Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015:
Khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn

10:08, 03/08/2011
.

 
(QNg)- Những năm qua, các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Phát huy những kết quả đạt được, Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi của Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 tiếp tục triển khai khoảng 20 dự án, xây dựng ít nhất 20 mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chấn Diệp - Giám đốc Sở KH&CN về vấn đề này.


PV: Xin ông cho biết kết quả đạt được của một số dự án KH&CN ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào địa bàn nông thôn, miền núi ở tỉnh trong thời gian qua?

Ông Trần Chấn Diệp:   5 năm qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng và phát triển nông thôn mới  có bước tiến đáng kể. Nhiều dự án được triển khai thành công đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân như, dự án hỗ trợ trồng trọt và phát triển chăn nuôi ở xã Sơn Mùa và Sơn Bua (Sơn Tây), nhằm giúp nông dân sản xuất cây lương thực tại chỗ và phát triển chăn nuôi, đảm bảo cuộc sống người dân trên địa bàn; dự án chăn nuôi heo khép kín quy mô hộ gia đình ở huyện Sơn Tịnh đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra còn thực hiện một số dự án KH&CN như cải tạo đàn trâu, lai tạo đàn dê (Ba Tơ). Đặc biệt công tác ứng dụng KH&CN đã cùng với Công ty CP Đường Quảng Ngãi xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu mía theo phương thức canh tác mía trên đất dốc với quy mô trên 400 ha, đã đem lại hiệu quả và năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, chữ đường 10CCS. Hoạt động KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp còn tạo ra nhiều mô hình sản xuất mới như, thành lập HTX chuyên canh mía kết hợp với chăn nuôi ở các huyện Đức Phổ và Sơn Tịnh… Đây là những dự án góp phần thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh  trong thời gian sắp đến. 

PV: Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015 sẽ triển khai những nội dung gì, thưa ông?

Ông Trần Chấn Diệp:  Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình KH&CN hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong 5 năm (2011 - 2016). Điểm mới của Chương trình là gắn kết chương trình KH&CN với chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới mà hiện nay tỉnh đang thực hiện. Chương trình gồm các nội dung như: Tập trung KH&CN hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống và một số làng nghề mới có tiềm năng phát triển ở địa phương; kết hợp với các công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến hàng nông sản để phát triển vùng nguyên liệu mới phục vụ cho công nghiệp chế biến; hỗ trợ phát triển các làng nghề gắn với các mô hình sản xuất mới (phát triển nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu), cùng với hình thành HTX chuyên canh nấm, nhằm phát triển ngành nghề mới trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Và nội dung quan trọng là tập trung nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp về công nghệ sinh học, để góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng bền vững và an toàn. Các nội dung này sẽ không thực hiện riêng lẻ, mà có sự gắn bó, kết hợp giữa chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn ở từng địa phương.  

PV: Để Chương trình đạt mục tiêu và nội dung đề ra, cần phải có các giải pháp gì?

Ông Trần Chấn Diệp: Trong kinh nghiệm phát triển các dự án hỗ trợ ở lĩnh vực nông thôn thì vấn đề quan trọng là phải xác định đúng nhu cầu của người nông dân. Dựa trên cơ sở các điều tra để nắm bắt nhu cầu và đề xuất của người dân, lợi thế của từng địa phương, qua đó hình thành và lựa chọn các tiến bộ KH&CN để chuyển giao vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề thứ hai là phải kết hợp nhiều nguồn vốn (nguồn vốn về KH&CN, nguồn vốn phát triển nông thôn và các nguồn vốn về chương trình mục tiêu khác), để mô hình KH&CN không chỉ dừng lại là mô hình chứng minh tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà phải chứng minh được giá trị hiệu quả của nó, đặc biệt là giá trị làm lợi mà ở đó người dân hưởng thụ được. Có như vậy các mô hình KH&CN mới thật sự đi vào lòng dân, đi vào cuộc sống của từng hộ dân.

Vấn đề thứ ba là phải thuyết phục được các doanh nghiệp chung vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Hiện nay Chính phủ đang ưu tiên phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua đó KH&CN cũng có những chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn KH&CN để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực nuôi trồng, để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các nông sản trên địa bàn tỉnh. Và giải pháp cuối cùng là chúng tôi sẽ cử một lực lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN của Sở đi sâu sát thực tế, gợi mở và cùng với người nông dân xây dựng các mô hình, qua đó tổng kết, phổ biến để hình thành các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. 

PV: Xin cảm ơn ông!

P.D (thực hiện)

.