tâm sự.

 
Cũng như chồng bà Văn, may mắn sống sót trong trận lốc xoáy kinh hoàng năm 1991, ngư dân Trần Văn Bàn (58 tuổi) vẫn không thể nào quên giây phút chống chọi với tử thần. Đưa tay nắm tay vợ là bà Phạm Thị Thanh Hương (52 tuổi), ông Bàn kể lại, vẫn như thường ngày tôi và anh em bạn thuyền ra khơi vào lúc 1 giờ sáng. Trời rất êm. Mãi đến 4 giờ sáng, trời bỗng nổi sấm chớp, mưa lớn, gió to. Lúc đó, thuyền đã ra khơi khoảng 10 hải lý. Mọi người thấy tình hình nguy cấp, song đang lênh đênh giữa biển, không còn cách nào khác, 7 người trên thuyền cố gắng chèo chống để tìm nơi an toàn. Lênh đênh trên biển khoảng 1 tiếng đồng hồ, đến hơn 5 giờ sáng, thuyền bị hư máy. Mọi người đều nghĩ ngồi yên trên thuyền thì khó sống sót, nên các thanh niên khỏe mạnh cột dây thừng vào bụng, một đầu cột vào thuyền nhảy xuống biển kiểm tra, nối lại mạch hở. Vật lộn một lúc thì thuyền nổ máy, đến 8 giờ sáng cùng ngày,  chúng tôi về tới cửa biển xã Bình Thuận (Bình Sơn). “Tới bờ chúng tôi mới dám thở phào. Nhưng ít tàu, thuyền nào may mắn như vậy. Trận lốc đó đã cướp đi sinh mệnh của hơn 80 ngư dân xã Bình Chánh”, ông Bàn bùi ngùi nói. 
 
Biển cả mãi trong tim
 
Sau trận lốc, bóng dáng của đàn ông ở làng chài Mỹ Tân thưa vắng. Bà Lắm nhớ lại, hồi ấy gia đình tôi được hỗ trợ gạo, thức ăn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm, động viên chúng tôi. Chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội hướng về làng chài, đến từng hộ gia đình tặng quà hỗ trợ sau thiên tai, động viên các bà, các chị vượt qua mất mát, thương đau để lo cho con cái.
 
Ngư dân Nguyễn Đình Đệ phấn khởi sau chuyến đánh bắt hải sản trên biển.                                                                                                                       Ảnh: PV
Ngư dân Nguyễn Đình Đệ phấn khởi sau chuyến đánh bắt hải sản trên biển. Ảnh: PV
Sống trong tình yêu thương của cộng đồng, nghĩ đến 3 đứa con trai còn thơ dại, bà Lắm gắng gượng vượt qua nỗi đau, gồng gánh nuôi các con. Bà làm đủ thứ việc, đan lưới vào lúc tối, ban ngày thì ra bến mua cá đem lên chợ bán. Bán cá xong, đến trưa bà Lắm tranh thủ ăn cơm, rồi vào thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) chở từng can dầu về bán lại cho ngư dân đi biển. Cứ thế, ngày qua ngày, các con trai của bà Lắm lớn dần, đỡ đần việc nhà cùng mẹ. 
 
“Thấy tôi cực nhọc, hai con trai lớn xin tôi đi biển. Tôi cũng sợ việc không may nơi biển cả, nhưng ngăn sao được khi các con quyết tâm bám biển quê hương. Biển đã cướp đi sinh mạng chồng tôi. Biển cũng cho hai người con trai những mẻ cá, mẻ mực, đỡ đần tôi có thêm thu nhập nuôi nấng con trai út ăn học đàng hoàng và đang là kỹ sư ở nhà máy. Đến bây giờ, cuộc sống các con ổn định, yên bề gia thất làm tôi yên lòng”, bà Lắm tâm sự.
 
Trở về sau cơn lốc, nhiều ngư dân chẳng hề sợ hãi, họ vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. “Tôi đã xác định, mình sinh ra từ biển thì chỉ biết bám biển, gửi tình yêu vào biển và sẽ không bao giờ bỏ biển”, ông Trần Văn Bàn nói. Đôi mắt như bừng sáng khi nói về biển, ông Bàn bảo rằng, đối với mỗi ngư dân “tàu là nhà, biển cả là quê hương”. Thế nên, chúng tôi vươn khơi không chỉ để mưu sinh, mà còn để thể hiện trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Những chiếc tàu ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn).       Ảnh: PV
Những chiếc tàu ở làng chài Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn). Ảnh: PV
Các thanh niên ở làng chài Mỹ Tân cũng vậy, hết lớp đến lớp, nối tiếp truyền thống của cha ông ngày đêm bám biển. Ra khơi bám biển, đương đầu trước nhiều cơn bão tố cùng với cha, ông từ năm 16 tuổi, ngư dân Nguyễn Đình Đệ (37 tuổi) bảo rằng, đối với chúng tôi, biển là lẽ sống. Sau 20 năm gắn bó với nghề, nhờ tích góp được vốn liếng và kinh nghiệm đánh bắt trên ngư trường, anh Đệ mạnh dạn đầu tư đóng tàu lớn để khai thác hải sản đạt hiệu quả cao hơn. “Cần câu cơm” của gia đình anh Đệ là 2 chiếc tàu có công suất 500CV và 700CV hành nghề câu mực xà ở Hoàng Sa. Mỗi năm, anh thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng, những ngư dân đi bạn trên tàu của anh Đệ cũng ổn định cuộc sống nhờ bám biển mưu sinh.
 
ĐĂNG SƯƠNG – TRUNG ÂN
 
 

.