"Bệnh viện thu nhỏ" ở vùng cao Trà Bồng

10:08, 11/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8.2014, Phòng khám khu vực Trà Tân-Trà Bùi ở xã Trà Tân (Trà Bồng) đã mang lại niềm vui cho hàng nghìn người dân ở 2 xã vùng cao Trà Tân, Trà Bùi. Được ví như "bệnh viện thu nhỏ", phòng khám sẽ góp phần đưa dịch vụ y tế hiện đại về gần dân, giảm tình trạng quá tải cho tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân ngay tại địa bàn cư trú...

TIN LIÊN QUAN

Niềm vui chung
 
Chúng tôi đến Phòng khám khu vực Trà Tân- Trà Bùi vào đúng thời điểm phòng khám này đưa vào hoạt động. Nhìn “cơ ngơi” phòng khám là tòa nhà 2 tầng bề thế, khang trang, sạch sẽ tạo cảm giác yên tâm cho người bệnh khi đến khám và điều trị bệnh. 
 
Tiếp chúng tôi trong niềm vui đón nhận cơ sở khám chữa bệnh mới, bác sĩ Phạm Thị Anh Lý- Trưởng phòng khám cho biết: Từ nguồn vốn chương trình 30a, Phòng khám được đầu tư xây dựng với nguồn kinh phí trên 5,7 tỷ đồng có diện tích 2.400 m2, với quy mô 10 giường bệnh. Phòng khám có chức năng, nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân xã ở 2 xã Trà Tân và Trà Bùi.
 
"Phòng khám bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 1.8.2014. Bước đầu, để phục vụ công tác khám chữa bệnh tại phòng khám, Trung tâm y tế huyện Trà Bồng đã cử 10 cán bộ y, bác sĩ từ trung tâm xuống tiếp nhận phòng khám. Hiện tại, phòng khám có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 nữ hộ sinh, 2 y sĩ, 1 dược sỹ, 1 kỹ thuật viên xét nghiệm. Ngoài ra, phòng khám còn được đầu tư mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại, phục vụ công tác chẩn đoán của đội ngũ y, bác sĩ"- Bác sỹ Phạm Thị Anh Lý cho hay. 
 
Phòng khám khu vực Trà Tân- Trà Bùi được xây dựng khang trang
Phòng khám khu vực Trà Tân- Trà Bùi được xây dựng khang trang
 
Đối với hơn 4.000 hộ dân ở 2 xã vùng cao Trà Tân và Trà Bùi, việc có một Phòng khám khu vực với đầy đủ các chức năng nư một "bệnh viện thu nhỏ"  với những trang thiết bị hiện đại  ngay trên địa bàn là cả một niềm mơ ước từ rất lâu.
 
Suốt nhiều năm qua, do cuộc sống khó khăn cộng thêm địa thế núi rừng hiểm trở, khoảng cách từ địa bàn 2 xã đến Trung tâm y tế huyện Trà Bồng cách hàng chục cây số đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
 
Không giấu được niềm vui, già Hồ Văn Nuôi ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân phấn khởi: Trước đây, vì quãng đường từ nhà lên Trung tâm y tế huyện Trà Bồng quá xa, thế nên mỗi lần bị ốm đau nặng vượt quá khả năng của Trạm y tế xã là bà con phải đi hàng chục cây số xuống bệnh viện ở huyện Sơn Tịnh để điều trị rất mất thời gian và tốn kém. Từ nay có phòng khám này rồi, già và người thân của già sẽ không còn phải sợ “con bệnh” nữa, già không còn đi xa nữa".
 
Chia sẻ niềm vui với bà con, ông Trần Đình Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân khẳng định: Phòng khám được đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân không chỉ ở xã Trà Tân mà còn ở xã Trà Bùi. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt nhất, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế hiện đại ngay tại cơ sở.
 
Cần tiếp tục đầu tư
 
Việc đầu tư, xây dựng Phòng khám khu vực bước đầu đã đem lại hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt với bà con đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa ở vùng cao Trà Bồng. Song, bước đầu Phòng khám khu vực mới đi vào hoạt động nên còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực cũng như trang thiết bị và thiếu nhà công vụ phục vụ cho cán bộ, y, bác sỹ...
 
Chia sẻ với chúng tôi, bác sỹ Phạm Thị Anh Lý- Trưởng phòng khám cho biết: Phòng khám chúng tôi như một "bệnh viện thu nhỏ", bao gồm tất cả các khoa trong đó, mặc dù đã được cấp trên quan tâm, song hiện tại nguồn nhân lực còn thiếu, trang thiết bị y tế còn hạn chế. Với nguồn nhân lực hiện tại, có những ngày chúng tôi trực nghỉ bù thì sẽ thiếu người hỗ trợ. Cùng với đó, hiện phòng khám chỉ mới được trang bị máy siêu âm, máy điện tim, máy hút dịch, máy xét nghiệm máu nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác khám và điều trị cho bệnh nhân. Trong lúc đoạn đường chuyển lên tuyến trên khá xa.
 
Ca sinh đầu tiên tại phòng khám
Ca sinh đầu tiên tại phòng khám
 
"Mới đây nhất, phòng khám vừa tiếp nhận sản phụ Hồ Thị Oanh ở thôn Gò, xã Trà Bùi, nhập viện trong tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, ối đã vỡ, tử cung đã mở hết, chị Oanh lại bị cao huyết áp, chúng tôi xác định đây là một ca tiền sản giật nặng. Trong tình huống khẩn cấp này, chúng tôi không thể chuyển lên tuyến trên được vì sản phụ có thể đẻ dọc đường rất nguy hiểm. Thế nên, chúng tôi vẫn phải đỡ đẻ trong tình trạng không có máy thở oxy phụ trợ cho sản phụ. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ và đứa trẻ nếu như trong trường hợp cần máy thở oxy. Nhưng rất may, với sự tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ của phòng khám, sản phụ đã "vượt cạn" an toàn"- bác sĩ Phạm Thị Anh Lý kể lại.
 
Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển bệnh nhân cho phù hợp với tuyến cũng đang lúng túng ở phòng khám. Bởi, thẻ bảo hiểm hiện tại của người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Trạm y tế xã. Nhưng từ khi có phòng khám, người dân chủ yếu đi thẳng đến phòng khám để khám và điều trị.
 
Ông Hồ Văn Toàn- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trà Bồng cho biết: Hiện tại, theo chỉ đạo của Sở Y tế thì tạm thời điều động cán bộ từ Trung tâm y tế huyện sang phòng khám để phục vụ công tác khám chữa bệnh tại, chờ biên chế của tỉnh bổ sung. 
 
"Về vấn đề thẻ bảo hiểm, trước mắt chúng tôi tạo điều kiện giao cho 2 xã Trà Tân, Trà Bùi cấp giấy chuyển viện cho phòng khám khu vực. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị lên lãnh đạo Sở để có hướng chỉ đạo"- ông  Hồ Văn Toàn- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng cho hay.
 
Hy vọng với sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, trang thiết bị và sự chuẩn bị xứng tầm về nguồn nhân lực trong thời gian tới, chắc chắn "bệnh viện thu nhỏ" này sẽ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, góp phần tiết kiệm chi phí và tăng chỉ số hài lòng của người dân.
 
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

.