Anh nông dân hào hiệp bên sông Giang

09:03, 09/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Tôi cứu người vì nghĩ rằng mình phải cứu, chứ thật sự không nghĩ cứu ai đó để được họ trả ơn. Ai ở trong hoàn cảnh của tôi cũng sẽ làm như vậy thôi”. Anh Huỳnh Văn Thêm (45 tuổi), ở thôn Cù Và, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh) bộc bạch khi chúng tôi hỏi về chuyện anh nhiều lần cứu người trên dòng sông Giang.
 
Dòng sông Giang, một nhánh của sông Trà Khúc chạy qua xã Tịnh Giang kéo dài chừng 4km. Sông trải đầy phù sa, tưới tắm cho những cánh đồng rau màu thêm trù phú, nhưng cũng chính dòng sông ấy đã cướp đi sinh mạng của không ít người xấu số. Song, bên dòng sông trĩu nặng ân tình ấy vẫn có một nông dân hào hiệp như anh Huỳnh Văn Thêm. Người dám bước qua lời nguyền bao đời nay của những người sống bằng nghề sông nước: "Không được cứu người chết đuối, nếu làm trái phải đền mạng".
 
Gặp người bị nạn liền ra tay
 
Chuyện về anh Thêm gắn bó với dòng sông Giang từ thuở nhỏ trải dài biết bao cung bậc cảm xúc, như trăm con sông nhỏ đổ về biển lớn, nhưng lúc nào cũng đong đầy lòng trắc ẩn. Hôm ấy, ngày 9 tháng Chạp năm 2019, sau bữa cơm trưa, anh Thêm đi xe máy lên núi thăm rừng keo. Đến khu vực Cống Giang, anh thấy nhóm học sinh khoảng chục em dưới sông. Cứ ngỡ tụi nhỏ đang chơi đùa, nhưng đến gần hơn, anh phát hiện đám trẻ đang loay hoay lôi một học sinh nam đang bị mắc kẹt giữa dòng nước hung hãn. Không một phút chần chừ, anh Thêm tắt xe máy, lao nhanh đến chỗ mấy cháu nhỏ. Vốn đã quen với việc cứu người đuối nước, anh Thêm bình tĩnh trấn an tụi nhỏ, rồi hướng dẫn nhóm học sinh "dàn trận" như đội hình kéo co, một tay nắm chắc vào đội hình kéo co, anh Thêm trườn xuống khu vực nạn nhân bị mắc kẹt. 
nh Thêm tại nơi anh cùng nhóm học sinh cứu một học sinh lớp 8 bị đuối nước. Thời điểm đó, nước ở đây rất lớn và chảy xiết.
Anh Thêm tại nơi anh cùng nhóm học sinh cứu một học sinh lớp 8 bị đuối nước. Thời điểm đó, nước ở đây rất lớn và chảy xiết.
Anh Thêm kể, mất khoảng 20 phút mà anh cùng đám trẻ không tài nào đưa nạn nhân lên được bờ, vì một chân của nạn nhân bị mắc kẹt vào khe đá. Lúc này, nạn nhân bị uống nước quá nhiều, không còn đủ sức để nói chuyện. Thời điểm đó tầm 12 giờ rưỡi, khu vực bị nạn lại giữa rừng núi, vắng người qua lại. Nếu gọi điện thoại cho người lên cứu thì cũng không kịp, vì nạn nhân đã gần như kiệt sức. Linh tính mách bảo tôi thời gian chẳng còn nhiều.
 
Giữa thời khắc sinh tử, tính mạng nạn nhân như “chỉ mành treo chuông”, lúc này, anh Thêm nhìn lên trên bờ thấy một khúc gỗ keo, nên nảy ra một phương án giải cứu khác. Bằng cách vác cây gỗ keo bắc qua khu vực nạn nhân, giống như làm một chiếc cầu. Anh bảo nhóm học sinh giữ chặt một đầu cây keo, còn một tay anh Thêm đu mình vào cây keo, cầm tay nạn nhân và rướn người dùng chân của mình đạp mạnh vào bàn chân của nạn nhân đang mắc kẹt. Chân anh rướm máu, vì đạp phải những phiến đá. Sau một hồi, bàn chân nạn nhân được lôi ra khỏi khe đá. Anh kéo nạn nhân lên bờ, lúc này nạn nhân nằm bất động trên đá vì kiệt sức, vài phút sau mới tỉnh trở lại. Mất 30 phút mới cứu được người, nhóm học sinh cảm ơn anh Thêm hết lời...
 
Anh Thêm bảo, thường thì mọi hôm ăn cơm trưa xong là tôi đi nghỉ trưa, nhưng không hiểu sao hôm đó lại tự dưng lái xe máy lên thăm rừng keo. Mà cũng phải bốn tháng rồi tôi mới lên thăm rừng keo của mình. Đang trên đường đi thì gặp chuyện, vậy là cứu luôn cháu học sinh. Cứu xong là về nhà nghỉ ngơi luôn, chứ không còn sức đi thăm ruộng keo nữa. Chuyện cứu người như là cái duyên vậy.
“Anh Thêm là người sinh ra lớn lên cùng làng với tôi. Tính anh thật thà chất phát, nhưng là người rất dũng cảm. Câu chuyện xả thân cứu người của anh khiến chính quyền và người dân địa phương ai nấy đều nể phục”.
 
Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang VÕ VĂN TÂM
Không tính toán thiệt hơn
 
Sông Giang có nhiều khu vực chảy xiết, nhưng so với mùa lũ thì hôm chúng tôi đến, sông Giang quá bình yên. Chuyện anh Thêm cứu một học sinh mới đây không phải là lần duy nhất. Dẫn chúng tôi đến những “điểm đen” hay xảy ra đuối nước trên khu vực sông Giang, anh bảo từ nhỏ tôi theo cha hành nghề sông nước trên sông Giang, nên biết chỗ nông sâu trên dòng sông này. Vì thế, mỗi khi gặp trường hợp đuối nước, hay có người nhờ lặn tìm thi thể người chết đuối trên sông là mình biết cách xoay xở. Nhiều trường hợp mình cứu xong, họ trả ơn hậu hĩnh, nhưng nói thiệt là tôi không dám nhận. Mình tin rằng “cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ”. Còn cái gì lớn hơn tính mạng con người nữa đâu. 
Anh Thêm cùng tấm giấy khen do Chủ tịch UBND huyện khen tặng vì có thành tích đột xuất trong việc cứu người đuối nước.
Anh Thêm cùng tấm giấy khen do Chủ tịch UBND huyện khen tặng vì có thành tích đột xuất trong việc cứu người đuối nước.
Câu chuyện xảy ra khá lâu, lúc anh Thêm cùng nhiều thanh niên trong làng chăn bò ở khu vực sông Giang thì thấy một cháu bé khoảng tầm hơn 11 tuổi đang tắm sông cách chỗ anh khoảng vài chục mét. Mới thấy đùa giỡn dưới nước, nhưng vài phút sau đã không còn thấy cháu bé đâu nữa. Anh tức tốc lao đến khu vực cậu bé tắm lặn tìm. Chỉ vài phút sau, anh cùng nhóm bạn vớt được cháu bé lên bờ. Lúc này nạn nhân đã bất tỉnh. Anh tiến hành hô hấp nhân tạo, đốt lửa sưởi ấm và cứu sống cháu bé. Anh Thêm bảo, hễ cứ thấy ai gặp nạn là phải ra tay cứu giúp trước đã.
 
Nhắc đến người hàng xóm, anh Lâm Minh, người cùng thôn với anh Thêm như cởi mở tấm lòng mình: Anh Thêm là vậy đó, thấy người gặp nạn là ra tay cứu giúp, chứ không hề tính toán thiệt hơn chi cả. Anh dũng cảm khi dùng chính sinh mạng của mình để cứu người khác, lòng tốt đó không phải ai cũng sẵn sàng cho đi.
 
Học hết lớp 7, anh Thêm tạm gác giấc mơ đèn sách, theo cha làm đủ mọi thứ nghề để mưu sinh và cuối cùng là trở về làm... nông dân. Cuộc sống của anh cùng vợ, các con và một mẹ già trong ngôi nhà cấp bốn nằm gần bên bờ sông Giang dẫu còn khó khăn, nhưng luôn ấm áp tình người. Anh vốn dung dị, chân chất, nên được bà con lối xóm tin yêu. Sở dĩ việc anh cứu người mới đây được nhiều người biết đến là vì cách đây không lâu, khi dự bữa cúng tất niên ở làng, anh có dịp ngồi trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang Võ Văn Tâm. Anh chia sẻ với ông Tâm rằng, quê mình có nhiều sông suối, thường xảy ra nhiều trường hợp đuối nước, vì vậy chính quyền xã cần phối hợp với nhà trường và phụ huynh tăng cường hơn nữa công tác quản lý học sinh. Kiên nhẫn hỏi chuyện, ông Tâm mới biết chuyện anh Thêm hào hiệp sẵn sàng ra tay cứu người bị nạn trên dòng sông Giang.
Nhận giấy khen chứ không nhận tiền
 
Được Chủ tịch UBND xã đến tận nhà trao giấy khen thưởng đột xuất của Chủ tịch UBND huyện về hành động nghĩa hiệp cứu người bị nạn, anh Thêm xúc động, nhưng chỉ nhận giấy khen, chứ không nhận tiền. Anh trao lại hai triệu đồng tiền khen thưởng cho địa phương để tặng cho những hoàn cảnh khó khăn.
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 
 
 

.