Khí chất Hùm Thiêng Yên Thế trên chiến trường Quảng Ngãi

07:02, 20/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Rời quê hương Hùm Thiêng Yên Thế, Trung đoàn Đề Thám (tỉnh Hà Bắc cũ) vào đầu quân cho Quân khu 5, với phiên hiệu Trung đoàn Bộ binh 21, Sư đoàn 2. Trong 10 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975), đơn vị đã cùng với quân và dân Quảng Ngãi lập nhiều chiến công oanh liệt.
 
Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ
 
Trung đoàn Đề Thám thành lập tháng 4/1965, tại tỉnh Hà Bắc cũ. Phần lớn cán bộ, chiến sĩ của đơn vị là con em của nhân dân 2 tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh) và tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên). Theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tháng 7/1965, Trung đoàn hành quân vào Nam và đầu quân cho Sư đoàn 2, Quân khu 5, với phiên hiệu Trung đoàn Bộ binh 21.
 
Trong suốt 10 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường ác liệt nhất của Liên khu 5 tại khu tây huyện Sơn Tịnh, đơn vị đã lập nhiều chiến công oanh liệt, là biểu tượng của tinh thần quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. 
 
Nhiều liệt sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 21 đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) nhưng chưa xác định được tên.                 Ảnh: X.T
Nhiều liệt sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 21 đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) nhưng chưa xác định được tên. Ảnh: X.T
Mang trong mình khí chất Hùm Thiêng - Yên Thế, với thủ lĩnh của khởi nghĩa Yên Thế của Đề Thám chống lại thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Bắc Giang, những chàng trai, cô gái Hà Bắc cũ đã xung phong vào chiến trường miền Trung để tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong số đó có rất nhiều chàng trai, cô gái tuổi 20 đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Vì thế, hiện nay còn rất nhiều liệt sĩ nằm lại ở Nghĩa trang liệt sĩ các xã: Tịnh Minh, Tịnh Bình, Tịnh Hà (Sơn Tịnh), chỉ có đơn vị nhưng không có tên.
 
Giữa tháng 1/1966, cuộc phản công chiến lược của quân Mỹ bắt đầu. Ngày 3/3, lính thuỷ đánh bộ Mỹ và tiểu đoàn dù số 3 cùng một chi đoàn xe bọc thép của quân ngụy tổ chức trận địa pháo ở Dốc Sỏi và chiếm núi Hương. Đêm ngày 3/3, từng tốp máy bay B57 của Mỹ liên tục ném bom xuống các điểm cao 97, 62, đồi Chùa và dãy núi Cà-Ti. Điểm cao 62 là một ngọn đồi chiến lược cao 62m hình chóp nón nằm giữa thôn Bình Bắc, xã Sơn Châu (nay là xã Tịnh Bình). Đây là vị trí khống chế đối với các khu vực xung quanh, là khâu liên kết giữa điểm cao 97, đồi Chùa với dãy Cà-Ti, hình thành một tuyến chia cắt khu vực chiến đấu.
 
Chấp hành mệnh lệnh đánh chiếm điểm cao 62, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 21 Phan Viên tập trung hai tiểu đoàn 22 và 33 hình thành hai mũi tiến công vào hai bên sườn quân địch. Tiểu đoàn 11 làm dự bị. Lúc này, địch trên cao, ta dưới thấp, chúng lại được phi pháo chi viện tới mức tối đa. Do đó, các chiến sĩ của ta phải bám vào từng mô đá, gốc cây để nhích dần từng bước. Địch liên tiếp phản công hòng đẩy lùi ta xuống chân đồi. Xạ thủ đại liên Nguyễn Văn Năm cùng đồng đội khôn khéo lợi dụng địa hình, linh hoạt di chuyển vị trí, đánh lùi hàng chục đợt xung phong của địch. Đến 13 giờ 30 phút, mũi chủ yếu do Tiểu đoàn 22 đảm nhiệm đánh từ phía bắc lên chiếm được một phần ba điểm cao.
 
Giữa lúc quân địch tập trung đối phó với mũi đánh phía trước của ta, thì 9 chiến sĩ, do Đại đội trưởng Cẩm chỉ huy từ phía sau đánh ập tới. Bị dồn vào đường cùng, quân địch bắt đầu tan rã. Sau đó, từ hai mặt, các chiến sĩ ta xông lên tiêu diệt địch. Trận đánh kết thúc lúc 5 giờ ngày 5/3/1966. Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 lính thuỷ đánh bộ Mỹ bị tiêu diệt gần hết. Đến ngày 5/3, quân địch từ Khánh Mỹ và núi Cà-Ti lại đánh lên điểm cao 62 và làng Hoà Vinh, nhưng Tiểu đoàn 22, Trung đoàn Bộ binh 21 đã chặn đánh thành công.
 
Sâu nặng tình nghĩa quân dân
 
Sau chiến dịch mùa xuân 1966, sở chỉ huy sư đoàn cùng các đơn vị trực thuộc và Trung đoàn Bộ binh 21 hành quân ra Quảng Nam tiếp tục tham gia chiến đấu. Mùa thu 1966, Mỹ - ngụy đưa Lữ đoàn Rồng Xanh lính Nam Triều Tiên từ Phú Yên ra thay cho các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ ở bắc Quảng Ngãi. Đi đôi với càn quét, đánh phá, quân Mỹ và quân Nam Triều Tiên còn khủng bố, tàn sát, gây cho nhân dân ta nhiều đau thương. 
 
“Điểm cao 62 là di tích lịch sử mang dấu ấn của Trung đoàn Bộ binh 21, Sư đoàn 2. Hiện nay, địa phương đang phối hợp cùng với Bảo tàng Tổng hợp tỉnh làm hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng Cụm di tích Điểm cao 62 - Đồi Chùa - Gò Cát, ở thôn Bình Bắc là di tích lịch sử cấp quốc gia. Qua đó, nhằm tri ân, tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh; giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau về mảnh đất anh hùng với những chiến công vang dội của Trung đoàn Đề Thám trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh)
TRẦN VĂN MẪN

Trước tình hình đó, tiền phương Quân khu 5 điều Trung đoàn Bộ binh 21 vào lại chiến trường Quảng Ngãi cùng với tiểu đoàn súng máy phòng không của Sư đoàn 2, Tiểu đoàn 20 và lực lượng địa phương đánh địch ở khu tây Sơn Tịnh. Ngày 9/1/1967, trực thăng của địch đổ hai đại đội lính Nam Triều Tiên xuống phía tây cách An Điềm 8km. Trong đêm, Trung đoàn Bộ binh 21 cho Tiểu đoàn 33 bố trí trận địa mai phục. Quá trưa ngày 10/1/1967, đại đội lính Nam Triều Tiên từ Khánh Mỹ quay về, đã nằm gọn trong vòng vây của ta và không một tên nào chạy thoát.

 
Vừa đánh địch, Trung đoàn Bộ binh 21 vừa tổ chức giúp đỡ nhân dân những vùng bị địch tàn sát. Từng phân đội nhỏ giúp dân sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống, chuẩn bị chống địch càn quét. Chỉ trong 1 tháng, trung đoàn đã làm 44 nhà, sửa chữa 213 ngôi nhà khác; đào và sửa 280 hầm trú ẩn; giúp trên 600 công sản xuất; cùng địa phương xây dựng và củng cố 26 thôn, xã chiến đấu.
 
Ở thôn Tân Phước, trên nền một ngôi nhà bị địch đốt cháy vừa dọn gọn, trung đoàn tổ chức mít tinh tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và lính Nam Triều Tiên. Tại cuộc mít tinh, nữ y tá của trung đoàn là Thu Hiền đã hát về tấm gương chiến đấu kiên cường của Chính trị viên Trần Lương ở điểm cao 62. Chiến công cũ hòa cùng chiến công mới càng cổ vũ, động viên mạnh mẽ quyết tâm chiến đấu và càng gắn bó sâu đậm tình nghĩa quân dân. Ngoài ra, Trung đoàn Bộ binh 21 còn thực hiện nhiệm vụ tác chiến giữ thế chiến trường; củng cố, huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu; chuẩn bị cho chiến trường, chuẩn bị vật chất cho nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Quảng Ngãi... cho đến ngày toàn thắng năm 1975.
 
Chúng tôi trở lại xóm Bình Hòa, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh) những ngày đầu xuân mới. Cảm nhận đầu tiên trong chúng tôi đây là một miền quê yên bình, với rất nhiều ngôi nhà xây mái ngói khang trang. Xen lẫn trong những cánh đồng lúa đang lên xanh mướt là những ngọn đồi thấp. Đó là điểm cao 62 – nơi ghi đậm chiến công của Trung đoàn Bộ binh 21 - Đề Thám.
 
Nằm cách ngọn đồi 62 không xa, nhà ông Lê Văn Bình (81 tuổi), nguyên là du kích địa phương vẫn bám trụ với xóm làng từ thời chiến tranh. Ông Bình kể: Lúc đó tôi là "mũi trưởng" trực tiếp dẫn bộ đội đánh lên điểm cao 62. Tất cả đều là anh em ngoài Bắc vào, tuổi đời còn rất trẻ. Trận đánh diễn ra trong mấy ngày vô cùng ác liệt, quân địch đóng trên đồi, còn bộ đội ta thì đánh dưới lên, trận chiến ác liệt, anh em hy sinh rất nhiều. Có buổi chiều tôi dẫn 91 người đánh lên trận địa, nhưng khi về chỉ còn 26 người. Tôi cũng bị thương nặng trong trận chiến này.
 
Theo ông Bình, những năm sau này, ông thường xuyên tiếp các đoàn khách là thân nhân của các chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh ở đồi 62 từ ngoài Bắc vào. Qua đó, đã tìm thấy được nhiều hài cốt liệt sĩ còn nằm lại ven đồi. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều liệt sĩ nằm lại ở điểm cao này nhưng chưa tìm được. Mong Nhà nước xây dựng tượng đài tại di tích điểm cao 62 để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ tại địa điểm này.
 
Cách ngọn đồi 62 khoàng 10km về phía nam là Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tịnh Bình. Tại đây, có rất nhiều ngôi mộ chỉ ghi E21-F2-QK5 mà không có tên tuổi. Đó là những ngôi mộ liệt sĩ thuộc Trung đoàn Bộ binh 21, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Các anh đã chiến đấu anh dũng và mãi nằm lại nơi chiến trường khu tây Sơn Tịnh khốc liệt.r
 
XUÂN THIÊN
 
 
 

.