Hành nghề trên biển cần nắm vững luật pháp về biển và tổ chức thành tổ, đội tàu thuyền hỗ trợ nhau…

09:07, 05/07/2011
.

 
(QNg)- Để hạn chế những thiệt hại về người và tài sản khi đánh bắt hải sản trên biển trong tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp như hiện nay, trao đổi với phóng viên BQN, đại tá Bùi Phụ Phú có những khuyến cáo đối với ngư dân, mời bạn đọc theo dõi.


P.V: Đại tá có thể nói đôi nét về tình hình trên biển đảo Quảng Ngãi và công tác chủ động phối hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng Biên phòng tỉnh trong thời gian gần đây?

Đại tá Bùi Phụ Phú: Thời gian gần đây, tình hình trên khu vực biên giới biển nói chung và trên vùng biển, đảo của tỉnh nói riêng nổi lên một số vấn đề khá phức tạp như mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng chất nổ để đánh bắt hải sản, khai thác trái phép san hô, rong mơ… Đặc biệt là các trường hợp ngư dân ta hành nghề bị tàu nước ngoài bắt tịch thu tài sản, phạt tiền, phạt tù vô căn cứ, tàu nước ngoài đâm va vào tàu ngư dân rồi bỏ chạy đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính  mạng và tài sản của ngư dân, nhất là đời sống của nhiều hộ ngư dân.
 
Trước tình hình trên Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã và đang tập trung theo dõi, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là các hoạt động đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển phía Bắc, phía Nam của ngư dân tỉnh ta, để chỉ đạo xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra trên biển, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát Biên phòng theo dõi tình hình trên biển 24/24 giờ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc. Mặt khác, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên trao đổi tình hình và phối hợp cùng các lực lượng Cảnh sát biển vùng 2, Hải quân vùng 3, Hải đoàn 48 BĐBP và các tỉnh giáp ranh tổ chức nhiều đợt tuần tra trên biển để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo, góp phần giữ vững chủ quyền, ANCT và TTATXH khu vực biên giới biển.

P.V: Một bộ phận ngư dân bị bắt, tàu bị đâm, bị tịch thu phương tiện khi hành nghề trên biển Đông là người Quảng Ngãi, vì sao có hiện tượng này?

Đại tá Bùi Phụ Phú: Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng hơn 5.600 phương tiện các loại hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển của Tổ quốc. Trong đó, tàu thuyền có công suất trên 90 CV khoảng hơn 1.600 chiếc với hàng chục ngàn lao động thường xuyên hoạt động trên biển đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển khơi xa như Hoàng Sa, Trường Sa… của Việt Nam.
 
Mặt khác, ngư dân Quảng Ngãi luôn xem hai vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, là ngư trường chính của mình. Vì vậy ngư dân vẫn thường xuyên có mặt ở Hoàng Sa, Trường Sa để khai thác hải sản bình thường. Xuất phát từ tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, một số nước trong khu vực muốn thể hiện sự khẳng định chủ quyền của mình, nên thường xuyên tuần tra bắt giữ, tịch thu tài sản, xử phạt ngư dân ta, đã gây nên một số vụ việc phức tạp hơn trong thời gian gần đây. Chính vì ba yếu tố cơ bản trên nên dẫn đến việc ngư dân của Quảng Ngãi thường bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, tịch thu tài sản, phương tiện... làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và đời sống của ngư dân.

P.V: Để khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc, chúng ta cần những đầu tư như thế nào đối với lực lượng chức năng và hỗ trợ ngư dân?

Đại tá Bùi Phụ Phú: Quảng Ngãi có 151km bờ biển (tính cả đảo Lý Sơn). Nghề biển là nghề truyền thống của nhiều địa phương (Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và đảo Lý Sơn), hàng năm góp phần tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động, bảo đảm thu nhập và đời sống cho người dân. Nhiều ngư dân đã biết làm giàu từ biển và đã đầu tư đóng mới cải hoán hàng trăm con tàu có công suất lớn để vươn ra khơi xa đánh  bắt hải sản. Toàn tỉnh hiện có đội tàu đánh bắt trên 5.600 chiếc (với tổng công suất hơn 558.000 CV). Hàng năm sản lượng hải sản khai thác đạt hàng trăm ngàn tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như chế biến xuất khẩu. Ưu điểm của đội tàu cá tỉnh Quảng Ngãi là công suất lớn, đủ khả năng vươn ra những ngư trường khơi xa như  Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển Tây Nam...

Để khuyến khích, động viên ngư dân vươn ra đánh bắt hải sản ở các vùng biển xa của Việt Nam, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc, hàng năm Nhà nước cần đầu tư thêm vốn hoặc cho ngư dân vay với nguồn vốn ưu đãi, nhằm tạo điều kiện tích cực cho ngư dân đóng mới, hoán cải phương tiện, nâng cao công suất và khả năng khai thác. Mặt khác cần đào tạo, nâng cao năng lực tiếp cận trong sử dụng công nghệ thông tin cho ngư dân phục vụ khai thác đánh bắt hải sản. Có như vậy, số tàu khai thác khơi xa ngày càng đông hơn số phương tiện hiện có. Hiện nay đã có nhiều ngư phủ nổi danh "bất bại", là "kình ngư, sói biển" như ông Mai Phụng Lưu tại xã An Vĩnh (Lý Sơn) đã nhiều lần bị tàu nước ngoài bắt phạt tiền, phạt tù, tịch thu tài sản, nhưng ông Lưu vẫn không khuất phục.

Để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc cần có định hướng chiến lược của tỉnh ưu tiên phát triển đội tàu công suất lớn, vươn ra những vùng biển khơi xa thuộc chủ quyền đất nước; đồng thời đầu tư phát triển các cụm dịch vụ hậu cần cả trên biển lẫn đất liền phục vụ ngư dân như tàu hậu cần thu mua hải sản, khu neo đậu tránh bão cho tàu bè, các cảng cá...

Riêng về lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, Nhà nước cần đầu tư thêm tàu chuyên dụng có khả năng làm nhiệm vụ tác chiến xa bờ trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, các trang thiết bị hiện đại để nắm tình hình từ xa và đảm bảo kinh phí, nhiên liệu cho BĐBP hoạt động dài ngày trên biển...

P.V: Trước tình hình hay bị nước ngoài "làm khó dễ" khi đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có những khuyến cáo gì đối với ngư dân?

Đại tá Bùi Phụ Phú: Hiện nay các nước trong khu vực đang tăng cường tuần tra, kiểm tra bắt giữ, tịch thu tài sản, xử phạt ngư dân ta diễn ra ngày càng phức tạp. Để bảo đảm an toàn cho ngư dân khi hành nghề trên biển và bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng tỉnh yêu cầu ngư dân khi hành nghề trên biển cần chú ý thực hiện tốt một số vấn đề như sau:

Nắm vững Luật Biển 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam với Trung Quốc... các thỏa ước mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết. Những nội dung liên quan đến lĩnh vực phạm vi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Quốc gia đối với biển, đảo và tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo Việt Nam thời gian qua.

Khi hành nghề trên các vùng biển phải theo từng tổ đội để tương trợ nhau khi gặp tàu nước ngoài, cướp biển, đâm va nhau cũng như khi có bão... Mặt khác, khi hành nghề ngư dân cần phải chấp hành tốt pháp luật Nhà nước trên biển, không đánh cá bằng mìn, không câu trộm lưới, làm hư hỏng cáp quang biển của Quốc gia...

Khi đi hành nghề ngư dân phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị an toàn, hành nghề phải đúng tuyến, đúng ngành nghề quy định. Khi ngư dân hành nghề ở các vùng biển cần chủ động thông tin về các đài canh, thông tin Bộ đội Biên phòng... báo cáo, thông báo vụ việc trên biển để phối hợp xử lý có hiệu quả đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con trong quá trình hành nghề...

PV: Xin cảm ơn đại tá đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!

Thanh Toàn (thực hiện)

.